Nghề vận tải đường biển

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 40 - 41)

b, Tầng lớp ngư dân nói chung bao gồm: dân làm nghề đánh cá và các loại hải sản khác, những người đánh cá thuê, lớp người làm trai bạn (thủy thủ) cho

1.4.2.2.Nghề vận tải đường biển

Sống trên bờ biển nên một bộ phận dân Lý Hòa đã theo nghề vận tải biển. Đến thời vua Tự Đức năm thứ 18 (1865) tháng 11 đã ra lệnh thành lập đoàn thuyền vận tải lương thực. Về sau khi mà nghề ngư và nghề chế biến hải sản đã phát triển dẫn đến nhu cầu trao đổi buôn bán giữa các vùng miền tăng lên thì vận tải biển Lý Hòa lại có một bước phát triển mới về chất, từ đây việc vận chuyển đã kết hợp chặt chẽ với nghề buôn bán, quy mô hoạt động cũng được mở rộng thêm và không phải là đội vận chuyển của nhà nước nữa. Sở dĩ có sự chuyển biến ấy cũng có nhiều nguyên nhân:

Trước hết là do sự phát triển nội tại của nền kinh tế Lý Hòa đến đây đã đạt mức khá hơn so với trước, các sản phẩm của ngành thủ công nhất là chế biến thủy hải sản càng ngày càng nhiều đòi hỏi phải có sự mở rộng giao lưu buôn bán trao đổi. Hơn nữa với một làng quê nếu chỉ sống bằng đánh bắt hải sản, công cụ thô sơ thì làm sao có thể giàu có được. Có lẽ thấy được điều đó nên ngư dân Lý Hòa từ sớm đã biết bổ sung thêm nghề buôn bán, “Phủ biên tạp lục” chép: “Phong tục dân làng Lý Hòa rất quen thích với các việc đi buôn bán” [1;163]. Cuộc sống lênh đênh trên biển cả cùng với những chuyến hành trình vào Nam đánh cá đã cho họ những kinh nghiệm rất quý báu về quá trình đi biển, về thị trường hàng

hóa, bán buôn. Quan trọng hơn, thiên nhiên đã đưa đến cho Lý Hòa điều kiện giao thông đường biển thuận lợi. Tất cả đều trở thành tiền đề quan trọng thúc đẩy nghề vận tải biển Lý Hòa có mặt sớm và tồn tại lâu đời. Căn cứ vào gia phả các họ Phạm, họ Nguyễn thì vận tải biển không đơn thuần làm công việc vận chuyển nữa mà có sự kết hợp chặt chẽ với buôn bán. Trong quá trình đó, buôn bán dần dần chiếm vị trí chủ yếu.

Khi ngọn gió Đông Bắc đến cũng là lúc cuộc hành trình vận chuyển và buôn bán của họ bắt đầu. Vào thời điểm này cửa biển Lý Hòa thật đông vui, hàng chục chiếc ghe đậu san sát, chủ thuyền và trai bạn bận rộn với bao nhiêu công việc chuẩn bị lên đường. Ðịa bàn làm ăn của họ thường kéo dài từ Ðà Nẵng vào đến Sài Gòn, không chỉ có vậy người Lý Hòa còn đóng ghe bầu có trọng tải lớn trên 30 tấn đi ra Hải Phòng, Quảng Ninh và có khi sang Trung Quốc để buôn bán. Dưới thời phong kiến, chúng ta có nhiều thương cảng nổi tiếng như Phố Hiến ở miền Bắc, Hội An ở Quảng Nam thì Lý Hòa có thể xem là một thương cảng ở Quảng Bình. Chính từ chỗ biết nhìn ra biển lớn, dám vượt biển và biết khai thác lợi thế giao thông biển để đẩy mạnh việc giao thương buôn bán đã đem đến cho con người Lý Hòa sự thông minh sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ dám làm để trở thành một trong những làng nghề giàu có ở Quảng Bình. Như vậy, không chỉ đưa lại sự giàu có về nền kinh tế mà vận tải biển còn là nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa Lý Hòa với các miền của đất nước đúng như câu hát quen thuộc của cư dân ở đây:

“Đi cho biết đó biết đây Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.

Có mặt từ lâu đời, nghề vận tải biển ở Lý Hòa đã tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Những kinh nghiệm trong kỹ thuật vận tải đường biển ngày xưa là nguồn tài liệu đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghề vận tải đường biển Lý Hòa hiện nay.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 40 - 41)