Để đảm bảo cho bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm chỉnh, việc cưỡng chế thi hành rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên, đây không phải là biện pháp duy nhất. Tự nguyện thi hành của người phải thi hành án là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Mục tiêu đặt ra là nâng cao ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của các tầng lớp nhân dân, tạo ra sự tự giác tuân thủ pháp luật, hạn chế thấp nhất sự can thiệp của các cơ quan nhà nước vào quan hệ pháp luật dân sự. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, quy định sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố tự nguyện và cưỡng chế thi hành án.
Trước hết, tự nguyện thi hành án là nghĩa vụ nhưng cũng là quyền của người phải thi hành án, người phải thi hành được đảm bảo các điều kiện để có thể thực hiện quyền tự nguyện thi hành án. Theo quy định tại Điều 6, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì Chấp hành viên phải định thời hạn tự nguyện thi hành án cho người phải thi hành án. Hết thời hạn này, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thì mới có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nguyên tắc này vừa thể hiện tính dân chủ, nhân đạo của pháp luật, vừa là cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích cho các bên đương sự. Tuy nhiên, nguyên tắc này đòi hỏi Chấp hành viên vận dụng linh hoạt, nhất là phải coi trọng việc giáo dục, thuyết phục đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án. Tránh việc áp dụng cưỡng chế cứng nhắc, vừa tốn kém, vừa gây căng thẳng trong các quan hệ xã hội.