Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội đều là cơ quan của Quốc hội, được Quốc hội bầu ra nhằm đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội thường xuyên, có hiệu quả. Để các quyết định có hiệu lực pháp lý trên thực tế, công việc chuẩn bị xem xét, nghiên cứu và khởi thảo trước các dự án có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng thời nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội không thể giải quyết bằng cách tập trung tất cả các đại biểu Quốc hội. Do vậy, Quốc hội phải lập ra các cơ quan chuyên môn, các cơ quan này đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội Việt Nam cũng giống như Quốc hội các nước không thể thiếu sự tồn tại của các Ủy ban.
Vai trò của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế được thể hiện thông qua các mặt sau:
Phối hợp với Ủy ban Kinh tế thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh và các dự án về kinh tế khác liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách.
Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực kinh tế theo nội dung phụ trách.
Kiến nghị với Quốc hội những vấn đề kinh tế thuộc phạm vi hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Các kiến nghị của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội không có giá trị bắt buộc thi hành ngay mà chỉ mang tính chất kiến nghị, tham khảo. Phạm vi kiến nghị của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rất rộng, để đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hoạt động có hiệu quả, theo Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định:“…Người nhận được kiến nghị có trách nhiệm xem xét và trả lời trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị”.