Chùa Vĩnh Phước

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 60)

CHƯƠNG 2: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH

2.1.2. Chùa Vĩnh Phước

Làng Lý Hòa xưa có tới ba mươi đền thờ, miếu thờ các vị thiên thần và nhân thần. Một trong số những biểu hiện văn hóa tâm linh của làng Lý Hòa thể hiện rõ ở chùa Vĩnh Phước. Làng Lý Hòa có thế “hổ phục, rồng chầu”. Nếu như đình làng là mắt thần biểu thị cho ý chí của người dân Lý Hòa kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù tàn bạo xâm lược, lao động cần cù sáng tạo, thì chùa thờ Phật là con mắt Phật biểu thị sự hướng thiện, hiền từ, đức độ của người dân Lý Hòa. Là nơi hướng thiện mang đậm nét văn hóa dân gian, thể hiện đời sống tinh thần của người dân làng Lý Hoà.

Vĩnh Phước Tự được xây dựng năm Mậu Ngọ (1738) thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ tư. Lúc đầu chùa được làm bằng gỗ lợp tranh khá đơn sơ. Đến năm Mậu Tuất (1802) thời vua Gia Long năm thứ nhất chùa được xây lại bằng gạch, lợp ngói vảy, kết cấu đình gồm: ba gian hai chái rất rộng, lớn nhất trong vùng. Qua đó có thể thấy tư tưởng Phật giáo có ý nghĩa nhất định đối với nhân dân Lý Hòa từ khá sớm.

Khuôn viên chùa rất rộng trên 10000 mét vuông. Phần nổi chùa rộng 2000 mét vuông có thành bao quanh. Cổng chùa cao, một cửa ra vào. Trên bình quan cổng có đắp 3 chữ nổi “Vĩnh Phước Tự” bằng chữ Phạn Ấn Độ. Phía sau chùa là khu đại viên rộng trên 2000 mét vuông trồng nhiều loại cây ăn quả, hoa phượng và hoa hồng. Bên phải về phía Tây chùa có hồ sen rộng chừng 1000 mét vuông. Bên trái về phía Đông chùa có một giếng hình vuông xây bằng đá đẽo thành phiến 20cm x 20cm x 120cm do người Chăm xây dựng có lịch sử trên 800 năm.

Đây là cổ vật lộ thiên quý giá hiếm có. Từ lâu đời nhân dân thường gọi là giếng chùa. Thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (Ất Mùi 1775) có ngài Nguyễn Văn Duyệt thuộc họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa được vua Thành Thái (1901) sắc phong “Tiền hiền khai khẩn duyệt hòa hầu Dực bảo trung hưng linh phò chi thần”. Vua Khải Định niên hiệu năm thứ 9 (1924) gia tặng “Đoan túc tôn thần”. Ngài cùng vợ là bà Hoàng Thị Lý giàu có trong làng đã bỏ ra một trăm quan tiền làm quỹ cho nhà chùa, ba mươi quan tiền khai phá ba đám ruộng tại đầm lầy trước mặt chùa, thuê người canh tác thu lợi cúng cho chùa hương khói. Khi ông bà mất được thờ trong chùa.

Chùa “Vĩnh Phước Tự”. Gồm có khu chùa thờ Phật, khu vườn sau chùa, khu hồ sen. Đến năm Canh Dần 1770 thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 chùa được trùng tu với cột, kèo, đòn tay, rui, mèn, cửa ra vào bằng gỗ tốt, tường xây gạch, lợp ngói vảy tương đối khang trang. Năm 1941, thời vua Bảo Đại, chùa lại được trùng tu lần nữa cùng lúc với đình làng. Họa tiết đẹp đẽ, khang trang và uy nghi. Trong chiến tranh chống Mỹ, chùa bị máy bay địch bắn phá hư hỏng, chỉ còn lại cổng chùa, đất quanh khuôn viên chùa. Đặc biệt là đất vườn phía sau chùa đất, hồ sen đã bị dân lấn chiếm làm nhà ở sau năm 1975. “Vĩnh Phước Tự” là nơi hướng thiện của dân làng Lý Hòa, làng không có tổ chức Phật tử như các nơi khác. Năm 1947, giặc Pháp đóng tại đồn Đôống Bơi định tổ chức hội Phật học tại chùa “Vĩnh Phước Tự” để chống lại phong trào kháng chiến của ta đã bị sư thầy trụ trì Đặng Gia Khiên từ chối theo sự chỉ đạo của Việt Minh tại Lý Hòa. Đầu năm 1947, giặc Pháp đổ bộ chiếm đóng Quảng Bình. Làng Lý Hòa bị giặc Pháp đóng đồn vây quanh và trở thành vùng địch hậu. Chùa “Vĩnh Phước Tự” là nơi che giấu cán bộ Việt Minh hoạt động trong lòng địch, đồng thời là cầu nối liên lạc của lãnh đạo xã Hải Trạch lớn (gồm: Hải Trạch, Phú Trạch, Đồng Trạch, Hoàn Trạch, Vạn Trạch) với lãnh đạo thôn Lý Hòa để chỉ đạo kháng chiến chống Pháp của các thôn địch hậu: Quy Đức, Đồng Cao, Thuận Phú.

