Thương nghiệp

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 41)

b, Tầng lớp ngư dân nói chung bao gồm: dân làm nghề đánh cá và các loại hải sản khác, những người đánh cá thuê, lớp người làm trai bạn (thủy thủ) cho

1.4.3. Thương nghiệp

Cư dân người Việt ở Quảng Bình ngay từ thế kỷ XI đã có hoạt động buôn bán. Họ trao đổi sản phẩm giữa các vùng, miền với nhau. Cư dân làm nông

nghiệp ở vùng đồng bằng đem lúa gạo và nông sản đổi lấy cá, nước mắm của cư dân làm ngư nghiệp vùng biển và ngược lại.

Giữa làng xã miền núi và làng xã miền biển xưa ít có mối quan hệ trao đổi, buôn bán qua lại với nhau một cách trực tiếp, nhưng thực chất thì mối quan hệ này lại rất chặt chẽ. Người làng xứ biển rất cần xăng, lâm sản, ngược lại người làng núi rất cần cá, mắm, muối. Sự giao lưu hàng hóa vật chất giữa các vùng miền đã tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển. Người đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi, giao lưu hàng hóa ở các làng xã chính là cư dân buôn bán lưu động.

Lý Hòa là làng ven biển, ven sông, ven đường lớn, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc đi lại buôn bán, giao lưu ở cả ba con đường: đường sông, đường biển, đường bộ. Chính nghề đi biển là cơ sở cho nghề buôn ra đời và phát triển ở làng Lý Hòa.

Cũng giống các làng buôn khác, số lượng người tham gia vào việc buôn bán cũng rất đông. Mặc dù sử sách không ghi lại con số cụ thể là bao nhiêu nhưng có thể nói là số lượng người tham gia buôn bán, trao đổi ở Lý Hòa là trên dưới một nghìn người.

Chợ Lý Hòa

Khi sản xuất hàng hóa đã đạt đến một trình độ nhất định, chợ ra đời nhằm giải quyết nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa. Chợ chính là nơi quần tụ buôn bán trao đổi của con người. Về thời điểm ra đời chính xác của chợ Lý Hòa chưa thể xác định được một cách chắc chắn, song theo nguồn tài liệu dân gian, đồng thời căn cứ vào trình độ phát triển sản xuất có thể khẳng định chợ Lý Hoà có mặt từ rất sớm. Sách Đại Nam nhất thống chí tập II có mô tả lại: “Chợ Lý Hòa huyện Bố Trạch họp buổi chiều, hàng quán thưa thớt” [10;2;54]. Đến khi làng phát triển thì chợ đi vào hoạt động hiệu quả hơn, địa điểm họp đầu tiên của chợ Lý Hòa nằm ngay đầu làng (Nội Hòa) trên một dãi đất phẳng, phía dưới là xưởng đóng thuyền. Chợ thường họp hai buổi một ngày, buổi sáng đông nhất từ 8h – 9h còn buổi chiều từ 4h – 5h. Ngoài cá là mặt hàng chủ yếu thì chợ Lý Hòa còn là nơi trao đổi buôn bán các sản phẩm lương thực: gạo, lúa, ngô, khoai, rau,... và

các thứ hàng tiêu dùng cần thiết cho cuộc sống con người: vải vóc, giày dép, kim chỉ, thuốc lá, gạo muối, đường, chiếu,...

Hiện nay, chợ Lý Hòa đã có quy mô rộng lớn hơn trước rất nhiều, các mặt hàng buôn bán cũng khá đa dạng và phong phú. Vì là làng buôn nên chợ Lý Hòa có đầy đủ các mặt hàng của ba miền đất nước, người dân không phải đi đâu xa để sắm sửa mà đến ngay chợ của mình để mua. Hoạt động chợ diễn ra sôi nổi tấp nập, nhất là vào các dịp lễ, tết người ở các làng kề cận tập trung về chợ Lý Hòa để mua bán càng làm cho hoạt động của chợ sôi động hơn.

