Đình Lý Hòa

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 55 - 60)

CHƯƠNG 2: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH

2.2.1. Đình Lý Hòa

Đình làng là một biểu tượng văn hoá của các cộng đồng cư dân nông nghiệp, là chốn linh thiêng và linh hồn của cả cộng đồng. Từ trong đình làng nhân dân muốn gửi gắm niềm tin, ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, thanh bình. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, nó là biểu tượng của quyền lực tinh thần của làng xã. Ngôi đình với vai trò của nó đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển nhất định của xã hội trong thời đại phong kiến nước ta.

Hình ảnh: Đình làng Lý Hòa

Đình Lý Hòa là một công trình kiến trúc điển hình của đình làng Việt Nam, đặc biệt là của một làng quê biển. Đình nằm trên một vùng đất cao giữa làng, với địa thế đẹp, thoáng mát. Cách Quốc lộ 1A theo đường bờ sông về phía Đông Bắc chừng 1km, đình hướng về phía Nam, trước mặt là sông Lý Hòa thơ mộng.

Đình Lý Hòa lần đầu được xây dựng vào năm Đinh Tỵ (1737) nằm ở trung tâm của làng. Mới đầu đình chỉ có bốn trụ bằng lim, hàng năm khi tế lễ nhân dân mới dựng lên lợp tranh, khi tế lễ xong lại hạ xuống xếp lại. Vị thần được thờ trong đình là: “Nam Hải Đại Vương” vào năm Minh Mạng thứ 20 (1839) được sắc phong là “Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần”. Đến thời Gia Long đình làng Lý Hòa nâng cấp xây dựng rất quy mô hoành tráng.

Những năm 1804 – 1808 hội đồng hương Lý đề ra nghị quyết làm đình khang trang hơn, nhân dân dã tích cực quyên góp để làm đình. Đình được lợp mái ngói vảy, sau đó dựng thêm đình Trung. Năm 1824, đình được xây dựng thêm phần ngoài, hai gian cũ để thờ đồ tử khí, theo tài liệu để lại thì phần trong cùng thờ “Tứ trụ” gồm 4 vị thần: Thiên Yana, tiểu Nương và hai nàng công chúa con Thiên Yana (dân gọi là tứ vị đại càn). Đồ tử khí toàn thờ nữ trang của thần nữ. Vua Khải Định (năm 1924) sắc phong cho 12 họ có công lập làng, đình Trung bắt đầu có bàn thờ 12 họ. Theo gia phả thì họ Nguyễn Duy, họ Phan, họ Hồ, họ Hoàng, họ Trần, họ Đặng Gia, họ Lê Văn đều có số đời tương tương giống nhau từ 10 - 12 đời. Chứng tỏ đây là sự di dân tập thể của nhiều dòng họ. Trong làng có câu “Đông Hồ, Tây Nguyễn” là chỉ hai họ có vai trò lớn nhất. Họ Hồ chiếm 40% dân số làng. Họ Hồ ở Lý Hòa vốn là một chi của dòng họ lớn của Việt Nam. Họ Hồ có truyền thống văn hóa rực rỡ, lao động mở mang bờ cõi, bảo vệ tổ quốc, chăm lo phát triển nhân tài cho đất nước, theo dòng lịch sử tuy có bước thăng trầm nhưng ở đời nào cũng có anh hùng, danh nhân phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Để tưởng nhớ công ơn trời biển của Nguyên Tổ, năm Quý Mùi (1403) vua Hồ Hán Thướng đã dựng đền thờ trên một ngọn núi ở Hương Bàu Bột, ngày nay là xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An.

“Bàu Giang có núi nguy nga Tên xưa Bàu Đột đổi ra An Trường

Đầu non có núi Hồ Vương Nghìn xưa đất tổ khói hương ai dành”

Năm 1887, đình bị cháy do hỏa hoạn, lúc đó cụ Ấm họ Nguyễn Duy đã bỏ ra 2000 quan tiền để xây dựng lại bằng cột gỗ, lợp ngói. Năm 1941 đình được hội ghe bầu trùng tu lại, nền đình được tôn cao ráo như hiện nay là do công sức đóng góp tôn tạo của hội ghe bầu và nốôc nghề chở đất từ xa đem về bồi đắp. Đình Lý Hòa gắn liền với sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi tổ chức các lễ hội lớn của làng như lễ Thành Hoàng, lễ xuân thu, hội phàm,...