Đầu tháng 4 năm 1947, chi bộ Quý Hòa (tiền thân của chi bộ Hải Trạch lớn) do đồng chí Nguyễn Duy Sò làm bí thư họp tại chùa “Vĩnh Phước Tự” tổ chức thành lập phân chi bộ thôn Lý Hòa để lãnh đạo nhân dân Lý Hòa kháng chiến chống Pháp trong lòng địch hậu.

Cũng tại “Vĩnh Phước Tự” đội thiếu niên cứu quốc đã tổ chức cho một số đội viên dưới dạng tu hành tại chùa để làm liên lạc, canh gác, bảo vệ cán bộ Việt Minh về hoạt động ban đêm và ban ngày ở thôn Lý Hòa có từ năm 1947 đến năm 1952. Đến năm 1953, Pháp thua to ở chiến trường, ráo riết bắt lính. Lãnh đạo thôn Lý Hòa đưa toàn bộ thiếu niên cứu quốc lên chiến khu Bố Trạch học tập văn hóa tại trường cấp I & II Troóc (Phúc Trạch). Việc bảo vệ, che giấu cán bộ Việt Minh hoạt động trong lòng địch thôn Lý Hòa do sư thầy Đặng Gia Khiên tiếp tục thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thôn Lý Hòa. Trong kháng chiến chống Mỹ, chuông chùa “Vĩnh Phước Tự” được đưa ra đình làng làm kẻng báo động máy bay để nhân dân vào hầm trú ẩn và dân quân, du kích sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ đến bắn phá xóm làng.

Sự bài trí thờ phụng trong chùa theo Phật diễn: các tượng Phật đặt ở các vị trí theo thứ tự chặt chẽ tôn nghiêm. Tượng Phật Thích Ca Mân ni được đặt bên trên ở trung tâm của điện thờ. Bậc dưới là 35 đồ đệ của đức Phật với hình thù khác nhau: có tượng nhịn ăn mà mặc người tong teo, có tượng nhịn mặc để ăn quần áo rách rưới. Chùa có một chuông bằng đồng thau nặng 300kg (dân thường gọi là boong) với tên “Lý Hòa chung tự” được đúc vào năm Kỷ Mão (1819) thời vua Gia Long niên hiệu thứ 18. Chuông có ghi nhiều sự tích về chùa và ghi danh các Phật tử, người đóng góp tiền của đúc chuông. Do chiến tranh chuông bị hư hỏng nặng, hiện nay làng đã đúc chuông mới nặng 400kg. Chuông cũ là một vật cổ có giá trị lịch sử lâu đời sẽ được lưu giữ bảo tồn cùng giếng chùa, cổng chùa (đã được phục chế lại) tại khuôn viên giếng chùa.

Sư chủ trì chùa lúc đầu do chùa Bảo Quốc Huế cử ra tu hành và trông coi chùa, sau này do các sư người Lý Hòa chủ trì. Trước cách mạng tháng Tám 1945 do sư thầy Hoàng Duy Ổi thường gọi là thầy Kiểm Ổi trụ trì lâu năm rồi qua đời được nhà chùa an táng sau khu đại viên chùa. Mộ được xây bằng hình tháp lục giác rất cao. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chùa được sư thầy Đặng Gia Khiên trụ trì. Gắn liền với Vĩnh Phước Tự còn có giếng chùa hình vuông xây bằng các phiến đá dài 2m có cạnh 0.2m x 0.2m nặng tới hàng trăm kg ghép thành. Đây là kiến trúc mang dáng dấp người Chăm xưa. Nước giếng chùa trong mát, mạch nước dồi dào kể cả mùa khô hạn. Năm 1965 đế quốc Mỹ bắn

