Theo kết quả khảo sát, đánh giá thực tế, trong giai đoạn từ 2010 đến 2013, Agribank Kiên Giang đã luôn duy trì vị thế dẫn đầu về thị phần huy động vốn và cho vay vốn, xu hướng tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Đây chính là điểm mạnh cần phải được duy trì và phát huy trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, Agribank Kiên Giang còn được khách hàng đánh giá rất cao về mạng lưới giao dịch rộng khắp và giá cả rất cạnh tranh. Do vậy, Chi nhánh cần phải có định hướng để không ngừng mở rộng kênh phân phối nhằm duy trì thế mạnh so các đối thủ, tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng và chính ngân hàng về các mặt như không gian, thời gian và tiết giảm chi phí… nhằm củng cố và phát huy uy tín thương hiệu, mở rộng thị phần theo mục tiêu. Các giải pháp chủ yếu như sau:
- Mở rộng kênh phân phố truyền thống:
Đầu tư cơ sở vật chất hiện có theo hướng nâng lên về mặt nhận diện thương hiệu đảm bảo tính đồng nhất đối với các Chi nhánh, Phòng giao dịch trực thuộc. Điều này sẽ giúp khách hàng phân biệt dễ dàng thương hiệu Agribank và các thương hiệu ngân hàng khác trên địa bàn, đồng thời tạo niềm tin cho khách hàng về tính đồng nhất của chất lượng trong cung cấp dịch vụ theo các tiêu chí sau:
Kiến trúc trụ sở (cả bên trong và bên ngoài): Tạo cảm giác nhìn vào là biết là Agribank, đồng thời phải gợi mở cho được nhu cầu muốn ghé thăm của khách hàng, tạo được sự thuận tiện, an toàn và thân thiện với khách hàng giao dịch.
Bên cạnh đó, sự đồng nhất về tác phong, kỹ năng làm việc của nhân viên, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách hàng.
Nghiên cứu di dời một số trụ sở Chi nhánh chưa thật sự thuận tiện trong hoạt động hoặc quá chật hẹp, khó khăn trong giao dịch.
- Mở rộng kênh phân phối tự động:
Tập trung mở rộng mạng lưới ở khu vực thuận tiện, đông dân cư sinh sống và làm việc như: khu dân cư mới, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi – giải trí... Đồng thời, thiết lập và công bố sơ đồ mạng lưới phân phối để khách hàng dễ dàng tìm kiếm những điểm giao dịch. Bên cạnh đó, đảm bảo các máy hoạt động 24/24 như đúng cam kết.
- Mở rộng kênh phân phối điện tử:
Cần đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tuyên truyền về tiện ích của các sản phẩm ngân hàng điện tử hiện có để khách hàng hiểu được lợi ích cũng như độ an toàn trong giao dịch nhằm tăng khả năng chấp nhận của các khách hàng tiềm năng.
- Đào tạo nhân viên trở thành một mắt xích trong kênh phân phối:
Với ưu thế 83% lượng cán bộ có trình độ đại học và sau đại học và độ tuổi trung bình là 34 tuổi, Agribank Kiên Giang có lợi thế nhất định trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên năng động, chuyên nghiệp, nhạy bén trong tiếp cận những sản phẩm dịch vụ mới. Vì vậy, Agribank Kiên Giang phải có kế hoạch trong ngắn hạn cũng như dài dạn trong việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn nhân lực này thông qua việc đào tạo, bố trí, sắp xếp theo vị trí công việc, đánh giá đúng năng lực của từng cá nhân theo từng bộ phận chuyên trách để tạo động lực phát triển đột phá trong tương lai.
Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày về hoạt động bán hàng, marketing, dịch vụ ngân hàng hiện đại... cho nhân viên và cả cán bộ quản lý nhằm mục đích nâng cao khả năng tư vấn, thuyết phục khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
- Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường cung cấp dịch vụ cho mạng lưới đại lý:
Duy trì và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, dịch vụ truyền hính cáp, thu ngân sách, xăng dầu... để đưa ra các phương thức thanh toán tiện dụng trên thẻ ATM, POS và trên kênh ngân hàng điện tử.
Tạo mối liên kết chặt chẽ hơn với các ngân hàng trên địa bàn để hạn chế tình trạng khách hàng gặp trục trặc trong giao dịch thẻ ATM giữa các ngân hàng vơi nhau.