Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, theo quy định tại Điều 28 của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi bổ sung năm 2007, Ủy ban kinh tế là cơ quan chính có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm tra dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, tài chính và tiền tệ; giám sát hoạt động của Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; kiến nghị với Quốc hội các vấn đề về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về quản lý kinh tế, tài chính và tiền tệ.
Các lĩnh vực hoạt động nêu trên là hết sức rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy việc tăng cường số đại biểu am hiểu, chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế và pháp luật để có thể áp ứng được yêu cầu, chất lượng công tác đồng thời đổi mới cơ cấu, phương thức hoạt động của Ủy ban Kinh tế là yêu cầu quan trọng và thường xuyên của Quốc hội.
Theo chúng tôi, việc tăng cường vai trò và hoạt động của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tập trung vào các công tác trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác tổ chức và kiện toàn bộ máy của Ủy ban Kinh tế. Như chúng ta đã biết, việc phân định chức năng, nhiệm vụ giúp Quốc hội trong lĩnh vực kinh tế đã được Quy định rõ ràng từ các cơ quan của Quốc hội đến các bộ phận giúp việc thuộc Văn phòng Quốc hội, trong đó có cơ quan chuyên trách, có cơ quan phối hợp. Nhưng trên thực tế, những cơ quan này mới chỉ dừng lại ở việc xem xét và thẩm định một cách chung nhất những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế nói chung và các vấn đề liên quan đến vấn đề lập pháp trong lĩnh vực kinh tế nói riêng do Chính phủ trình, mà chưa đủ khả năng hoặc chưa phát huy hết được khả năng để phản biện hoặc tự mình đề ra sang kiến luật trình ra Quốc hội.
Để Quốc hội quyết định một cách vững chắc, hoặc tự mình đưa ra một dự án luật trong lĩnh vực kinh tế thì vấn đề đặt ra là phải kiện toàn hệ thống tổ chức chuyên môn của Quốc hội, mà cụ thể là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về lĩnh vực kinh tế .
Cần tiếp tục phát huy hơn nữa việc nâng cao số lượng và trình độ của các thành viên chuyên trách như hiện nay để đảm bảo việc chuyên sâu hoạt động của các tiểu ban, đáp ứng nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Ủy ban trong việc thẩm tra khối lượng lớn luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực kinh tế cũng như các hoạt động khác của Ủy ban.
Sang đến khóa tới, các thành viên phải được lựa chọn trong số những đại biểu Quốc hội có năng lực, trình độ chuyên sâu về kinh tế; đặc biệt phải tính đến số đại biểu là những nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế để đảm bảo các báo cáo, thuyết trình của Ủy ban có tính khoa học, mang tính vĩ mô; đồng thời cũng chú ý kết hợp trong cơ cấu Ủy ban những nhà hoạt động kinh tế như đại diện cho các thành phần kinh tế đảm bảo việc tham mưu cho Quốc hội những quyết sách phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời trong thành phần của các Ủy ban nói chung đều phải tính đến tỷ lệ đại biểu có trình độ về luật pháp, bảo đảm cho hoạt động của Ủy ban trong việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban thường vụ.
Hai là,chuyên môn hóa tổ chức, hoạt động Ủy ban Kinh tế.
Xuất phát từ yêu cầu đổi mới về mặt tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Đại hội Đảng khóa X, để đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa các cơ quan của Quốc hội cũng như chuyên môn hóa hoạt động của Quốc hội nói chung. Qua việc chuyên môn hóa các cơ quan của Quốc hội sẽ giúp cho cơ quan quyền lực cao nhất thực hiện được quyền lực tối cao của mình trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực kinh tế.
Mặt khác xuất phát từ chính nội dung của hoạt động kinh tế ngày càng rộng lớn, do vậy yêu cầu quản lý cũng như quyết định và giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng đòi hỏi phải chặt chẽ hơn, nặng nề hơn.
Ba là, hoàn thiện cơ chế hoạt động của Ủy ban, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của mỗi thành viên, đảm bảo điều kiện hoạt động cho thành viên.
Có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các thành viên kiêm nhiệm của Ủy ban Kinh tế. Đối với các thành viên kiêm nhiệm, ngoài chế độ phụ cấp hàng tháng của đại biểu Quốc hội, các Ủy ban cần nghiên cứu có phụ cấp ổn định hàng tháng tương xứng với yêu cầu công tác của Ủy ban đối với các thành viên để tạo điều kiện hoặc khuyến khích các thành viên tham gia tích cực vào công tác của Ủy ban. Chế độ phụ cấp này do Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất và Ủy ban quyết định theo đa số, ghi chế độ phụ cấp này thành một mục riêng trong dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Ủy ban.
Bốn là, nghiên cứu tách Ủy ban Kinh tế hiện nay thành 2 Ủy ban là: Ủy ban Kinh tế tổng hợp; Ủy ban Kinh tế chuyên ngành. Việc tách các Ủy ban này bắt nguồn từ nhu cầu giúp Quốc hội xem xét, quyết định và giám sát các nhóm lĩnh vực quan trọng về kinh tế đang có xu hướng phát triển nhanh, có tính chuyên ngành ngày càng sâu mà quy mô của Ủy ban Kinh tế như hiện nay khó có thể bao quát hết được.