chia sẻ lợi ích từ gen
Bảo tồn nguồn Gen và bản quyền về tri thức bảo tồn nguồn Gen, chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn Gen là một trong những vấn đề quan trọng gắn liền với vấn đề tri thức bản địa. Bảo tồn nguồn Gen là bảo tồn sự đa dạng sinh học, sự phong phú về các loài sinh vật, sự phong phú về Gen. Quá trình toàn cầu hóa, sự tăng dân số cùng với nạn phá rừng làm đa dạng sinh học
giảm đi nhanh chóng. Các nguồn gen động, thực vật và cả những kiến thức truyền thống địa phương có liên quan đến nguồn gen đang bị mai một, mất dần đi. Vì vậy, những năm gần đây, việc sử dụng bền vững nguồn gen, bảo vệ các tri thức bản địa và chia sẻ hợp lý lợi ích có được từ nguồn gen đã được các quốc gia chú ý, đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh về môi trường toàn cầu tại Rio de Janero năm 1992, khi Liên hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về đa dạng sinh học. Mục tiêu thứ ba trong ba mục tiêu của Công ước Đa dạng Sinh học là "phân phối công bằng hợp lý lợi ích có được nhờ việc khai thác và sử dụng nguồn gen, bằng việc tiếp cận hợp lý nguồn gen, bằng chuyển giao hợp lý các công nghệ có liên quan đến nguồn gen, bằng việc công nhận các quyền sở hữu về nguồn gen và công nghệ đó, và bằng các tài trợ thích đáng".
Theo WIPO có bẩy ngành công nghiệp hiện nay đang sử dụng nguồn Gen nhiều nhất là [75]:
- Công nghiệp thuốc thực vật; - Công nghiệp thuốc tân dược;
- Công nghiệp tạo giống phát triển mùa màng;
- Công nghiệp trồng hoa, Công nghiệp bảo vệ mùa màng;
- Công nghiệp chăm sóc sức khỏe con người tự nhiên và mỹ phẩm; - Các ngành công nghiệp về công nghệ sinh học dùng ngoài lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.
Hiện tại, ngoài Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ, tri thức truyền thống, gen và văn hóa dân gian của WIPO là cơ quan quốc tế chuyên môn nghiên cứu về hoạt động bảo hộ nguồn Gen và chia sẻ lợi ích từ Gen còn có rất nhiều các tổ chức quốc tế khác như WTO, Tổ chức văn hóa giáo dục liên hợp quốc UNESCO, Tổ chức môi trường của Liên hợp quốc UNEP, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN… Nhiều văn kiện pháp lý quan trọng về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn gen và chia sẻ lợi ích cũng đã ra đời hối
thúc hoàn thiện một hành lang pháp lý đầy đủ cho vấn đề này. Các văn kiện quan trọng bao gồm báo cáo, công ước, bản ghi nhớ phải kể đến là: Các văn kiện báo cáo của WIPO, UNEP, IUCN, FAO, WTO, Hiệp định TRIPs, Công ước Đa dạng sinh học - CBD 1992, Công ước về bảo vệ các di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới 1987, Công ước Ramsar 1971, Nghị định thư Cartagena 2000… Một trong những biện pháp bảo hộ pháp lý mà các nước hiện nay đang tán đồng và nghiên cứu thảo luận để bảo tồn gen và các tri thức về gen là sử dụng cơ chế bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế cấp bằng sáng chế để bảo hộ. WIPO trong chương trình làm việc đã có một báo cáo nghiên cứu riêng về việc sử dụng Bằng sáng chế trong bảo vệ và chia sẻ lợi ích tri thức truyền thống [77]. Trong các vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng thảo luận và tập trung nhiều nhất vào việc nghiên cứu khả năng cấp bằng sáng chế liên quan tới đa dạng sinh học, bảo tồn gen và một số các khía cạnh khác liên quan tới tri thức bản địa.