Đối với lĩnh vực tài chính – tiền tệ

Một phần của tài liệu Vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam (Trang 90 - 91)

Xuất phát từ những hạn chế của hệ thống luật, pháp lệnh về thị trường tài chính hiện hành và những đòi hỏi có tính tất yếu khách quan, cần tiếp tục đổi mới và tiến tới xây dựng một hệ thống luật, pháp lệnh về tài chính, tiền tệ hiện đại theo hướng:

Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn trong kinh doanh tiền tệ – ngân hàng.

Hình thành môi trường pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng minh bạch và công bằng nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Loại bỏ các hình thức bảo hộ, bao cấp ưu đãi và phân biệt đối xử giữa các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Hoàn thiện những quy định nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển một cách lành mạnh. Liên quan đến nội dung này, các quy định về bảo đảm, xử lý bảo đảm, các quy định về dự phòng rủi ro, bảo hiểm, các quy định về thuế … và đặc biệt là những quy định nhằm bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của các Tổ chức tín dụng là những quy định hết sức quan trọng góp phần tạo điều kiện nâng cao năng lực quản lý và năng lực tài chính của các Tổ chức tín dụng trong nước trước yêu cầu cần phải nhanh chóng đổi mới để đáp ứng một cách nhanh nhất các thách thức đang đặt ra trong quá trình hội nhập.

Về dài hạn, cần tạo ra những cơ sở pháp lý để thúc đẩy sự hình thành của các tổ chức kiểm toán trong nước có đầy đủ khả năng để kiểm toán có chất lượng các tổ chức tín dụng, cũng như việc hình thành các tổ chức phân hạng tín dụng trên lĩnh ngân hàng. Sự có mặt và hoạt động có chất lượng của những tổ chức này cũng như việc công khai hóa từng bước kết quả kiểm toán, phân hạng tín dụng, sự phối hợp hoạt động giữa Thanh tra Chính phủ và các tổ chức khác liên quan đến đánh giá rủi ro trong hoạt động ngân hàng sẽ tạo ra một sức ép thực sự về mặt thị trường buộc các tổ chức tín dụng phải đổi mới phương thức quản lý rủi ro, nâng cao mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động và uy tín cũng như lòng tin đối với công chúng, sẽ góp phần lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phát triển mạnh mẽ các công cụ thanh toán, các công cụ giao dịch trên thị trường tiền tệ và đặc biệt là những công cụ dựa trên những thành tựu của công nghệ tin học như các thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, cũng như các công cụ khác. Như chúng ta đã biết, không thể phát triển một hệ thống ngân hàng lành mạnh, nếu các tổ chức tín dụng không thể đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng đối với các dịch vụ ngân hàng.

Hoàn thiện pháp luật về tài chính công, xác định rõ nguồn thu và cơ cấu chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, thống nhất chế độ chi tiêu; xác định cơ chế đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Công khai, minh bạch việc hình thành, quản lý và sử dụng các nguồn vốn, tài chính huy động từ dân cư, cộng đồng.

Một phần của tài liệu Vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam (Trang 90 - 91)