Miếu thờ Thiên thần Yana – một di sản văn hóa Chăm

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 65 - 70)

CHƯƠNG 2: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH

2.1.4. Miếu thờ Thiên thần Yana – một di sản văn hóa Chăm

Tại thôn Trung Hòa, làng Lý Hòa – xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện còn có một ngôi miếu thờ nữ Thiên thần Yana, người Việt gọi

là bà Chúa Ngọc. Đó là thông tin ít ỏi được lưu truyền qua thế hệ này đến các thế hệ khác của dân làng.

Bà Thiên Yana hay bà Chúa Ngọc là tên gọi của người Việt đối với nữ Thần Yang Poh Nagar (Poh Nagar) của người Chăm. Trong lịch sử “Yang Poh Inư Nagar” được xem là Mẫu, là Mẹ của người Chăm, vì “Yang” nghĩa là thần,

“Poh” là tôn kính, “Inư” là Mẫu, là Mẹ, “Nagar” là xứ sở, đất nước. Theo truyền thuyết của người Chăm, Yang Poh Inư Nagar do bọt biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến nước Yatran ở cửa sông Kauthara (nay là sông Cù, tức là sông Cái – Nha Trang). Đó là một ngày mà trời nổi giông bão, sấm chớp sáng lòa, nước ở trên rừng đổ về chảy ào ạt thành những dòng sông lớn và núi cũng cúi mình xuống để đón bà Yang Poh Inư Nagar giáng trần. Khi bà bước lên bờ, rừng cây cong xuống tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến hát mừng và cỏ hoa nở rộ rực rỡ, khoe sắc muôn màu, tỏa hương thơm theo mỗi bước chân bà. Yang Poh Inư Nagar đi đến đâu dùng phép thuật hóa ra những xóm làng, cung điện nguy nga, cây lúa, cây bắp và cả loại gỗ quý Kỳ Nam (trầm hương) làm cho xứ sở trần gian thêm trù phú. Yang Poh Inư Nagar được xem là nữ thần Mẹ xứ sở là biểu tượng che chở cho cuộc sống bình yên của muôn loài.

Sau khi người Việt đến định cư vùng đất Nam Hoành Sơn (đèo Ngang), nơi vốn đất của người Chăm sinh sống, tôn trọng tâm linh và tín ngưỡng của người Chăm, người Việt đã lưu giữ phong tục thờ cúng thiêng liêng đối với nữ thần Yang Poh Inư Nagar, tiếp tục coi bà là Mẹ xứ sở của mình. Người Việt đã Việt hóa truyền thuyết nữ thần Yang Poh Inư Nagar thành nữ Thiên thần Yana. Truyền thuyết về Thiên Yana ở mỗi địa phương người Việt có đôi nét khác nhau nhưng đều có nội dung cốt lõi câu chuyện giống nhau. Truyền thuyết kể rằng:

Ngày xưa, tại núi Đại An (tức Đại Điền ngày nay) có hai vợ chồng tiều phu già không con cái sinh sống, vỡ đất làm rẫy trồng dưa nơi triền núi. Cứ mỗi mùa dưa, quả nào chín đều bị mất trộm. Một hôm, ông lão bắt được thủ phạm. Khi biết kẻ hái trộm dưa là cô gái nhỏ nhắn, hiền lành, xinh đẹp nhưng lại mồ côi, ông đưa về nhà làm con nuôi, hai ông bà lão không có con nên xem cô gái như con đẻ, vì thế ông, bà lão biết được cô gái vốn là tiên nữ giáng trần. Một hôm

mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều, buồn bã, khiến tiên nữ nhớ cảnh tiên trên trời. Để xoa đi nỗi nhớ thương, cô gái lấy đá xếp thành hòn giả sơn (hòn non bộ). Nhận thấy việc làm lạ lùng của đứa con nuôi, ông tiểu rầy la cho rằng việc làm đó không thích hợp đối với con gái, nên người cha nuôi có nặng lời quở mắng. Đang buồn vì nhớ cảnh bồng lai, lại bị cha nuôi ngăn cấm không cho làm hòn giả sơn, cô gái càng thêm tủi khổ. Nhân lúc đó thấy một khúc gỗ Kỳ Nam (trầm hương) từ trên nguồn trôi đến, tiên nữ liền hóa thân biến vào khúc Kỳ Nam và để mặc cho dòng nước đưa đẩy trôi ra biển, sau một thời gian lênh đênh theo dòng nước, theo gió, khúc Kỳ Nam trôi đến đất Trung Hoa. Thấy khúc gỗ lạ dạt vào bờ, có mùi hương tỏa ra ngào ngạt, dân trong vùng kéo nhau đến, xúm vào khiêng nhưng không sao nhấc lên được. Thái tử Bắc Hải nghe tin đã đến xem và nhẹ nhàng vác khúc gỗ đem về cung đình. Một đêm nọ, Thái tử bỗng thấy một bóng người từ khúc gỗ Kỳ Nam bước ra ngoài. Sau mấy đêm theo dõi, Thái tử đã bắt được cô gái. Nghe cô gái xinh đẹp kể về thân phận của mình và tự xưng tên là Thiên Yana. Nghe xong, ngày hôm sau Thái tử tâu với vua cha xin cho mình được cưới cô gái làm vợ. Sống với Thái tử, nàng sinh được một con trai đặt tên là Trí và một con gái đặt tên là Quý.

Một hôm, nhớ quê hương, xứ sở nàng Thiên Yana bèn dắt hai con nhập vào khúc gỗ Kỳ Nam vượt biển trở về cố quốc. Cảnh cũ còn đây nhưng bố mẹ nuôi đã chết, đau buồn, thương nhớ, bà cho xây đắp lại mồ mả, sửa sang lại nhà cửa thờ phụng bố mẹ nuôi. Thấy dân chúng làng Đại An thật thà, chất phát nhưng cuộc sống nghèo khổ, bà đã đem những gì học được ở quê chồng như phép tắc, lễ nghi, nghề nông chỉ dạy cho dân làng cày đất trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải... dân Đại An ngày một no đủ, giàu có. Đến một ngày nọ, một con chim Hồng Hạc từ trên trời cao bay xuống rước bà cùng hai con về cỏi tiên. Nhớ ơn đức bà, người dân làng Đại An và trong vùng xây tháp, tạc tượng phụng thờ. Tại xứ Bắc Hải, Thái tử sau khi mất vợ, ngày đêm buồn rầu, thương nhớ không nguôi bèn kéo quân vượt biển đi về Phương Nam tìm vợ. Đến Đại An, không tin vợ và hai con đã theo chim Hồng Hạc về Trời, Thái tử đã cho quân lính bắt bớ, tra khảo dân làng. Bị oan ức và đau đớn, dân chúng đã thắp hương cầu khấn, xin bà về cứu hộ. Lời khẩn cầu đó đã lên đến trời xanh, phút chốc một trận cuồng phong

nổi lên, cát, đá bay mù mịt cuốn phăng bọn người từ phương Bắc và cả đoàn tàu thuyền nhấn chìm xuống sông Cái. Theo lời người xưa kể lại thì những cụm đá trước cửa Tháp bà (tức tháp Poh Nagar ở Nha Trang) giữa sông Cái là những tảng đá đánh chìm đoàn thuyền Thái tử xứ Bắc Hải [29;nguồn Lý Hòa.net].

Hai truyền thuyết của hai dân tộc Chăm và Việt về Poh Nagar - Thiên Yana tuy có phần khác nhau về dị bản nhưng đó là đặc trưng của dòng văn học dân gian. Ở truyền thuyết của người Chăm, nữ thần Poh Nagar phản ánh tâm tư mối quan hệ xã hội mẫu hệ mà hạt nhân cơ bản vẫn là sự tôn thờ người đã có công lao, có uy tính, người bảo vệ, che chở cho muôn loài. Với người Việt, nữ Thiên thần Yana là hình tượng biểu hiện tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước khát vọng sống trong hòa bình, tinh thần chống ngoại xâm... Có lẽ vì thế, tín ngưỡng thờ thần Poh Nagar của người Chăm đã được người Việt tiếp nhận và Việt hóa để nó trở thành tài sản văn hóa tinh thần của hai dân tộc Việt - Chăm.

