TRI THỨC BẢN ĐỊA VỚI VẤN ĐỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 28 - 35)

Sở hữu trí tuệ là quyền pháp lý phát sinh từ hoạt động trí tuệ của con người trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Quyền sở hữu trí tuệ gồm hai nhóm: Quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả và quyền liên quan. Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm: Sáng chế/ giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý/ tên gọi xuất xứ hàng hóa, tên thương mại, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, giống cây trồng mới; quyền tác giả và quyền liên quan bao gồm: Các tác phẩm văn học nghệ thuật, quyền của các nhà ghi âm, các nghệ sĩ biểu diễn, các tổ chức phát thanh truyền hình.

Quyền sở hữu trí tuệ là các cơ chế để bảo vệ "các sáng chế" và thường có hiệu lực trong những thời gian nhất định. Các quyền lợi hợp pháp này có thể gắn liền với thông tin nếu thông tin có thể được áp dụng để tạo ra một sản phẩm riêng biệt và có ích. Các quyền lợi hợp pháp này ngăn cấm sự sao chép, mua bán hay nhập khẩu một sản phẩm khi không được phép của chủ sở hữu.

Hiện nay, Luật về sở hữu trí tuệ và các luật liên quan là một trong những hướng công cụ chủ đạo có thể triển khai để bảo vệ tri thức bản địa. Tuy nhiên để thực hiện việc áp dụng này cũng không phải đơn giản vì chúng ta còn phải xét đến nhiều khía cạnh trong đó quan trọng và quyết định nhất là đối tượng mà hai bên hướng tới. Liệu rằng đối tượng mà Luật Sở hữu trí tuệ hướng tới, tiêu chí và mục đích của luật sở hữu trí tuệ có thể áp dụng phù hợp cho việc bảo vệ tri thức bản địa. Ngược lại, để được bảo vệ bằng một trong các phương thức bảo vệ của Luật Sở hữu trí tuệ, tri thức bản địa có đáp ứng những yêu cầu mà phương thức ấy đề ra. Ví dụ, để được bảo vệ theo hình thức cấp bằng sáng chế, pháp luật Việt Nam quy định, bằng sáng chế phải đảm bảo có tính sáng tạo, tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 58), liệu chủ thể nắm giữ tri thức truyền thống có đáp ứng những yêu cầu trên không?

Về khái niệm, hệ thống sở hữu trí tuệ hiện hành khác với tri thức truyền thống ở ba điểm:

Thứ nhất, quyền sở hữu trí tuệ áp dụng đối với tri thức mới không áp

dụng cho tri thức đã có;

Thứ hai, quyền sở hữu trí tuệ chỉ cần có ý kiến của cá nhân hay tổ

chức hợp pháp hoạt động với tư cách cá nhân chứ không phải toàn cộng đồng xã hội;

Thứ ba, quyền sở hữu trí tuệ đề cập đến các quyền tạm thời. Tuy nhiên,

khi xử lý cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại có nhiều những đặc điểm, tính chất sự việc liên quan, gắn liền với đối tượng tri thức bản địa truyền thống.

Do gắn với hệ thống bản địa nên một số người không đồng ý khi đưa luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ áp dụng cho việc bảo vệ tri thức bản địa. Những hệ thống tri thức bản địa khác nhau có thể miêu tả như là "sự rèn giũa", xây đắp chắt lọc hơn là một mớ dữ liệu thông thường. Chúng bao gồm những tiêu chuẩn về thiểu số, tiêu chuẩn về trách nhiệm, tiêu chuẩn về chuyển giao và chúng đưa ra chuẩn mực của hệ thống luật lệ và thực hành rất rõ ràng. Những chuẩn mực này bao gồm những hoạt động khác nhau nhằm có được tri thức truyền thống. Tri thức có thể nằm trong cộng đồng hàng trăm năm nhưng cách thức để có được nó trong mỗi thế hệ lại rất khác nhau. Nếu bạn muốn trở thành người có tri thức (Knowledgeable Person) bạn phải làm việc vì nó nhưng cái việc này lại khác cái cách mà bạn làm việc này ở trường đại học. Khi bạn đạt được chứng nhận (có thể là một tấm bằng từ trường đại học), bạn phải làm rất nhiều công việc để đạt được tấm bằng này. Công việc này như một sự tập hợp, trao đổi dữ liệu. Tuy nhiên, mỗi hệ thống tri thức bản địa của con người lại là một "sự rèn giũa" riêng biệt với những luật lệ riêng về cách thức làm thế nào để có được nó. Hệ thống tri thức truyền thống không phải là những gì tĩnh tại hay cổ xưa mà ngược lại rất năng động với những đặc tính cụ thể. Ví dụ: Một công thức thuốc tân dược chữa bệnh đau dạ dầy của một