Đình làng Lý Hòa gồm có ba lớp: đình Tiền, đình Trung và đình Hậu. Đình Tiền và đình Trung mỗi đình có 5 gian, riêng đình Hậu có 3 gian, chiều rộng từ 15m – 20m, bên trong lòng mỗi gian xây theo lối vòm bốn góc tập trung vào trung tâm. Các đình liên kết với nhau bằng các trụ gỗ lim lớn và được nối với nhau bằng băng, trên đó được chạm trỗ hình rồng hay các kiểu nhánh mai uốn lượn rất công phu và đẹp mắt. Vào các buổi lễ tế ban đêm đình làng sáng trưng bởi các hàng nến cắm dọc cột đình. Đứng ngoài sân nhìn vào, người ta thấy các mái đình liên tiếp nối nhau. Đình kiến trúc có 4 mái, trên các nóc mái có gắn hình rồng được tô điểm rất đẹp. Đình làng không có cửa sổ mà có các cửa chính (3 cửa – các cụ gọi là cửa lá sách) mở và đóng đều xếp gấp lại từng lá. Nhìn chung về trang trí đình làng có những nét tương đồng với các đình khác trong vùng nhưng nó đồ sộ và uy nghi hơn. Theo các cụ xây đình này người ta không sử dụng xi măng mà chủ yếu là đá vôi, hồ tự sáng tạo, vôi được quét với mật mía và giấy bản, quét thật dẻo để tạo độ bền.

Cách thờ tự trong đình:

Đình Tiền: Ở gian giữa thờ Thành Hoàng và thờ vọng các vị thần có miếu dựng trong làng. Đình Lý Hòa thờ đa thần bao gồm cả thiên thần và nhân thần. Thiên thần được thờ là các vị được sắc phong Thượng đẳng thần, đó là: Thành Hoàng cương thần Đại vương, Đại Càn Quốc gia Nam Hải (được sắc phong vào năm Minh Mạng thứ 20 – 1839) Tam tòa, Tứ vị Thánh Nương. Các vị này được thờ ở bàn trên còn các vị thần khác được thờ ở dưới gọi là hội đồng.

Hai gian bên thờ các vị thủy tổ các dòng họ trong làng gọi là Thập nhị gia tiên (hay còn gọi là 12 họ, trong đó mỗi căn có thể là 1 họ, có thể là nhiều chi) thờ chung với nhau trong đình làng. Những họ chỉ có một chi là Hồ, Võ, Đặng, Bùi,... họ có nhiều chi là họ Nguyễn, Phạm, Lê, Hoàng, Phan, Đoàn, Trần. Ngày nay có thêm 2

chi họ Nguyễn, 1 nhánh họ Phạm mới nhập vào nên cả làng có 24 họ được thờ trong đình làng.

Hai chái hai bên dùng để thờ các vị có công với làng với nước, đa số là thờ các quan viên chức sắc của làng.

Sau đình Tiền là đình Trung, nơi đây dùng để thờ 4 vị Thiên Yana. Năm 1942 khi đình trùng tu xong 4 vị này được thỉnh vào thờ ở đình Trung. Trong đình có 4 bàn thờ, trên mỗi bàn có gương lược, lọn tóc, dầu dừa, có võng cấng và 4 ghế bành để bà ngồi.

Đình Hậu (Hậu chẩm) chỉ có 1 bàn thờ để thờ chung.