Nói tóm lại, sự ra đời của chợ đã phá vỡ nền kinh tế khép kín của làng xã Việt Nam từ bao đời nay mà Lý Hòa cũng không phải là ngoại lệ. Nó thúc đẩy nền kinh tế thương nghiệp phát triển, nối liền sản xuất với sản xuất, sản xuất với tiêu dùng. Càng ngày kinh tế càng phát triển, giao thông đi lại thuận tiện thì chợ được xây dựng với quy mô lớn hơn và có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đối với đời sống kinh tế của người dân thì chợ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu kinh tế xã hội bất kể thời kỳ nào. Chợ là nơi diễn ra sinh hoạt mua bán hàng hóa giữa người sản xuất với sản xuất, giữa thương nhân với thương nhân. Chợ có tác dụng to lớn trong việc đáp ứng nhiệm vụ cung cầu của toàn xã hội. Do đó chợ là nhân tố tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Đội ngũ thương nhân

Thương nhân buôn ở chợ làng chủ yếu là phụ nữ. Từ xưa, phụ nữ làng Lý Hòa đã nổi tiếng về giỏi buôn bán nhưng vẫn là làm ăn nhỏ, đôi gánh trên vai là phương tiện lưu thông chính. Họ mang sản phẩm của biển như tôm, cá, mực và các chế phẩm mắm, ruốc đi bán rồi mua khoai sắn, gạo, dầu đèn,... từ các nơi khác về để buôn bán lại cho dân làng, dù vốn liếng ít cũng là buôn bán hai chiều, đỡ công sức.

Đáng kể trong đội ngũ thương nhân là những người buôn xa, buôn chuyến, có thương thuyền, có vốn lớn. Từ buổi đầu lập làng, đã có không ít người đóng ghe, thuyền để đi buôn, ra Bắc vào Nam. Nhờ vị trí của làng ba bề giáp sông, biển lại kề bên đường Thiên lý Bắc – Nam nên giao thông thủy, bộ đều rất thuận lợi. Nhờ thế, nhân dân Lý Hòa buôn bán bằng cả phương tiện đường bộ và thủy nhưng đường thủy phát triển hơn. Đội ngũ thương nhân buôn chuyến đều sắm

ghe, thuyền chuyên chở hàng hóa trên sông, biển. Thuyền ghe của thương nhân cũng có nhiều loại lớn, nhỏ với trọng tải chở hàng rất khác nhau. Ghe nhỏ, dài, thon, không có buồm thường là của các thương gia có vốn vừa và ít, phạm vi buôn bán gần như Đồng Hới, Kỳ Anh, Nhượng Bạn (Hà Tĩnh).

Nằm kề sông, kề biển vì vậy việc đi lại buôn bán của cư dân Lý Hòa cũng luôn luôn gắn với những phương tiện là thuyền, ghe.

Ở Lý Hòa, thuyền là phương tiện buôn bán chủ yếu và cũng có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau. Các thuyền lớn gọi là ghe bầu có trọng tải từ 30 tấn đến 100 tấn. Loại thuyền nhỏ và vừa thường dành cho thợ chài đánh bắt cá gần bờ. Thuyền lớn cũng do thợ trong làng đóng theo đặt hàng của các thương gia dùng để chuyên chở hàng trên biển. Vào thời điểm phát triển của nghề buôn, ở làng có tới hàng chục chiếc thuyền lớn và hàng trăm thuyền buôn nhỏ. Thương nhân nổi tiếng ở làng xưa có ông Chánh Thi, các họ buôn bán giỏi như họ Hoàng, Phạm. Dân làng vẫn lưu truyền: “giàu họ Hoàng, sang họ Phạm” [26;3].

Đối với những người phụ nữ đi buôn gần, hình ảnh dễ thấy nhất là: “đầu sàng đầu mẹt”. Họ đi khắp nơi mua hàng, bán hàng bằng chính đôi quang gánh như thế.

Như vậy dù là loại thương nhân nào, buôn bán bằng cách nào thì ở Lý Hòa cũng có hai loại phương tiện buôn bán là ghe thuyền và gánh gồng. Các loại phương tiện khác thì phải đầu thế kỷ XX thì mới xuất hiện ô tô của thực dân Pháp mang sang phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của chúng.