hãng thuốc bao gồm một sơ đồ hóa học đã xác định và luôn là như thế, không thay đổi. Tuy nhiên một bài thuốc của một cộng đồng người thiểu số thì lại khác. Bài thuốc này chỉ tồn tại trong những chuẩn mực nhất định ví dụ như người nắm giữ phải là già bản hay tộc trưởng, muốn lấy thuốc thì phải đi vào những khu rừng ở đó cây thuốc nằm tầm gửi trên một loại cây khác, lấy thuốc vào thời điểm sáng sớm khi sương bắt đầu tan và chưa có ánh nắng mặt trời… Và hơn cả một công thức định sẵn, tri thức truyền thống này được sử dụng qua nhiều thời gian, thế hệ và có sự chắt lọc để phù hợp nhất với nhu cầu thực tế. Tri thức này có thể được gọi là "tri thức sống" vì nó tồn tại và luôn được nuôi dưỡng và phát triển theo theo nhu cầu con người, đã được phát triển và còn được phát triển tiếp nối theo các thế hệ người kế tiếp.

Thực tế nhiều loại trí thức truyền thống có thể được bảo hộ theo hệ thống luật về sở hữu trí tuệ nhưng các cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện nay không thể bảo vệ một cách đầy đủ mọi loại tri thức truyền thống, vì các cơ chế này không thể bao quát hết các đặc trưng của tri thức truyền thống như xuất phát từ tín ngưỡng, là thành quả sáng tạo của tập thể và được lưu truyền, bảo tồn bằng miệng.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên bảo hộ tri thức truyền thống theo hệ thống luật sở hữu trí tuệ hay theo bất kỳ một hệ thống nào khác, vì nó là tài sản chung thuộc cộng đồng hoặc một địa phương cụ thể, do đó không thuộc độc quyền của một cá nhân, tổ chức nào và nếu bị thương mại hóa sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tập quán, tín ngưỡng, văn hóa sáng tạo của cả cộng đồng [60]… Tuy nhiên, xét cho cùng không phải tất cả các tri thức truyền thống đều mang tính tập thể, mà trong nhiều trường hợp các cá nhân có thể tự nghiên cứu, cải tiến, tạo ra những tri thức mới trên cơ sở vốn tri thức đã có và được cộng đồng thừa nhận như những "nhà sáng tạo". Và cũng không phải tất các quyền Sở hữu trí tuệ đều mang tính cá nhân, vì ngày càng có nhiều sáng chế được sáng tạo bởi nhóm các tác giả, được gọi là "đồng tác giả" - một khái niệm đã được thừa nhận trong pháp luật về sở hữu trí tuệ. Các nhãn hiệu tập thể, các

chỉ dẫn địa lý cũng được bảo hộ trong một tập thể hoặc cộng đồng thuộc một vùng địa lý cụ thể. Điều quan trọng là, những nhóm người hay cộng đồng nắm giữ tri thức truyền thống có những quy định riêng trong việc lưu truyền, khai thác, phát triển nguồn tri thức đó bằng tập quán, văn hóa ngôn ngữ hay một cách riêng gì đó của mình.

Một quan điểm khác cho rằng, luật về sở hữu trí tuệ là luật của các nước phát triển [57], Anup Shah trong bài viết Patents - Stealing Indigenous Knowledg cho rằng luật sở hữu trí tuệ không giúp ích cho việc bảo tồn các di sản tri thức bản địa mà chỉ là công cụ để các nước phát triển khai thác và đánh cắp một cách hợp pháp tri thức từ nguồn di sản này.

Tổ chức phát triển công nghệ thế giới - ITDG (International Technology Devalopment Group) trong một nghiên cứu của mình mang tên "Quá trình

hình thành và nội dung Hiệp ước quốc tế về các nguồn tài nguyên di truyền thực vật phục vụ cho lương thực và phát triển nông nghiệp" cũng cho rằng hệ

thống sở hữu trí tuệ hiện hành chỉ nhằm phục vụ lợi ích và nhu cầu bảo hộ của các nước phát triển với nền nông nghiệp tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, hàm lượng trí tuệ và đầu tư nguồn lực kết tinh trong hàng hóa cao, trong khi nền kinh tế của các nước đang phát triển có trình độ phát triển công nghiệp thấp, chủ yếu dựa vào những công nghệ cũ được chuyển giao lại, mặc dù nguồn lực lao động lớn nhưng hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm hàng hóa lại thấp, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra thường xuyên và có quy mô lớn. Mặt khác, kinh tế của các nước đang phát triển lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhân lực bản địa, tri thức truyền thống và tài nguyên thiên nhiên sơ khai…Tuy nhiên quan điểm này không nhìn rõ bản chất của hệ thống sở hữu trí tuệ, thực chất hệ thống này không bảo vệ riêng lợi ích của quốc gia nào, hệ thống chính trị nào, trình độ phát triển công nghệ của nước nào, cộng đồng hay cá nhân nào, hệ thống sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thành quả của con người, thúc đẩy quá trình sáng tạo của con người, bất kể sáng tạo có nguồn gốc từ đâu.