Tại làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, sự tích về miếu thờ Thiên Yana (còn gọi là bà chúa Ngọc) kể rằng: vào thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái, năm Canh tý 1729 một đoàn ghe bầu gồm 9 chiếc của làng Lý Hòa chở hàng từ Sài Gòn – Gia Định về Quảng Bình. Trên đường ra Bắc, đoàn ghe bầu đến ngang bờ biển tỉnh Khánh Hòa, bỗng nhiên trời lặng gió, cũng vừa lúc trời xẩm tối. Thấy không thể tiếp tục cuộc hành trình, sau khi tham khảo ý kiến các chủ ghe, các thuyền chụm lại thả neo nấu cơm ăn và đợi có gió đi tiếp. Theo thường lệ, toàn bộ thủy thủ đoàn đi nghỉ, mỗi ghe chỉ để lại hai người trực gác xem trời mây, gió, nước và canh chừng bọn tàu ô (cướp biển người Trung Quốc) lên ghe cướp hàng. Lúc này vào trung tuần tháng tư âm lịch, gió thanh, biển lặng, trời đầy sao, đang lúc những người trực canh chụm đầu ngồi uống nước chè xanh, bỗng từ trong đất liền có một cái lốt (tựa như sao băng) sáng rực bay thẳng ra biển đậu xuống đầu mũi một chiếc ghe bầu trong đoàn. Hai người trực canh trên ghe nhìn thấy sự lạ, ai nấy đều hoảng sợ, kêu không thành tiếng chỉ biết đứng nhìn nhau... Sau khi hoàn hồn, hai người trực canh nhìn về phía mũi ghe, thấy một người con gái mặc bộ áo quần trắng, một tay xách chiếc giỏ mây, tay kia cầm chiếc nón lá đi từ đầu mũi ghe đến cột buồm lòng (cột buồm chính giữa ghe). Cô gái vừa đi vừa gọi: “bầu ơi bầu về miền Trung cho ta về

Quảng Bình với”, nói xong cô gái quay trở lại ngồi xuống đầu mũi ghe. Ngỡ mình nhìn nhầm, nghe nhầm trong cơn hoảng sợ, hai ông trực canh vội gọi mọi người dậy xem thực hư thế nào? Theo tay người trực, mọi người nhìn thấy cô gái xin đi nhờ đang ngồi nhìn biển, trời, mây nước... Ông chủ ghe sau giây phút bàng hoàng đã bình tĩnh trở lại, hai tay bưng gáo nước chè, ông từ từ bước tới nơi cô gái đang ngồi và quỳ xuống mời cô gái uống nước. Cầm gáo nước chè trên tay, cô gái nói: “ta là Thiên Yana, chủ bầu cho ta đi về miền Trung, Quảng Bình”, cô gái cũng bảo trời đã nổi gió, gọi các bạn ghe kéo neo, thả buồm đi cho kịp. Gió thổi ngày càng mạnh, buồm no gió, đoàn ghe bầu nhằm hướng Bắc thẳng tiến. Suốt cả chặng đường dài từ Nha Trang về Quảng Bình, cô gái “đi nhờ” vẫn ngồi lặng lẽ trên sọ mũi chiếc ghe bầu đi đầu... Sau hai ngày đêm vượt biển, đoàn ghe bầu về tới biển làng Lý Hòa, thủy thủ các ghe lăn buồm, thả neo, đốt hương, vàng mã nổ pháo mừng chuyến đi xa về an toàn, thắng lợi. Lúc này cô Thiên Yana đứng dậy cảm ơn bầu đã cho đi nhờ về Quảng Bình, vừa dứt câu nói, từ người cô gái bỗng có một tia sáng lóe lên vụt bay vào ngay bãi đất hoang sát bờ biển thôn Trung Hòa. Ngay sáng ngày hôm sau khi được các chủ ghe bầu, thủy thủ đoàn và những người trong thôn... trình lại sự việc: vị nữ Thiên thần Yana xin đi nhờ về Quảng Bình và vệt sáng từ biển bay vào bờ. Hội đồng hương Lý, ông cai xạ và các chủ ghe, thủy thủ đoàn... tìm tới nơi tia sáng đáp xuống đất. Mọi người vô cùng ngạc nhiên, quả thật giữa bãi đất hoang cây lau sậy và cỏ dại mọc um tùm có một vạt cỏ đổ rạp, lá úa vàng. Thấy đây là là điềm lành, cơ duyên, điểm phúc cho dân làng, làng liền cho lập bàn thờ và giao cho dân thôn Trung Hòa sớm ngày lo thắp hương cúng thần. Để có nơi thờ thần vững chãi, tránh mưa bão, lụt lội, các chủ ghe bầu đã vận động các lái bạn, vạn chài và dân làng đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, xây miếu thờ bà Thánh Mẫu Thiên Yana. Ngôi miếu thờ được xây ngay vùng đất giữa thôn Trung Hòa, miếu thờ rộng ba gian, cột bằng gỗ lim, tường bao quanh bằng gạch Bát Tràng được các chủ ghe bầu mua từ Nam Định về, trước miếu có cổng tam quan, bốn trụ biểu, bức bình phong...

