Ủy ban Kinh tế là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, do Quốc hội thành lập với cơ cầu gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực làm việc theo chế độ chuyên trách và các thành viên khác hoạt động kiêm nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban được quy định rõ tại khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội số 83/2007/QH11 ngày 02/4/2007.
“Điều 28
Uỷ ban kinh tế có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao;
2. Chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội;
3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân
hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế, tiền tệ, ngân hàng;
4. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh.”
Trong quá trình xây dựng luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, vai trò của Ủy ban Kinh tế được thể hiện thông qua các hoạt động: xây dựng báo cáo thẩm tra của Ủy ban các dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh và các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao; tham gia chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh trong kỳ họp Quốc hội và hoạt động giám sát thi hành luật, pháp lệnh nói riêng và việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế xã hội của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và của Ủy ban là cơ sở thực tế để Ủy ban hình thành báo cáo thẩm tra và kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế.
Vai trò của Ủy ban Kinh tế trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế được thể hiện thông qua các hình thức hoạt động trong và ngoài kỳ họp Quốc hội.
Vai trò của Ủy ban Kinh tế ngoài kỳ họp Quốc hội.
Để giúp cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh có tính hiệu quả và khả thi, Ủy ban Kinh tế thường bám sát quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thông qua các hình thức: cử thành viên Ủy ban tham gia vào quá trình soạn thảo dự án luật, mời các cơ quan hữu quan báo cáo tình hình tiến độ xây dựng luật và cho ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế có thể tự mình hoặc phối hợp cùng với cơ quan soạn thảo tổ chức khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề trong đó chú trọng đến các ý kiến các
chuyên gia, đối tượng dự kiến sẽ chịu sự điều chỉnh của dự án luật, pháp lệnh khi được thông qua.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phải tuân thủ theo quy định tại Mục 3, Chương III của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo về mặt nội dung cũng như tính hợp hiến của văn bản luật, pháp lệnh.
Việc trình báo cáo thẩm tra có chất lượng, có tính thuyết phục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận và thông qua dự án luật, pháp lệnh tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra sẽ giúp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội có cơ sở lý luận và thực tiễn thảo luận một cách có hiệu quả về dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời qua nghiên cứu những lập luận của báo cáo thẩm tra nêu ra, đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ để tỏ thái độ của mình đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, giảm bớt thời gian tranh luận, như vậy sẽ đảm bảo tiến độ xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh.
Tùy theo yêu cầu, mức độ phức tạp của dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban Kinh tế tổ chức các cuộc họp để cho ý kiến hoặc tiến hành thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức. Thẩm tra sơ bộ được tiến hành đối với các dự án luật, pháp lệnh trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến. Đối với dự án được chính thức đưa vào kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua thì Ủy ban phải tiến hành thẩm tra chính thức.
Để hình thành lên báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế phải tổ chức các cuộc họp Ủy ban. Đối với báo cáo thẩm tra sơ bộ hoặc cho ý kiến bước đầu các dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban có thể tổ chức họp thường trực họp mở rộng hoặc toàn thể Ủy ban, tùy thuộc vào tính chất, tầm quan trọng của dự án. Để thẩm tra chính thức dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban phải tiến hành họp toàn thể Ủy ban. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về các dự án luật kinh tế được xây dựng trên cơ sở trí tuệ của tập thể Ủy ban, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn.
Với mục đích nhằm cung cấp những cơ sở lý luận, thực tiễn giúp Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua dự án luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua pháp lệnh; do vậy, có thể nói báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đóng vai trò quan trọng để Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi số lượng đại biểu chuyên trách còn hạn
chế, đại biểu Quốc hội chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến của các ngành, các cấp không nhiều.
Vai trò của Ủy ban Kinh tế trong kỳ họp Quốc hội.
Trong kỳ họp Quốc hội, dự án luật được Quốc hội thảo luận xem xét dưới các hình thức khác nhau: thảo luận ở Đoàn đại biểu, thảo luận ở Tổ đại biểu, thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường hoặc xin ý kiến đại biểu Quốc hội qua phiếu xin ý kiến. Như vậy, qua mỗi hình thức trên, Ủy ban Kinh tế với tư cách là cơ quan thẩm tra phối hợp với Đoàn Thư ký kỳ họp và Ban soạn thảo chỉnh lý dự án trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội hoặc chuẩn bị ý kiến giải trình về những vấn đề chưa rõ trong dự án luật. Thông thường giai đoạn này chủ yếu là sự tham gia của Thường trực Ủy ban.
Vai trò của Ủy ban Kinh tế trong hoạt động giám sát việc thi hành các văn bản pháp luật về kinh tế do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.
Hoạt động giám sát việc thi hành luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và về việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội của Ủy ban Kinh tế là cơ sở thực tế để Ủy ban thực hiện tốt vai trò của mình trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được thực hiện qua các chức năng sau:
Giám sát trên cơ sở các văn bản, báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương về việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Quốc hội, về tình hình thực hiện luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tổ chức đoàn công tác đi giám sát thực tế tại các bộ, ngành trung ương và địa phương về thực hiện luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế.
Giám sát dựa trên cơ sở ý kiến cử tri, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội để thấy được những thiếu sót, phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh, từ đó kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh, ưu tiên những dự án luật, pháp lệnh mang tính cấp thiết.
Có thể nói, hoạt động giám sát của Ủy ban Kinh tế gắn bó mật thiết với vai trò của Ủy ban trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội:
Thứ nhất, trong các nội dung giám sát trên, hoạt động giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua là căn cứ quan trọng giúp cho Ủy ban Kinh tế thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc kiến nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế, Ủy ban Kinh tế có thể phát hiện những khoảng trống của pháp luật hoặc sự không phù hợp, chồng chéo của pháp luật so với thực tế cuộc sống, hay cũng có thể đó là việc phát hiện những văn bản hướng dẫn của Chính phủ không phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua đó, Ủy ban kinh tế có kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ văn bản không phù hợp để đảm bảo hệ thống pháp luật kinh tế phù hợp với cuộc sống, đôn đốc các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để sớm đưa luật vào thi hành, góp phần vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế.
Thứ hai, qua hoạt động giám sát là căn cứ thực tiễn quan trọng để hình thành lên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế với những dự án luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế.