Tiếp tục hoàn thiện quy trình lập pháp

Một phần của tài liệu Vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam (Trang 93)

Như đã biết, chất lượng hoạt động lập pháp phụ thuộc một phần không nhỏ vào chất lượng của việc xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội. Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, song nhìn chung chất lượng hoạt động, xem xét, thông qua các dự án nói chung và các dự án luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế nói riêng tại kỳ họp Quốc hội đã có nhiều đổi mới; quy trình tổ chức thực hiện hợp lý, khoa học ...

Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, cần thiết phải tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác thông qua các dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội. Cụ thể, trong khâu xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội có thể chú ý đến một số vấn đề sau:

Về việc chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội: Đây là bước đầu tiên và quan trọng để việc xem xét, thảo luận và quyết định dự án luật, pháp lệnh có hiệu quả.

Để đảm bảo tất cả các dự án Luật có chất lượng, thể hiện được đầy đủ, chi tiết các nội dung, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng giúp các Đại biểu Quốc hội nắm bắt được những vấn đề về dự án luật một cách toàn diện hơn giúp cho việc thảo luận và quyết định thông qua, trong quá trình soạn thảo, cần có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh về kinh tế là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như sự tham gia của công chúng. Theo đó, trong thành phần Ban soạn thảo phải có thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoặc cán bộ, chuyên viên của Vụ Kinh tế; Ban soạn thảo phải thường xuyên có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tiến bộ soạn thảo, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau... Đồng thời, dự thảo cần được công khai, đảm bảo sự tiếp cận, đóng góp ý kiến của công chúng.

Chỉ những dự án luật, pháp lệnh đã được chuẩn bị kỹ về nội dung và hình thức, bảo đảm nội dung cơ bản của dự án luật, bố cục, trong đó nêu rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau... mới được trình Quốc hội để thảo luận, thông qua, tránh tình trạng có nhiều dự án phải trình Quốc hội nhiều lần mới được thông qua.

Về hoạt động thẩm tra dự án, luật pháp lệnh: Thực tế cho thấy, việc tham

gia thẩm tra của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban hữu quan còn hình thức, thường chỉ do đại diện của bộ phận thường trực tham dự và phát biểu ý kiến cá nhân, chưa có một Ủy ban nào chủ động tổ chức họp và phát biểu ý kiến độc lập với tư cách là cơ quan tham gia thẩm tra dự án. Ngoài ra, trong điều kiện hầu hết các đại biểu Quốc hội tham gia Hội đồng dân tộc và các Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm và sinh hoạt tại các địa phương, cơ sở, thì việc bảo đảm chế độ làm việc tập thể và quyết định theo đa số trong sinh hoạt của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban cũng là một vấn đề tồn tại cần được xử lý để nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật.

Để đảm bảo một dự án luật được trình ra Quốc hội có chất lượng, ngoài việc cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt dự án luật thì hoạt động thẩm tra dự án luật cũng cần được thực hiện tốt.

Trên cơ sở đưa ra giải pháp cho quá trình soạn thảo dự án ở phần trên - dự án luật đã được soạn thảo trên cơ sở báo cáo nghiên cứu, thì nhiệm vụ của cơ quan thẩm tra bên cạnh việc thẩm tra sẽ được chú trọng vào việc xem xét quá trình soạn thảo đã đảm bảo các yêu cầu đề ra chưa?, quy trình soạn thảo đã đảm bảo tính minh bạch, tính trách nhiệm và sự tham gia của các chủ thể có liên quan chưa?.

Thực chất, hoạt động thẩm tra dự án luật là việc phản biện lại hoạt động lập pháp của cơ quan soạn thảo để đi đến kết quả cuối cùng là ra được dự luật, pháp lệnh có chất lượng, phù hợp với thực tế, có tính khả thi.

Để tiến hành thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, cơ quan thẩm tra cần tiến hành các biện pháp để đánh giá về các nội dung của báo cáo nghiên cứu của cơ quan trình sự án luật xem có được xây dựng trên căn cứ thực tế và lập luận có logic và xem xét hình thức và nội dung của dự án luật đó.

Để hình thành báo cáo thẩm tra có tính thuyết phục cao, đạt hiệu quả, Ủy ban Kinh tế cần chú trọng hơn đến việc tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và nhân dân. Tăng cường phối hợp với các cơ quan khác của Quộc hội trong việc thẩm tra dự án luật

Đối với các dự án luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền thẩm tra của Ủy ban Kinh tế , nhưng có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi theo dõi của các cơ quan khác của Quốc hội thì cơ quan đó có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Kinh tế trong việc xây dựng báo cáo thẩm tra. Sự tham gia, phối kết hợp của các cơ quan khác của Quốc hội về cùng lĩnh vực có thể được thực hiện bằng các cách sau đây:

Thứ nhất, bản thân các cơ quan có trách nhiệm tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra thuộc lĩnh vực kinh tế về những vấn đề có liên quan đến hoạt động của cơ quan mình thì có thể tự mình xây dựng báo cáo ý kiến gửi đến Ủy ban Kinh tế để hình thành lên báo cáo thẩm tra chung;

Thứ hai, trong quá trình tham gia chỉnh lý, cho ý kiến vào dự án luật cũng như các lần tổ chức hợp để thẩm tra dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến cơ quan nào thì Ủy ban Kinh tế có trách nhiệm mời đại diện cơ quan đó tham dự và cho ý kiến để hoàn thành báo cáo thẩm tra. Về phía cơ quan tham gia phải chịu trách nhiệm về nội dung liên quan. Có như vậy, báo cáo thẩm tra đối với các dự án luật, pháp lệnh về kinh tế mới bảo đảm có sức thuyết phục cao.

