Những yêu cầu mới của sự nghiệp cải cách và phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách đầu tư để tăng cường huy động tối đa mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục rà soát lại các quy định của pháp luật quốc gia, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đồng bộ hoá các quy định của pháp luật quốc gia với các quy tắc, thông lệ, tập quán và pháp luật quốc tế. Để có thể tham gia vào một sân chơi chung của khu vực, chúng ta phải từng bước tiến hành nội luật hoá các quy định của pháp luật quốc tế. Đây là một quá trình không đơn giản, bởi nó có những ảnh hưởng nhất định tới chủ quyền quốc gia, tới các nguyên tắc của pháp luật quốc gia. Song đây là một xu thế không thể tránh khỏi. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có một sự hiểu biết về hệ thống pháp luật của các quốc gia trong khu vực, các nguyên tắc, tập quán, pháp luật quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau có liên quan đến quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là trong quy định của pháp luật về đầu tư để có thể tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư theo hướng:
Tiếp tục khẳng định quyền của các nhà đầu tư được tự do đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn mà pháp luật không cấm, được tự chủ quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật; được đối xử bình đẳng trước pháp luật; áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc theo cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thiết lập một mặt bằng pháp lý chung áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tạo lập môi trường ổn định, bình đẳng cho sản xuất và kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính
sách về giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, theo hướng cho phép nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài mua, nhận khoán kinh doanh, quản lý, thuê các doanh nghiệp trong nước; nghiên cứu mô hình khu kinh tế.
Bảo vệ vốn và tài sản của nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm mở cửa thị trường và đầu tư liên quan đến thương mại; bảo đảm lợi ích chính đáng và hợp pháp của các nhà đầu tư trong trường hợp nhà nước thay đổi chính sách, pháp luật và giải quyết tranh chấp.
Tạo ra một môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các nhà đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư, doanh nhân trong nước hay nước ngoài trên các mặt: bình đẳng về cơ hội đầu tư, cơ hội tiếp xúc các ưu đãi của nhà nước, bình đẳng trong các điều kiện gia nhập thị trường, quyết định đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư...
Nhưng vẫn rất cần sự phân biệt đối xử và là sự phân biệt đối xử hợp lý, chủ yếu là giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, quy định rõ về lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh, áp dụng một số quy định về điều kiện đầu tư và ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực trong từng thời kỳ. Theo đó, có những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư chỉ có các nhà đầu tư trong nước được đầu tư. Có những lĩnh vực, ngành nghề, mọi nhà đầu tư đều được đầu tư kinh doanh, nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư với một số điều kiện cụ thể. Đây là những phân biệt cần thiết, hợp lý của một đất nước có chủ quyền và cũng là các phân biệt đối xử được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích đặc biệt của đất nước, bảo đảm an ninh và chủ quyền, bảo hộ hợp pháp nền sản xuất trong nước. Những phân biệt đối xử này được giới hạn và giảm dần theo lộ trình tại các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.
Mở rộng lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với cam kết trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài, dù là đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp đều có những điểm chung nhất định là đưa vốn bằng tiền, công nghệ, tài sản để tham gia đầu tư vào công ty với mục đích lợi nhuận. Các điều kiện đầu tư ra nước ngoài là áp dụng chung cho mọi thành phần kinh tế để tránh phân biệt. Bên cạnh đó, cần hạn chế đối với việc góp vốn bằng nguyên liệu và nhiên liệu, vì một số loại nguyên liệu và nhiên liệu của Việt Nam còn khan hiếm, còn chưa chủ động được
cho nhu cầu trong nước. Hơn nữa, khai thác quá mức nguồn tài nguyên sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Chính sách đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến một số chính sách khác ở trong nước. Vì vậy, để tạo tính thống nhất, đồng bộ giữa các chính sách và tạo ra môi trường pháp lý ổn định thông thoáng, có tính thống nhất nội tại cao, thì hoàn thiện chính sách đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam là một việc làm cấp thiết và cần được ban hành trong thời gian sớm nhất.