Đầu tư phát triển công nghệ nhiệt điện đốt than

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực cho các dự án nhiệt điện đốt than thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Trang 87)

Công nghệ đang ngày càng phát triển, và sự ảnh hưởng của những phát minh sáng kiến, công nghệ mới vào đời sống của nhân loại đang ngày càng thể hiện rõ nét. Đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than, việc lựa chọn công nghệ để đảm bảo sự vận hành ổn định, hiệu quả kinh tế cao sẽ tác động lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, từ đó tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tinh thần làm việc cũng như sự yên tâm làm việc cống hiến của cán bộ công nhân viên. Do đó việc đầu tư phát triển công nghệ nhiệt điện than sẽ tác động đến công tác hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Hiện nay, than antraxit đang được khai thác với quy mô lớn và đáp ứng hầu hết nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nguồn than nâu được dự báo là có trữ lượng rất lớn nhưng nằm sâu trong lòng đất, khó khai thác. Loại than này chưa được khai thác, nhưng trong tương lai, đây sẽ là nguồn nhiên liệu quan trọng. Một trong những phương án cung cấp cho ngành Điện của PVN là nhập khẩu than bitum từ các nước lân cận như Indonesia và úc. Than nhập khẩu có thể đốt riêng hoặc trộn với than trong nước nhằm tận dụng nguồn than khó cháy trong nước và giảm chi phí nhập khẩu. Như vậy, trong tương lai, các dự án nhiệt điện của PVN sẽ sử dụng ba nguồn than chính là than antraxit, than nâu và than bitum nhập khẩu. Ba loại than này sẽ là cơ sở xem xét khi lựa chọn công nghệ cho nhà máy nhiệt điện.

Công nghệ trong tương lai phải đáp ứng yêu cầu cơ bản là hiệu suất cao, thân thiện với môi trường và có chi phí đầu tư hợp lý. Hiệu suất cao một mặt làm giảm tiêu hao nhiên liệu, mặt khác làm giảm lượng phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường. Vấn đề môi trường đang đòi hỏi các nhà máy điện đốt than phải áp dụng các kỹ thuật và thiết bị hạn chế các chất phát thải độc hại như NOX, SO2, bụi và thu giữ CO2.

Lựa chọn công suất tổ máy cho tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ, suất đầu tư, mặt bằng, trình độ vận hành, tính phổ biến của tổ máy, hệ thống điện quốc gia và khu vực... Công suất tổ máy đối với công nghệ đốt than phun hiện nay đang nằm trong dải rộng 50 - 1300 MW. Công suất lò hơi ở nước ta hiện đang phổ biến ở mức 300 MW, một số nhà máy đang xây dựng có công suất 500 -700 MW. Trong tương lai, công suất tổ máy ở Việt Nam sẽ tiến đến mức 1000 MW.

Công nghệ khí hóa than trên thế giới hiện đang có các tổ máy công suất 300 MW. Các tổ máy công suất 500 - 650 MW sẽ đi vào vận hành sau năm 2015. Loại nhà máy này sẽ phổ biến hơn khi các tiêu chuẩn môi trường trở nên khắt khe hơn và nhận được sự khuyến khích và ưu đãi từ phía chính phủ.

Các nhà máy nhiệt điện đốt than phun phổ biến với thông số cận tới hạn và thông số trên tới hạn. Thông số hơi sẽ quyết định hiệu suất sản xuất điện năng của nhà máy. Nhiệt độ và áp suất hơi càng cao thì hiệu suất nhà máy càng cao. Do đó, hiệu suất của nhà máy đốt than dưới tới hạn sẽ không thể nâng cao hơn nữa ngoại trừ các cải tiến nhằm hoàn thiện quá trình chuyển hóa năng lượng. Xu hướng áp dụng thông số hơi trên tới hạn đang chiếm ưu thế vì có thể nâng cao nhiệt độ và áp suất hơi nhờ những tiến bộ trong công nghệ vật liệu. Vấn đề cơ bản là khi tăng nhiệt độ và áp suất, lò hơi phải sử dụng kim loại chịu nhiệt đặc biệt có chi phí cao. Trong tương lai, sự phát triển của ngành luyện kim sẽ cho phép thông số hơi tăng hơn nữa đồng thời giá thành cũng sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu suất các nhà máy điện.

Dự kiến năm 2020, nhiệt độ hơi có thể lên tới 775 0C và hiệu suất phát điện có thể đạt 50-53%. Nếu lựa chọn các tổ máy 1000 MW trong tương lai, thông số hơi dưới và trên tới hạn đều có thể nhưng phương án trên tới hạn sẽ chiếm ưu thế nhờ hiệu suất vượt hơn hẳn phương án dưới tới hạn.

Như vậy, để nâng cao hiệu suất nhà máy, tăng hiệu quả kinh tế đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt, lò hơi đốt than phun sẽ là lựa chọn hiệu quả khi xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than của PVN. Công suất tổ máy sẽ là 600 MW với thông số trên tới hạn. Đây là xu hướng chung của các nhà đầu tư trong thời gian từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, công nghệ tầng sôi tuần hoàn cũng là giải pháp tận dụng các nguồn than xấu, than có hàm lượng lưu huỳnh cao.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực cho các dự án nhiệt điện đốt than thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Trang 87)