Bảo hộ và chia sẻ lợi ích từ tri thức truyền thống

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 44 - 45)

Như chúng ta đã biết, tri thức truyền thống là khái niệm rất rộng, nó bao gồm kiến thức của các mặt đời sống. Để các tri thức truyền thống của cộng đồng bản địa được bảo vệ một cách hữu hiệu, nhiều nước đang cố gắng xác định cơ chế bảo hộ thích hợp cho đối tượng này. Trên cơ sở cuộc khảo sát do WIPO tiến hành ở các nước, khu vực trên thế giới, ủy ban Liên chính phủ về sở hữu trí tuệ các nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian thuộc WIPO đã khái quát các công cụ bảo hộ sở hữu trí tuệ mà có thể được áp dụng đối với tri thức truyền thống chung như sau [75]:

Thứ nhất: sử dụng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện có để bảo hộ

nội dung, ý tưởng của tri thức truyền thống dưới hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế (ví dụ công nghệ gen, dược phẩm có nguồn gốc thảo dược…); bí quyết công nghệ (knowhow) hoặc bí mật thương mại (ví dụ bí quyết kỹ thuật truyền thống về sử dụng cây thuốc, các kinh nghiệm quản lý về sinh thái…).

Thứ hai: Sử dụng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện có để bảo hộ

hình thức thể hiện của tri thức truyền thống dưới hình thức bảo hộ quyền tác giả (ví dụ đối với các bài hát truyền thống, cuộc biểu diễn, tác phẩm hội họa truyền thống…); các quyền liên quan (quyền của người biểu diễn…); bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (ví dụ đối với các sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống như tượng, tranh, hàng dệt…).

Thứ ba: Sử dụng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện có để bảo hộ

danh tiếng, uy tín và yếu tố có vai trò chỉ dẫn thương mại đối với các sản phẩm truyền thống dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (ví dụ đối với các dấu hiệu, biểu tượng, chỉ dẫn, mẫu mã gắn liền với cộng đồng truyền thống).

Thứ tư: Sử dụng hệ thống bảo hộ riêng (sui generis) nhằm tạo ra cơ

chế bảo hộ thực sự phù hợp và đầy đủ đối với tri thức truyền thống, dưới hình thức quy định riêng về nghĩa vụ bộc lộ, về việc nộp lưu mẫu, xin phép chủ thể nắm giữ tri thức truyền thống… Hiện nay, các tiêu chuẩn của hệ thống bảo hộ riêng cho tri thức truyền thống vẫn đang tiếp tục được cộng đồng quốc tế nghiên cứu.

Thực tế các quốc gia và các tổ chức quốc tế khi giải quyết vấn đề về bảo hộ tri thức bản địa đã sử dụng nhiều những quy định của các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, các quyền về văn hóa, các quyền về lao động, các quyền về tiếp cận nguồn Gen hay đa dạng sinh học... để đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi.

Tuy nhiên, các quốc gia cũng đang hối thúc WIPO khi chưa thể xây dựng được cơ chế bảo hộ riêng này thì vẫn phải tiếp tục tìm kiếm các phương thức bảo hộ khác đã được quy định trong quyền sở hữu trí tuệ. Tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ mới cũng đòi hỏi phải bao gồm một khái niệm rộng về sở hữu trí tuệ trong đó bao gồm các quyền sở hữu trí tuệ và các quyền khác có được từ các hoạt động sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực như công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật... trong đó sẽ có vị trí của tri thức truyền thống.

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 44 - 45)