phá miền Bắc, chùa Vĩnh Phước làng Lý Hòa bị hư hỏng nặng. Sư thầy Đặng Gia Khiên pháp danh “Thích tâm nhơn” và các Tì kheo chùa đã thỉnh các tượng Phật và một số di vật xuống chùa Quan Âm ở Đức Trạch để thờ tự và tu hành tại đó đến khi qua đời. Thời đó có sư thầy Hồ Đăng Xàng pháp danh “Trung không tự quang” Tì kheo chùa Quan Âm cũng tu hành với sư thầy Đặng Gia Khiên.

Khi sư thầy Đặng Gia Khiên qua đời, sư thầy Hồ Đặng Xàng thỉnh tượng Phật Thích Ca và tranh Phật Quan Âm do chùa Bảo Quốc ở Huế cung tiến cho chùa Vĩnh Phước làng Lý Hòa về nhà riêng của mình để thờ tự và lưu giữ lại một phần di tích lịch sử văn hóa của chùa Vĩnh Phước. Với tâm niệm khi chùa Vĩnh Phước khôi phục lại sẽ có cơ duyên thỉnh về thờ tự đúng vị trí xưa.

Làm theo lời nói của cha, thầy Hồ Đăng Hới khi biết chùa Vĩnh Phước Lý Hòa khôi phục lại đã vui mừng có cơ duyên trả lại các di vật cổ cho chùa Vĩnh Phước. Các chứng cứ lịch sử, truyền thống cách mạng trên cộng với di tích văn hóa kiến trúc được xếp hạng năm 1962 thì chùa “Vĩnh Phước Tự” cũng xứng danh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Di tích lịch sử chùa “Vĩnh Phước Tự” ngày nay còn lại: - Cổng chùa và khu tường thành bao quanh khuôn viên chùa.

- Chuông chùa (nặng 300kg) đúc thời vua Gia Long.

- Giếng chùa hình vuông theo kiến trúc Chăm - Chiêm Thành.

- Ruộng chùa (ruộng tam bảo) tuy đã bị dân lấn chiếm và xã cấp để làm nhà ở nhưng ấn tượng “ruộng chùa” mãi mãi vẫn còn trong lòng người dân Lý Hòa.

Hình ảnh: Cổng chùa cũ

Chùa Phật Vĩnh Phước là nơi dân làng Lý Hòa và các nơi đến thắp hương niệm Phật hướng thiện thường xuyên vào các ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng. Đặc biệt vào ngày đại lễ Phật đản mồng tám tháng tư âm lịch, nay đổi lại ngày 15 tháng 4 âm lịch, cả ngày vía 12 tháng 2 âm lịch trong năm. Đây là hai ngày lễ hội Phật giáo lớn hàng năm của chùa. Cứ sáu năm chùa tổ chức lễ cầu siêu một lần, có lập đàn chay cầu kinh ba đến bảy ngày đêm. Đây là lễ hội trọng thể nhất của chùa được nhân dân trong làng và các nơi đến đi chùa dự lễ đông đúc và sôi nổi nhất. Trước kia giữa hai kỳ của sáu năm có bà Thường (vợ cụ Thượng thư tiến sỹ Nguyễn Duy Tích) lập đàn chay cầu siêu tại chùa thêm một lần, nên chùa ba năm cầu siêu một lần.

Sau khi đình làng được xây dựng lại (năm 1997) thì nguyện vọng của người dân Hải Trạch là cần xây dựng lại chùa để hướng thiện là điều bức thiết về mặt văn hóa tâm linh. Chùa Phật Vĩnh Phước trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Lý Hòa hiền từ, đức độ đã lâu đời. Thể theo nguyện vọng của nhân dân Lý Hòa, năm 2013 chùa Vĩnh Phước được xây dựng lại

Chùa chọn làm ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng mười tháng ba Quý Tỵ (2013) làm lễ khánh thành đầy ý nghĩa nghiêm trang và trọng đại

“Vĩnh Phước Tự” là một công trình văn hóa kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Lê, trùng tu thời nhà Nguyễn nên năm 1962, UBND tỉnh Quảng Bình công nhận xếp hạng di tích văn hóa kiến trúc cùng với đình làng được gắn biển công nhận di tích bằng thép mạ kẽm.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w