MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG BẢO HỘ TRI THỨC BẢN ĐỊA

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 35 - 38)

Cho tới ngày nay, chưa có một hệ thống quốc tế nào được dự định xây dựng và thực hiện để đảm bảo một sự bảo hộ pháp lý có hiệu quả đối với quyền của người nắm giữ tri thức truyền thống ở cấp độ quốc tế. Tuy nhiên, một số nỗ lực và mô hình bảo hộ pháp lý cho tri thức truyền thống ở cấp độ quốc gia đã được các nước thành viên của WIPO thực hiện. Dựa trên kinh nghiệm của các nước thành viên và công tác của WIPO về tri thức truyền thống, có thể xác định một số hệ thống cung cấp những yếu tố hữu ích cho các bảo hộ pháp lý đối với đối tượng liên quan đến tri thức truyền thống.

Bao gồm:

(a) Luật tập tục và hệ thống sở hữu trí tuệ phi hình thức;

(b) Hệ thống sở hữu trí tuệ chính thức do WIPO và các tổ chức quốc tế khác quản lý;

(c) Hệ thống riêng;

d) Những tài liệu được hệ thống hóa về tri thức truyền thống vì mục đích sở hữu trí tuệ.

Các mốc quan trọng của việc nghiên cứu về tri thức truyền thống bắt đầu từ năm 1998 với việc nghiên cứu các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ và nguồn gen. WIPO kết hợp Ủy ban môi trường Liên hợp quốc UNEP tập trung vào nội dung nghiên cứu vai trò của các quyền sở hữu trí tuệ trong việc chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng các nguồn sinh học và các tri thức truyền thống

liên quan. Sau hội nghị ngoại giao liên quan tới việc thông qua Hiệp ước luật Patent, WIPO đã đưa ra khuyến nghị kèm theo việc nghiên cứu về Nguồn gen, các thành viên WIPO nên mở rộng sang vấn đề tri thức truyền thống và Các hình thức biểu hiện văn hóa dân gian. Trước đó, năm 1978 WIPO cũng có chương trình làm việc riêng với Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) nghiên cứu vế Các hình thức biểu hiện văn hóa dân gian. UNESCO và WIPO năm 1982 đã cho đời "Các quy định mẫu đối với luật quốc gia về bảo hộ các hình thức thể hiện văn hóa dân gian chóng lại việc khai thác bất hợp pháp và những hành vi xâm phạm khác". Năm 2000, Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và tri thức truyền thống, gen và văn hóa dân gian được thành lập trong khuôn khổ WIPO đã được thành lập. Từ đây, Ủy ban này tổ chức thường niên các phiên họp với sự tham gia của hàng trăm nước thành viên quan tâm tới ba lĩnh vực này. Ủy ban này làm việc thường xuyên, chuyên trách và hàng năm có báo cáo trong các kỳ họp thường niên của WIPO. Ngoài các quy định mẫu về bảo hộ tri thức bản địa, Ủy ban còn có những khuyến nghị hướng dẫn các quốc gia thành viên trong việc thực thi các phương thức bảo hộ tri thức bản địa.

Bên cạnh các hoạt động tích cực của WIPO, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong các vòng đàm phán của mình cũng có những hoạt động đề xuất tích cực về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có các quy định liên quan tới việc sử dụng tài nguyên là tri thức bản địa. Nằm trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha, tại phiên họp lần thứ 45, Hội đồng TRIPs (Hội đồng nghiên cứu về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ) đã đặc biệt đàm phán và thảo luận về các vấn đề:

i)Sáng chế dược phẩm (các nước châu Phi yêu cầu làm rõ các linh hoạt của Hiệp định TRIPS đối với vấn đề sáng chế dược phẩm. Tuyên bố riêng của Hội nghị Bộ trưởng Doha đã cho phép cấp phép cưỡng bức và lùi thời hạn chuyển tiếp bảo hộ sáng chế đối với các nước kém phát triển đến 2016);

ii) Chỉ dẫn địa lý (gồm xây dựng hệ thống đăng ký và thông báo chỉ dẫn địa lý đa phương cho rượu vang và rượu mạnh và vấn đề mở rộng việc bảo hộ đang dành cho rượu vang và rượu mạnh cho các sản phẩm khác);

iii) Mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ và đa dạng sinh học, bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian;

iv) Chuyển giao công nghệ.

Vấn đề Mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ và đa dạng sinh học, bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian là mảng đang được tranh cãi nhiều nhất nhưng chưa có kết quả thống nhất. Trong vòng đàm phán Doha gần đây nhất, tháng 8 năm 2007, quan điểm của các thành viên đối với từng vấn đề liên quan còn rất khác nhau. Đối với mối quan hệ giữa TRIPS và Công ước đa dạng sinh học (CBD), có 4 nhóm lập trường chính:

i)Bộc lộ nguồn gen phải được đưa thành quy định bắt buộc của TRIPS do Brazil, Ấn Độ, Bolivia, Colombia, Cuba, Dominica, Ecuador, Peru và Thái lan khởi xướng và được sự ủng hộ của Nhóm Châu Phi;

ii) Bộc lộ nguồn gen qua việc sửa đổi Hiệp định phân loại sáng chế (PCT) do Thụy Sỹ khởi xướng;

iii) Bộc lộ nhưng nằm ngoài phạm vi của luật sáng chế do Cộng đồng chung châu Âu - EU khởi xướng;

iv) Sử dụng hệ thống luật quốc gia, bao gồm cả việc ký kết các hợp đồng do Hoa Kỳ khởi xướng.

Đối với việc bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian, một số thành viên như Ấn Độ, Bolivia, Brazil, Thái Lan, Peru và nhóm Châu Phi đề nghị cần có quy định bảo hộ ở quy mô quốc tế nhưng một số thành viên khác như Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Niu Di Lân, Thụy Sĩ và Úc cho rằng cần xây dựng luật pháp trong nước trước khi thảo luận việc bảo hộ ở quy mô quốc tế.

Ngoài ra, các tổ chức khác cũng có những hoạt động tích cực như đưa ra các nghị quyết, các chương trình nghiên cứu liên quan tới việc bảo hộ tri thức bản địa như Tổ chức Văn hóa, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới (FAO), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN)…

Các công ước quốc tế liên quan tới việc bảo vệ tri thức bản địa:

- Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, 1886. - công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, 1883.

- Công ước đa dạng sinh học (CBD), 1992.

- Nghị định thư Catagena về an toàn sinh học, 2000.

- Hiệp định về một số khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) 1994.

- Công ước Hiệp hội quốc tế về bảo vệ các giống cây mới (UPOV) 1961, sửa đổi năm 1972, 1981.

- Hướng dẫn Bonn về khai thác các nguồn tài nguyên gen và chia sẻ công bằng và bình đẳng các lợi ích có được từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên gen, 2001.

- Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới 1972. (Ngoài ra, đề cập đến việc bảo vệ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa còn kể đến Hiệp ước quốc tế về các nguồn tài nguyên di truyền thực vật phục vụ cho lương thực và phát triển nông nghiệp (IU) của ITDG (International Technology Devalopment Group) Tổ chức phát triển công nghệ thế giới..)

Một phần của tài liệu Bảo hộ và chia sẻ lợi ích tri thức bản địa trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)