Đình Lý Hòa ngoài việc thờ tự các vị tổ khai cơ làng, khai cơ nghề nghiệp cho con cháu, thờ tự các bậc danh giá của làng, còn gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, của tỉnh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ, trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặc biệt là trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Những ngày đầu chuẩn bị cho việc vận động quần chúng, tập hợp lực lượng trong mặt trận Việt Minh để cùng địa phương tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đình Lý Hòa là nơi để các chiến sĩ cách mạng cất giấu tài liệu và đi lại bắt liên lạc, nhóm họp để trao đổi các chủ trương lớn của cấp trên. Ngày 23/8/1945, cả làng đã hội tụ tại đình, đổ về huyện đường. Cùng các vị địa phương trong huyện làm nên cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám giành chính quyền ở huyện lỵ Bố Trạch thắng lợi.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đình Lý Hòa nói riêng, làng Lý Hòa nói chung là một trong những nơi đánh phá cực kỳ dã man của giặc Mỹ. Địch đánh từ trên xuống dưới, từ biển vào,... các thế hệ, các lớp thanh niên của làng trước khi lên đường nhập ngũ đều tập trung tại đình làng để được nhắc nhở phát huy truyền thống cha ông, sống xứng đáng với tổ tiên đã tạo dựng ra nền văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất và quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước. Trong những năm chiến tranh quyết liệt, làng Lý Hòa vinh dự được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Lê Quang Hòa,... khi vào chiến trường đều ghé thăm.

Đình Lý Hòa cũng như làng Lý Hòa nói chung bị không quân Mỹ đánh đi đánh lại nhiều lần nên đình bị bom tàn phá, nhưng làng còn là đình còn. Nhân dân địa phương vẫn kiên trì bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, bám làng, bám biển. Chắc tay chèo tay súng, hưởng ứng khẩu hiệu: “xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương”, nên những cột đình bị sập, bị gãy, cùng với nhà cửa, nhân dân tháo dỡ để phục vụ cho những chuyến xe qua, đảm bảo “mạch máu” giao thông, vì miền Nam ruột thịt.

Đình Lý Hòa có giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, là nơi thờ tự các vị tổ có công khai sáng làng và các nghề đặc trưng của làng biển (việc tế lễ của đình ngoài hai kỳ Xuân – Thu, mỗi năm có đại trường câu, có việc của làng, ngày tết, ngoài ra cứ 6 năm có một kỳ tế lễ Thành Hoàng rất long trọng). Mặt khác, đình cũng là nơi thờ tự các bậc danh khoa góp phần hun đúc truyền thống học hành khoa bảng của địa phương. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đặc biệt là hai cuộc chiến tranh phá hoại, đình làng đã bị phá hủy, chỉ còn cổng thượng, thành bao và phần nhỏ của đình Hậu. Hiện nay đình đã được trùng tu và tôn tạo lại. Đình Lý Hòa là công trình kiến trúc điển hình, là hình ảnh tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ truyền dân gian Quảng Bình. Về những đồ án, họa tiết trang trí của đình làng Lý Hòa được thể hiện rất công phu, bố cục chặt chẽ trọn vẹn, sự linh hoạt và thanh tú về đường nét. Do ảnh hưởng của Nho giáo nên kiểu kiến trúc mang đậm nét chính thống. Đình Lý Hòa là hiện thân của bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam cùng với biết bao giá trị văn hóa đáng được bảo tồn. Hơn nữa đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại, tiêu biểu của địa phương, của tỉnh, đặc biệt từ năm 1945 đến nay. Đình còn là một công trình mang biểu tượng văn hóa lịch sử, là nơi sinh hoạt văn hóa của làng biển Lý Hòa, nơi giáo dục phát huy truyền thống hiếu học, lòng yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay, mai sau.

Ngày nay đình làng đã được xây dựng lại trở thành nơi họi họp, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã, nơi các thế hệ con cháu tìm hiểu quá khứ rực rỡ của tổ tiên, nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương làng xóm. Dù đi khắp đó đây hay đang xây dựng cuộc sống mới hôm nay ở địa phương thì mái đình, sân đình, cổng đình vẫn trở nên thân thiết, trở nên

sâu đậm trong mỗi người dân. Đình Lý Hòa sẽ mãi mãi là một công trình mang biểu tượng lịch sử văn hóa truyền thống, nơi giáo dục và phát huy truyền thống hiếu học, lòng yêu quê hương đất nước cho các thế hệ con cháu sau này của làng biển mặn nòi. Đình Lý Hòa được Bộ VH-TT xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Ngày 31/08/1993 Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích do nhà nước trao tặng. Đây là vinh dự, là niềm tự hào không những cho nhân dân Lý Hòa nói riêng mà cũng là niềm tự hào của cả huyện và cuả tỉnh nhà.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 55 - 60)