Nếu chuyên viên của cơ quan thẩm tra là thành viên của Ban soạn thảo thì càng tốt nhằm tăng sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, giúp cơ quan thẩm tra nắm bắt được các loại ý kiến khác nhau về nội dung của dự

án luật làm cơ sở cho việc xem xét thẩm tra dự án luật được đầy đủ và toàn diện. Hiện tại, pháp luật chưa quy định cụ thể về mối quan hệ này nhưng chúng tôi cho rằng cơ chế hoạt động như trên sẽ hợp lý hơn và thuận lợi hơn nhất là trong điều kiện cơ quan thẩm tra chưa thể độc lập xem xét dự án luật một cách khách quan.

Trong việc thẩm tra thì mối quan hệ giữa cơ quan thẩm tra với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan soạn thảo, cần phải đảm bảo những yêu cầu sau:

Tài liệu gửi đến cơ quan thẩm tra đúng theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp.

Ủy ban Kinh tế chỉ thẩm tra chính thức đối với dự án Luật trình Quốc hội.

Việc lấy ý kiến nhân dân về dự luật cần được tiến hành thường xuyên, nhất là đối với dự án luật có liên quan đến kinh tế cần phải được công khai, minh bạch.

Về việc trình và thuyết trình dự án luật: Thực hiện đúng quy định của Luật tổ chức Quốc hội, các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua phải được gửi đến các Đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp kèm theo tờ trình để có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến. Các dự án luật, pháp lệnh không thực hiện đúng quy định trên sẽ không được Quốc hội xem xét và đưa vào thảo luận. Việc thuyết trình dự án luật cũng nên bố trí vào những ngày đầu tiên của kỳ họp nhằm bảo đảm cho các cơ quan chỉnh lý dự án luật có đủ quỹ thời gian để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại các phiên họp thảo luận và các ý kiến đóng góp bằng văn bản của đại biểu Quốc hội.

Về việc thảo luận dự án luật: Hiện nay số Đại biểu chuyên trách của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII đã tăng lên so với Khóa XI, do đó Ủy ban nên có quy định cụ thể cho các tiểu ban chuyên đề chịu trách nhiệm về từng dự án luật, pháp lệnh về kinh tế để tổ chức hình thức thảo luật tại Ủy ban và thảo luận tại tiểu ban chuyên đề. Việc này sẽ tăng hiệu quả và tính chuyên sâu của việc thảo luận về dự án luật của Quốc hội, khắc phục tình trạng hiện nay, việc thảo luận mới chỉ được tiến hành dưới hai hình thức là thảo luận tại phiên họp toàn thể và thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề tập hợp, tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để phục vụ cho việc tiếp thu, chỉnh lý: Thời gian thảo luận ở tổ về một dự án luật thường kéo dài từ 1 đến 2 buổi tùy theo quy mô của từng dự án luật. Trong khoảng thời gian này,

lượng ý kiến đóng góp của các đại biểu là không ít, song với vai trò là văn bản thể hiện chính kiến, trí tuệ của các đại biểu thì các biên bản thảo luận phải được ghi chép đầy đủ, rõ nghĩa, logic, thể hiện được chính xác ý kiến của các đại biểu Quốc hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp, tổng hợp của bộ phận chuyên môn.

Do tính chất của công việc như trên, đòi hỏi người thư ký phải có trình độ nhất định về lĩnh vực pháp luật; đặc biệt, ngoài khả năng nắm bắt kịp thời, tổng hợp vấn đề nhanh nhậy, cách thể hiện văn bản rõ ràng, người thư ký đòi hỏi phải có trách nhiệm cao trong việc ghi chép đầy đủ, trung thực tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Từ đó cho thấy, để đảm bảo việc tập hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội một cách đầy đủ và chính xác, thì phải nâng cao chất lượng việc ghi biên bản thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội do người thư ký đảm nhiệm.

Về việc thảo luận dự án luật: Hiện nay các hình thức thảo luận về dự án luật thường được thực hiện thông qua các cách thức: thảo luận tại mỗi đoàn đại biểu Quốc hội, thảo luận ở tổ và thảo luận chung tại hội trường. Qua các khóa Quốc hội gần đây (đặc biệt là từ cuối khóa X và khóa XI), hình thức thảo luận ở đoàn đại biểu Quốc hội được co hẹp dần và hình thức thảo luận tại các Tổ đại biểu Quốc hội được trú trọng hơn. Thông qua hình thức thảo luận tại các Tổ đại biểu Quốc hội - gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội hợp thành, các đại biểu có thể nắm bắt được kỹ hơn về dự án luật dưới nhiều giác khác nhau. Kết quả thảo luận tại các tổ, đoàn đại biểu Quốc hội được thể hiện bằng biên bản thảo luận tổ, đoàn đại biểu Quốc hội. Do vậy, cần phát huy hình thức thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, để dự án luật được thông qua có tính khả thi, cần nghiên cứu đến hình thức thảo luận tại các cơ quan chuyên môn của Quốc hội bằng cách phân chia các đại biểu Quốc hội về Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để thảo luận hoặc thảo luận dự án luật tại các Tiểu ban chuyên đề. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế cần bố trí việc thảo luận tại các tiểu ban chuyên đề, trong đó thành phần tham dự là những nhà quản lý kinh tế, các nhà kinh tế học, kết hợp với đại diện thành phần kinh tế là đại biểu Quốc hội.

Một phần của tài liệu Vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam (Trang 93)