MỘT SỐ KIẾN NGHỊ XUNG QUANH VIỆC BẢO HỘ VÀ CHIA SẺ LỢI ÍCH TRI THỨC TRUYỀN THỐNG BẰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 87 - 94)

LỢI ÍCH TRI THỨC TRUYỀN THỐNG BẰNG PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Việt Nam có nên bổ sung pháp luật về Sở hữu trí tuệ hiện hành một hệ thống bảo hộ riêng về tri thức truyền thống hay không? Có những quan điểm khác nhau về vấn đề này và đây sẽ là một quyết định mang tính chính sách cấp cao chứ không phải là một vấn đề tư vấn kỹ thuật pháp luật. Tuy nhiên, việc thiết lập một cơ chế pháp lý bảo hộ riêng không nhằm mục đích bảo hộ đơn thuần mà cần tạo ra sự bảo hộ thực tế và có hiệu quả vì lợi ích của các chủ sở hữu tri thức truyền thống cũng như phù hợp với khuôn khổ pháp lý và chính sách rộng lớn hơn.

Có thể tham khảo về các mục tiêu, nguyên tắc đối với việc bảo hộ tri thức truyền thống sẽ được tìm thấy trong nguồn dự thảo các quy định hiện hành tại Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống, Văn hóa dân gian của WIPO đăng tải tại đại chỉ web của WIPO về cơ chế pháp luật, lựa chọn chính sách về tri thức truyền thống.

Tuy nhiên về nhiệm vụ chung của các nhà làm luật nên đảm bảo một số các yêu cầu sau khi tham gia xây dựng chính sách pháp luật bảo hộ tri thức truyền thống:

 Bảo vệ lợi ích quốc gia và phát triển bền vững

 Tôn trọng và bảo vệ lợi ích của cộng đồng, đặc biệt của các dân tộc thiểu số: chủ sở hữu hoặc người nắm giữ tri thức truyền thống

 Khuyến khích khai thác, phát triển kinh tế, thương mại, công nghệ dựa trên tri thức truyền thống

Cụ thể kỹ thuật xây dựng cũng như các luật khác khi muốn thiết lập một đối tượng bảo hộ cần xây dựng rất công phu từ việc thống nhất đưa ra khái niệm, thuật ngữ, tiêu chuẩn bảo hộ, đối tượng áp dụng, phạm vi và thời gian bảo hộ, thủ tục xác lập quyền, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với tri thức truyền thống… nhằm đảm bảo thực thi quyền một cách có hiệu quả, bảo vệ lợi ích hợp pháp người nắm quyền. Đối với những loại tri thức truyền thống chưa được bảo hộ theo các quyền sở hữu hiện hành, có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế "ghi nhận" và lưu giữ (tư liệu hóa) các tài liệu về tri thức truyền thống cần được bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền vừa nhằm mục đích lưu giữ, vừa làm cơ sở đảm bảo quyền lợi của cộng đồng nắm giữ chống lại các hành vi xâm phạm.

Theo tiến trình thế giới hiện tại Việt Nam cũng bắt đầu có những ghi nhận sự có mặt cũng như giá trị của tri thức truyền thống, phương thức bảo vệ, chia sẻ lợi ích trong các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên như trên đã nêu, việc thống nhất cách hiểu, cách thức bảo vệ chưa được thống nhất giữa pháp luật chuyên ngành. Chúng ta cũng cần có một hoạt động quan trọng làm cơ sở để xác định quyền các bên đó là xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về các loại tri thức truyền thống trong tất cả các lĩnh vực văn học, khoa học. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng xét đơn cấp quyền bảo hộ.

Chúng ta có thể áp dụng các quy định này để bảo hộ cho tri thức truyền thống ở nước ta tuy nhiên cụ thể hóa việc áp dụng cũng như việc thống nhất phương thức và chế độ áp dụng các quy định pháp luật cần phải thận trọng tránh hiểu sai, chồng chéo trong thi thực hiện nhất là đối với những công ước đang có xung đột pháp luật.

Hiện tại chúng ta mới chỉ bắt đầu có những quy định về bảo tồn và chia sẻ lợi ích từ gen và tri thức truyền thống về gen thông qua Luật đa dạng sinh học. Mảng tri thức truyền thống nói chung và mảng các hình thức thể hiện văn hóa dân gian là mảng quan trọng chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể. Các nhiệm vụ cụ thể chúng ta phải làm có thể đưa ra như sau:

1. Xây dựng một định hướng chung về nguyên tắc và quy định pháp luật về bảo hộ tri thức bản địa thông qua các quyết định quan trọng của các cơ quan chức năng liên quan. Định hướng này phải nêu rõ tầm quan trọng và thiết yếu của việc khai thác, sử dụng và phát triển tri thức bản địa. Có những dự báo và đánh giá về tầm quan trọng và ảnh hưởng của tri thức bản địa, theo đó có những định hướng rõ ràng trong việc xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật cụ thể cho việc bảo hộ tri thức bản địa.