Thị trường buôn bán

Thị trường mua, bán của thương nhân Lý Hòa rất xa và rộng, thường thì từ Quảng Bình, Đà Nẵng đến tận Sài Gòn. Dân làng cho biết, trước đây những chủ thuyền không có hoặc ít vốn, họ mang ghe đi xúc đá san hô ở Cà Ná chở vào bán cho những lò nung vôi ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, lấy tiền đó mua lại vôi chở ra bán cho các đồn điền trồng mía ở Dầu Tiếng, Trảng Bàng, Tây Ninh,... Với những chủ thuyền có nhiều vốn, họ mua hàng hóa từ nơi này chuyển sang nơi khác bán như mua xác mắm ở Mũi Né – Phan Thiết, mua vôi ở Cà Ná đưa lên các đồn điền bán hoặc đổi lúa, mua vải, gạo ở Sài Gòn đưa về... Vào khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, thời gian đó gió Đông Nam hoạt động mạnh họ tranh

thủ mua sắm hàng hóa chuẩn bị xuôi ra Bắc. Hàng hóa chủ yếu trên tuyến đường này thường là gạo mua ở Sài Gòn, vỏ đà mua ở Tân An, Ô Cấp, sắt, đường, dừa ở Quảng Ngãi [26;4]. Khi thuyền chở về làng, tại đây những hàng hóa tiêu dùng được vợ con chủ thuyền hoặc đấu nậu (bao mua) đưa ra bán ở chợ Lý Hòa và các chợ xung quanh. Còn vỏ đà, vỏ tràm đưa ra bán ở chợ Nam Định, Hải Phòng, ở đây họ mua lại chiếu, vải, chén bát mang về. Cuối tháng 6, dù đi đâu ghe thuyền cũng phải tụ họp ở cửa Lý Hòa để tu sửa ghe, tránh mùa mưa bão, vì thế nhân dân có câu:

“Mãn mùa cá nục xa chà

Chéo dọc xa đấu nậu, anh em mình xa nhau”

Sau đó là lễ hội phàm (hội buồm) được tổ chức để kết thúc mùa làm ăn. Có thể nói việc buôn bán ở Lý Hòa là một ngành nghề phát triển sôi động và có hiệu quả. Thành ngữ “phi thương bất phú” được chứng minh quá rõ ở làng Lý Hòa từ xưa cho đến nay, do vậy nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh cũng như trong Nam ngoài Bắc đều có nhận xét: Lý Hòa là một trong những làng buôn bán giỏi ở Quảng Bình [24;10].

Nhờ hoạt động thương nghiệp diễn ra sôi động ở chợ đã tạo điều kiện cho người dân trong làng không ngừng mở rộng sản xuất nhằm tạo ra nhiều mặt hàng để phục vụ cho việc buôn bán trao đổi với các làng lân cận. Trong giai đoạn chiến tranh, mặc dù bị đánh phá ác liệt nhưng ở Lý Hòa nghề buôn vẫn rất phát triển. Lúc này người dân vừa buôn bán, vừa phục vụ cho chiến tranh, các ghe thuyền đã bắt đầu đi xa hơn, thông qua việc buôn bán bà con vận động nhau đóng góp ủng hộ kháng chiến, tiêu dùng đồng bạc tài chính (vốn chỉ lưu hành ở vùng kháng chiến), đã dần dần được bộ phận nhân dân vùng sau lưng địch ở Lý Hòa và các thôn lân cận chấp nhận trong việc buôn bán trao đổi.

Cư dân Lý Hòa đã tạo cho họ cái nhìn khoáng đạt, nhạy bén trong việc làm ăn, ra Bắc, vào Nam đâu đâu cũng có cư dân Lý Hòa, miền đất nào họ cũng có mặt, tạo nên nét riêng biệt cá tính của cư dân vùng ven biển. Quá trình phát triển nghề buôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng, động lực thúc đẩy nghề buôn phát triển trước hết chính là nhu cầu của đời sống của cư dân nơi đây. Biết khai thác những tiềm năng để tạo thành thế mạnh của mình. Làng Lý

Hòa cho đến nay trong thời kì hội nhập và đổi mới của đất nước, vẫn phát huy được thế mạnh đó để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w