Thực tế chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, cho đến nay hệ thống quyền sở hữu trí tuệ có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và hiệu quả nhất trong việc thực thi và bảo vệ quyền cho các sản phẩm trí tuệ. Không phải khi chúng ta đưa ra bàn luận có nên áp dụng hay không luật về quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ tri thức bản địa thì luật mới được xem xét áp dụng mà không chính thức các quyền sở hữu trí tuệ từ lâu đã được áp dụng và công nhận trong bảo vệ tri thức bản địa rồi; hơn thế nữa rất nhiều sản phẩm mà hiện tại đã được quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ thực tế đã bắt nguồn từ tri thức bản địa. Ví dụ: Các kiểu dáng mỹ thuật, các điệu nhảy, hát truyền thống đã được các ngành công nghiệp giải trí và thời trang sử dụng để tạo ra những tác phẩm được quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Quay trở lại với vấn đề tri thức bản địa là tài sản chung của nhân loại, nguyên tắc công bằng trong quyền sở hữu trí tuệ rất cần thiết phải được áp dụng khi xét công nhận sự sáng tạo của một sản phẩm. Nếu tác giả lấy nguyên liệu cho sản phẩm sáng tạo của mình có nguồn gốc từ tri thức bản địa thì ngoài việc công nhận quyền của người sáng tạo này còn phải xem xét tới quyền của xã hội, nơi đã cung cấp nguồn "nguyên liệu" từ di sản của mình cho người sáng tạo để tạo ra sự sáng tạo đó. Xã hội cũng là nơi bảo tồn tại chỗ, phát triển tri thức đó qua nhiều thế hệ để có được cơ sở cho những sáng tạo được bảo hộ sau này.

Khi xem xét dưới góc độ sáng tạo chính thức và không chính thức của quan điểm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay thì cả ba cấu thành của tri thức bản địa là gen, tri thức truyền thống và các thể hiện của văn hóa dân gian đều đòi hỏi quyền công nhận sự "có đi có lại" của những chủ thể sáng tạo không chính thức. Thực tế quyền này năm 1989, trong một nghị quyết của mình, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới (FAO) cũng đã ghi nhận quyền của các nhà tạo giống đồng thời công nhận quyền đóng góp to lớn của những người nông dân.

Vậy tri thức bản địa được bảo vệ như thế nào thông qua các quyền sở hữu trí tuệ? Hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống nhằm bảo hộ các quyền kinh tế và quyền tinh thần của những người nắm giữ tri thức truyền thống. Cần lưu ý rằng, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống trước hết nhằm bảo vệ quyền tinh thần của người nắm giữ tri thức truyền thống (chẳng hạn như quyền bảo đảm sự toàn vẹn của tác phẩm, quyền cấm người khác xuyên tạc, cắt xén, sửa đổi tác phẩm của mình, quyền được ghi nhận dưới danh nghĩa tác giả…) và quyền ngăn cấm người khác thương mại hóa tri thức của mình. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống nhằm làm tăng sự chắc chắn và ổn định về mặt pháp lý và mang lại lợi ích không chỉ cho những người nắm giữ tri thức truyền thống. Việc khai thác thương mại các tri thức truyền thống cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân những người nắm giữ tri thức truyền thống (thông qua các hợp đồng cho phép người khai thác tri thức truyền thống và trả phí chuyển giao) và nguồn thu nhập mà cộng đồng có được từ việc cấp phép đó được sử dụng để phát triển phúc lợi của cả cộng đồng. Hơn nữa, sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống cho phép các cộng đồng bản địa tham gia một cách có hiệu quả hơn vào thị trường toàn cầu và từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo và lệ thuộc, do đó được coi là một công cụ tiềm năng trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới của những nước đang phát triển và kém phát triển.

Các công cụ pháp lý nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức bản địa truyền thống sẽ thúc đẩy sự sáng tạo trên cơ sở tri thức đó. Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các tri thức truyền thống không chỉ là việc ghi nhận các quyền được bảo hộ, công nhận những thành quả trí tuệ của người sáng tạo mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội trong việc tiếp cận những thành quả sáng tạo dựa trên truyền thống đã được bảo hộ, là cơ sở thúc đẩy hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu, triển khai trong mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn học và nghệ thuật của cả cộng đồng, đồng thời thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa

cộng đồng truyền thống với xã hội và tạo lập môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, trung thực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Thực tế việc áp dụng bảo vệ tri thức truyền thống bằng các công cụ của luật pháp về sở hữu trí tuệ rất phức tạp. Tuy nhiên, trong khi chưa thể xây dựng được một đạo luật riêng áp dụng bảo vệ cho loại hình tri thức này thì luật về sở hữu trí tuệ vẫn là một công cụ hữu hiệu nhất để giữ gìn và bảo tồn giá trị của tri thức truyền thống. Chính vì vậy có thể xem luật về sở hữu trí tuệ cùng các luật chuyên ngành khác là một trong những công cụ hữu ích để bảo vệ tri thức truyền thống và đảm bảo cho việc chia sẻ một cách công bằng lợi ích từ việc khai thác tài sản trên.

Chương 2

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)