2. Thống kê, tư liệu hóa các tri thức truyền thống thành một phần trong tư liệu tham khảo, đối chiếu của quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là việc làm hết sức cần thiết vì chỉ khi xác định được phạm vi và loại hình của tri thức bản địa chúng ta có thì mới có thể có những hướng đi rõ ràng trong việc bảo hộ. Hiện tại chúng ta đã xây dựng được một mô hình nhỏ về tri thức truyền thống liên quan tới cây thuốc dân tộc mang tên Cơ sở dữ liệu về cây thuốc dân tộc gồm khoảng 100 danh mục cây thuốc do Cục Sở Hữu Trí Tuệ xây dựng với sự trợ giúp của chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam - Thụy sĩ (SPC), Viện dược liệu, Đại học Dược với mục đích chính là phục vụ tra cứu trong xét nghiệm đơn sáng chế bằng tiếng Việt với nội dung đưa ra tên gọi, mô tả chung, phân nhóm theo chức năng, thành phần hóa học, cách dùng, bài thuốc cổ truyền. Chúng ta cũng đang lập kế hoạch xây dựng Cơ sở dữ liệu sưu tập, tuyển tập về văn hóa dân gian bằng hình thức: VCD, DVD, từ điển… với Nội dung: các điệu múa, hát, nhạc cụ, thơ ca, ẩm thực, trang phục… Người sưu tập là hiệp hội, cá nhân, nhà nghiên cứu từ đối tượng lưu giữ là các Nghệ nhân, gia đình, dòng họ, làng bản, cộng đồng cư dân, hội văn hóa. Từ đây, người sử dụng, khai thác là công ty sản xuất băng đĩa hình, nhà tạo mẫu, hãng du lịch có thể tra cứu để có những xử sự tôn trọng và đúng quy định pháp luật với các tác phẩm trên.

Một mặt tìm hiểu cơ chế, cách thức xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tri thức bản địa của các nước khác để xây dựng hoàn thiện và tương đồng cơ

sở dữ liệu với các chuẩn mực chung của quốc tế làm sao cơ sở dữ liệu này dễ tra cứu, khoa học và đầy đủ.

3. Đối với những đối tượng tri thức bản địa có thể áp dụng hệ thống quy phạm của luật sở hữu trí tuệ, chúng ta cần phải thống kê và có hướng dẫn một cách cụ thể bằng pháp luật các phương thức bảo hộ có thể được áp dụng, căn cứ xác lập quyền sở hữu, những đảm bảo áp dụng… Trong quá trình xem xét áp dụng, có thể có những sửa đổi luật cần đảm bảo không xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng trong bản thân Luật Sở hữu trí tuệ đối với việc bảo hộ tri thức bản địa và các đối tượng sở hữu trí tuệ. Đồng thời chú ý không để xảy ra mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Tài nguyên môi trường, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thủy sản, Luật Bảo tồn các di sản văn hóa, Luật Dân sự, Luật hình sự… Đảm bảo các mục tiêu bảo hộ và khai thác, bảo tồn và phát triển.

4. Đẩy mạnh việc nghiên cứu hợp tác quốc tế về trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo hộ tri thức bản địa; cần xác định việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm trong việc bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa là việc làm quan trọng để từ đây có cơ sở để tham gia đàm phán hội nhập các vấn đề liên quan tới quyền lợi của Việt Nam trong việc bảo vệ tri thức bản địa; tham gia ký kết các điều ước quốc tế có các quy định liên quan tới bảo hộ tri thức bản địa. Hiện nay chúng ta đã ký kết nhiều công ước quan trọng quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hứu trí tuệ và quyền tri thức bản địa, các công ước này có thể kể Công ước Berne1886, Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế các nhãn hiệu năm 1891, Hiệp ước Hợp tác Patent (PCT) Washington 1970, Hiệp định về các khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại trong khuôn khổ WTO, Công ước đa dạng sinh học - CBD 1994, Công ước Ramsar 1988, Công ước về buôn bán quốc tế các động thực vật hoang dã bị nguy cấp CTTES 1994, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Công ước Paris 1987, Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học 2004, Công ước quốc tế về bảo vệ giống cây trồng

mới - UPOV 2006, Hướng dẫn Bonn… Tuy nhiên việc triển khai hướng dẫn, sửa đổi luật để phù hợp với đối tượng bảo hộ tri thức bản địa chưa được nhắc tới. Chúng ta mới chỉ bắt đầu có sự quan tâm tới mảng tri thức về gen và bảo hộ nguồn gen, các mảng khác của tri thức truyền thống, mặc dù thực tế đã áp dụng nhưng luật ban hành còn chưa dành một vị trí xứng đáng cho việc bảo hộ này. Liên quan tới việc bảo hộ các biểu hiện của Văn hóa dân gian, một hiệp ước quan trọng - Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và ghi âm năm 1996 (WPPT) chúng ta chưa tham gia. Đây là một trong những hiệp ước quy định rõ quyền kinh tế và tinh thần đối với các nội dung buổi biểu diễn văn hóa dân gian" của người thực hiện các buổi biểu diễn này. Hiệp ước còn đưa ra một số ý tưởng cho việc sử dụng quyền tác giả để bảo vệ cho các hình thức biểu hiện văn hóa dân gian khi đã được sửa lại và giải thích hoặc một số quyền liên quan tới quyền tác giả...

