Đảm bảo tiến độ ban hành luật, pháp lệnh

Một phần của tài liệu Vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam (Trang 98 - 100)

Một trong các mục đích chủ yếu của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế là hình thành và phát triển một hành lang pháp lý đồng bộ, mang tính ổn định cao, phản ánh đúng đắn, kịp thời các quy luật phát triển kinh tế dưới sự tác động của nhiều yếu tố khách quan. Hiệu quả tác động của pháp luật tùy thuộc vào mức độ các cơ quan xây dựng pháp luật nhìn nhận được xu hướng của quá trình phát triển kinh tế, nhận thức được các quy luật tồn tại khách quan của sự phát triển xã hội và sự phản ánh đúng đắn, kịp thời, vận dụng có trí tuệ các quy luật đó trong các quy phạm pháp luật. Do vậy, hiệu quả tác động của pháp luật trước hết thể hiện ở việc bảo đảm sự khách quan, tính dự báo trong hoạt động xây dựng pháp luật, phản ánh được xu thế phát triển, các đòi hỏi của các quy luật khách quan trong hoạt động đó.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu ý là thời gian qua trong lĩnh vực kinh tế nhiều luật, pháp luật được ban hành, song cũng chính trong số các luật, pháp lệnh vừa được ban hành đó không ít luật, pháp lệnh đã phải sửa đổi, bổ sung ngay do những quy định lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là trong nội dung nhiều luật, pháp lệnh thiếu các quy định điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh trên thực tế hoặc do phải loại bỏ các quy định không còn phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình phát triển kinh tế.

Có thể nói việc tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh là đòi hỏi khách quan tất yếu đối với một hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng phải kể đến những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này. Cụ thể là:

Trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh tính dự báo chưa được chú trọng một cách đúng mức. Các cơ quan xây dựng văn bản chưa cân nhắc một cách đầy đủ các điều kiện khách quan của sự phát triển kinh tế;

Xét về mặt tiến độ thì việc ban hành luật, pháp lệnh chưa thực sự bảo đảm yêu cầu so với đòi hỏi thực tiễn. Nhìn vào tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì chưa năm nào hoàn thành Chương trình đã đề ra và còn chậm rất nhiều so với kế hoạch; nhiều đạo luật được soạn thảo với thời gian quá lâu. Có thể lấy ví dụ Bộ luật dân sự được xây dựng trong gần 10 năm, Luật doanh nghiệp từ lúc khởi thảo cho đến khi thông qua khoảng 6 năm, Luật kinh doanh bảo hiểm là 7 năm...

Sự chậm chễ về mặt tiến độ ban hành luật, pháp lệnh không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội mà có tác động trực tiếp đến yêu cầu quản lý kinh tế bằng pháp luật; dẫn đến tình trạng hoạt động lập pháp không đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ kinh tế.

Trước thực trạng này, yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế trong những năm tiếp theo là phải đề cao tính dự báo trong các quy định pháp luật; tiến độ ban hành luật, pháp lệnh phải đi song song với tiến trình phát triển kinh tế, đáp ứng được các quy luật khách quan.

Khác với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, kinh tế mà đặc biệt là kinh tế thị trường luôn là lĩnh vực năng động nhất, luôn có sự vận động và thay đổi. Chính đặc thù cho nên khi xây dựng luật, pháp lệnh về kinh tế không thể chỉ xét đến việc đáp ứng các yêu cầu trước mắt mà còn phải đặt các quy định trong bối cảnh những năm tiếp theo, phải đánh giá các quan hệ kinh tế trong trạng thái động. Nếu không thực hiện được yêu cầu này thì hoạt động lập pháp trong lĩnh vực kinh tế sẽ không đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ kinh tế. Chẳng hạn, để xây dựng đạo luật về thị trường chứng khoán, trong bối cảnh thị trường khoán ở Việt Nam còn sơ khai, chúng ta chưa có những hiệp hội chứng khoán, chưa có hệ thống thanh toán bù trừ... nhưng đó lại là sản phẩm tất yếu của thị trường chứng khoán, do vậy việc đưa những vấn đề trên vào phạm vi điều chỉnh của luật là cần thiết. Nếu chỉ quy định những vấn đề nhằm điều chỉnh các hoạt

động chứng khoán ở thời điểm hiện tại thì chỉ một vài năm sau đạo luật đó có thể bị thay thế hoàn toàn. Vì vậy, để bảo đảm tính trường tồn tương đối của luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu chú trọng tính dự báo của mỗi quy định là điều hết sức quan trọng.

Muốn thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi phải sớm hình thành một chiến lược xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng mang tính hoạch định, khoa học và dựa trên các quy luật phát triển khách quan của kinh tế-xã hội. Chiến lược này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo lập hệ thống pháp luật về kinh tế mang tính ổn định cao.

Một phần của tài liệu Vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam (Trang 98 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)