Nghề đóng thuyề nở Lý Hòa

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 46 - 48)

b, Tầng lớp ngư dân nói chung bao gồm: dân làm nghề đánh cá và các loại hải sản khác, những người đánh cá thuê, lớp người làm trai bạn (thủy thủ) cho

1.4.4.1.Nghề đóng thuyề nở Lý Hòa

Đóng thuyền ở Lý Hòa là một nghề rất quan trọng. Lực lượng đóng thuyền không nhiều, chỉ tập trung vào một số gia đình cha truyền con nối, tuy nhiên đây là một nghề không thể thiếu ở Lý Hòa bởi nó đáp ứng được việc sản xuất các loại thuyền – công cụ chủ yếu để thực hiện đánh bắt hải sản.

Với Lý Hòa, nghề đóng thuyền có mặt tương đối sớm, có thể khẳng định từ khi làng ra đời thì nghề đóng thuyền cũng xuất hiện. Ban đầu ở Lý Hòa chỉ đóng những con thuyền đơn giản buộc bằng mây, đóng thêm gỗ, trọng tải rất nhỏ. Ông tổ của nghề này là người thợ từ làng Hoàng Lao thuộc huyện Nghi Thức – Nghệ An di cư vào lập nghiệp ở đất Lý Hòa. Từ đó nghề đóng thuyền trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Lý Hòa. Trải qua quá trình phát triển, từ những kinh nghiệm tích lũy được và đòi hỏi của thực tiễn, những chiếc thuyền thô sơ không còn đủ sức chống chọi với bão tố được nữa buộc nghề đóng thuyền ở Lý Hòa phải có một sự chuyển biến về chất.

Mùa đóng thuyền ở Lý Hòa bắt đầu từ tháng 8 kéo dài đến tháng 10, tháng 11, lúc đầu chỉ là những con thuyền đơn giản bằng tre rồi dần dần phát triển lên thành những con thuyền gỗ, to, chắc, đẹp. Để đóng được một chiếc thuyền đi biển thì khâu quan trọng là chuẩn bị nguyên liệu, có đầy đủ nguyên liệu rồi thì

phải mất khoảng 12 đến 15 ngày cho việc hoàn tất một chiếc thuyền. Gỗ, ván dùng cho việc đóng thuyền phải là gỗ tốt như lim, huỳnh, táu, hiện nay thường sử dụng thêm gỗ mít ròng hoặc gỗ mu, ván bằng gỗ chò, kiền kiền,... có thể chịu được nắng mưa, chịu được sự ăn mòn của nước biển.

Thông thường, người chủ thuyền khi đến đặt đóng thuyền thường phải bàn giao toàn bộ số gỗ, ván cùng các nguyên liệu cần thiết khác cho người thợ, sau đó giao toàn quyền cho thợ cả xử lý. Khi dựng thuyền, đầu tiên người thợ phải dựng lô thuyền. Lô thuyền là thanh gỗ dài uốn cong từ đầu và đuôi thuyền xuống dưới đáy. Có lô rồi người ta ép hai thanh gỗ dài gọi là cạp be, dày chừng 3cm, rộng khoảng 40cm vào hai đầu lô tạo thành mạn thuyền, từ đó khung xương bên ngoài của con thuyền đã được tạo thành. Nói có vẻ đơn giản, nhưng để có thể ép thanh gỗ cứng, thẳng theo hình dáng của chiếc thuyền đòi hỏi người thợ phải nắm rõ cấu tạo, tuổi gỗ và có tay nghề cao.

Có lô thuyền và cạp be rồi, người thợ sẽ tiến hành đan nan để ép vào mạn thuyền. Nan thuyền phải làm từ tre già, có chất lượng tốt. Nan đan thành tấm dày khoảng 0,5cm, sau đó ép vào mạn thuyền, quy trình này được gọi là “ập khẩu”. Ập khẩu hoàn tất, người ta sẽ chùi lên nan một lớp phân bò, chờ khi phân bò khô sẽ đổ nhựa đường hoặc dầu phủ lên trên, có như vậy, nan mới đủ độ bền chống chọi với sự ăn mòn của nước biển. Nhờ vậy tuổi thọ của nan khá cao, cứ khoảng 7, 8 năm chủ thuyền mới thay nan một lần... Khi con thuyền hoàn tất, người thợ giao cho chủ thuyền và nhận tiền công, đồng thời được mời tham gia một nghi thức quan trọng là lễ hạ thủy con thuyền. Lễ hạ thủy được tổ chức vào ngày lành tháng tốt, nhất thiết không được thiếu phần tế lễ. Chủ thuyền dựng một mâm lễ ở giữa biển, ngay trước mũi thuyền đang chuẩn bị được hạ thủy, thắp hương cầu khấn mong bà Thủy phù hộ làm ăn được no ấm, sau đó huy động thanh niên trai tráng đẩy thuyền xuống bãi biển, thuyền trượt xuống càng êm, chủ thuyền càng vui mừng bởi họ tin rằng như thế thì đi biển mới thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang.

Đây cũng là một nghề đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để đóng cho được con thuyền có thể vào lộng ra khơi, vào Nam ra Bắc với tốc độ được cao, nhanh bình thường cũng như trong giông tố bão bùng. Nghề này cũng đòi hỏi sự sáng tạo để

làm sao cho hình dáng chiếc thuyền được cân đối, khỏe – đặc biệt hình dáng thuyền Lý Hòa có nét riêng, khác với thuyền lớn nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc.

Trước đây với kỹ thuật mang tính chất thủ công và tự phát vì thế quy mô đóng thuyền của làng Lý Hòa không lớn lắm, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Hiện nay, Lý Hòa có trên 100 thuyền đánh bắt gần bờ. Chi phí đóng mỗi chiếc thuyền khoảng từ 20 – 25 triệu đồng, trong đó khoảng 3,5 triệu đồng tiền công. Những năm gần đây vật giá leo thang, giá xăng dầu càng cao khiến ngư dân thêm khốn đốn, nên các xưởng đóng thuyền của Lý Hòa bây giờ chỉ đóng những thuyền có trọng tải nhỏ để khai thác gần bờ, thêm vào đó là sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã cho ra đời những con thuyền máy với công suất vượt trội đã làm cho nghề đóng thuyền truyền thống của Lý Hòa gặp không ít khó khăn. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nghề đóng thuyền hiện nay không còn hưng thịnh như ngày trước, người thợ đóng thuyền cũng ít công việc hơn, thu nhập từ nghề nghiệp không đủ trang trải cuộc sống. Từ vị thế là một nghề chính, đóng thuyền dần trở thành nghề phụ.

Ngoài đóng thuyền, ở Lý Hòa còn có một số nghề thủ công khác như đan lưới, làm lưỡi câu, làm chà, dệt vải, khai thác vật liệu xây dựng, mộc, nề dân dụng, sơ chế hải sản,... Mặc dù không mang lại giá trị kinh tế cao nhưng các nghề này đã hỗ trợ đắc lực cho nghề đánh bắt hải sản.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 46 - 48)