5. Xây dựng một đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực bảo hộ quyền tri thức bản địa đáp ứng những đòi hỏi kỹ thuật trong quá trình lập pháp và áp dụng pháp luật.

6. Tăng cường sự kết hợp giữa các bộ ngành trong nghiên cứu và đề ra các chính sách bảo hộ tri thức bản địa nhằm đưa ra những chính sách, chiến lược đồng bộ và sát thực tế hơn đồng thời tránh việc đưa ra những quy định chồng chéo giữa các bên khi điều chỉnh cùng một vấn đề,

7. Tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của tri thức truyền thống, tầm quan trọng của việc bảo hộ khối tri thức này. Khuyến khích người dân có những hoạt động tích cực trong việc hợp tác bảo hộ tri thức truyền thống mà họ đang nắm giữ đảm bảo phát triển bền vững cũng như khai thác một cách có hiệu quả khối tri thức này phục vụ phát triển.

8. Xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân nắm giữ tri thức truyền thống và người khai thác khối tri thức này với nhiều mục đích khác nhau như sử dụng, sáng tạo hay kinh doanh dựa trên tri thức này.

KẾT LUẬN

Tri thức bản địa là phần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của người dân bản địa. Tri thức bản địa mang đặc trưng của mỗi vùng miền và là phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của mỗi quốc gia. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, tri thức bản địa ngày càng được biết đến với vai trò là cơ sở cho các sáng tạo kế tiếp mang lại những nguồn lợi khổng lồ. Công cụ pháp lý bảo hộ tri thức truyền thống mặc dù đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đưa ra khái niệm chính xác về tri thức truyền thống, phương thức bảo hộ, cách thức tiến hành bảo hộ… nhưng cộng đồng quốc tế cũng như cá nhân mỗi quốc gia vẫn nỗ lực nhằm tìm kiếm sự thống nhất về biện pháp để bảo vệ, mô hình và nội dung bảo vệ thông qua các vòng đám phán của các thể chế lớn như WTO, WIPO…

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khung pháp lý bảo hộ tri thức truyền thống, Việt Nam bắt đầu có những nghiên cứu về nguồn trí thức này thông qua các dự án phát triển hỗ trợ và khuyến khích người dân bảo tồn và phát triển tri thức bản địa đồng thời với việc thống kê và ghi nhận những tri thức này như một phần quan trọng của cộng đồng dân cư; Xây dựng những quy định có thể áp dụng quản lý việc tiếp cận, khai thác nguồn tri thức bản địa thông qua các luật chuyên ngành.

Vì chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh riêng về đối tượng là tri thức bản địa nên luật về quyền sở hữu trí tuệ hiện nay và tiếp tục sẽ là một giải pháp phục vụ cho các cá nhân và người dân ở cộng đồng các địa phương đáp ứng được những tiêu chuẩn, yêu cầu phù hợp để được bảo vệ hợp pháp. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có liên quan tới bảo hộ tri thức bản địa rất quan trọng, nó đảm bảo cho chúng ta có thể trang bị một cách đầy đủ và khách quan những yêu cầu nghiên cứu pháp lý bảo hộ. Hiện tại những công

ước về sở hữu trí tuệ mà chúng ta ký kết như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật 1886, Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế các nhãn hiệu năm 1891... đã phát huy vai trò của mình trong việc điều chỉnh bảo hộ một số mảng của tri thức bản địa như văn học nghệ thuật, quyền sở hữu công nghiệp… Tuy nhiên, do đặc điểm của tri thức bản địa có những khác biệt so với các đối tượng được bảo vệ trong luật về quyền sở hữu trí tuệ, tri thức bản địa lại là đối tượng phạm trù rộng so với phạm vi điều chỉnh của luật về quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, chính vì vậy việc tìm kiếm một giải pháp giải quyết cho từng trường hợp bảo hộ cụ thể cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng ở tầm vĩ mô cũng như rất cần có sự hợp tác hơn nữa giữa các bộ ngành liên quan.

Trong giới hạn các nguồn tài liệu cũng như thông tin thu thập được, học viên mong muốn đưa ra những tập hợp phân tích, nghiên cứu và kiến nghị góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo hộ tri thức truyền thống. Tuy nhiên, với một chủ đề phức tạp và dàn trải đòi hỏi sự xem xét thấu đáo và kỹ lưỡng hơn nữa, học viên sẽ cần có quá trình nghiên cứu tiếp nối sâu sau đề tài này.

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 87 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)