Hàng năm vào những ngày lễ xuân thủ, lễ đại trường câu, lễ cầu mùa... trước khi vào lễ, dân làng tổ chức lễ rước bà Thiên Yana ra đình làng nhập thần... Sau lễ làng lại tổ chức rước bà về lại miếu thờ và tại vị chờ đến lễ năm sau. Đối

với lễ bà, cứ vào các ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch cùng với nhân dân nhiều tỉnh ven biển miền Trung, nhân dân Lý Hòa tổ chức lễ hội dâng hương Thánh Mẫu Thiên Yana. Đây là lễ hội tâm linh đặc biệt được tổ chức duy nhất đối với “Mẹ xứ sở” nữ thần phù hộ cho người dân làng Lý Hòa. Hiện di tích miếu bà chỉ còn nền móng trụ biểu có chu vi 1m2 được xây bằng đá, toàn bộ miếu thờ, tượng bà đã bị bom Mỹ phá sập trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Sau năm 1975, để có nơi thờ tự, nhân dân trong thôn đã vận động, quên góp tiền, công sức xây lại, tuy vậy miếu bà hiện tại có quy mô rất nhỏ cả về kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật... Tuy nhiên gần đây, nhân dân làng Lý Hòa trong và ngoài nước mong muốn nên xây dựng lại miếu bà xứng với tầm vóc vốn đã có trong lịch sử. Ban công tác mặt trận thôn Trung Hòa đã và đang tập trung tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử miếu bà để làm cơ sở cho việc thiết kế, xây dựng lại.

Với những giá trị về lịch sử và tâm linh, các vua nhà Nguyễn đã ban phong sắc cho miếu thờ Thiên Yana của làng Lý Hòa. Theo tập thần tích – thần sắc, làng Lý Hòa, tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình do ông Nguyễn Châu, hiệu trưởng trường tiểu học Lý Hòa biên soạn năm 1937 có ghi: ngày 20 tháng 02 năm Thành Thái thứ hai (1890) “Sắc Quảng Bình tỉnh, Bố Trạch huyện, Lý Hòa thôn, phụng sự Thiên Yana, diễn ngọc phi tôn thần, hộ quốc tì dân, nậm trứ linh ứng, hướng lai vi mông, ban cấp sắc văn, tứ kim phi thừa cảnh mạng, diếu niệm thần hưu, tước phong vi hoằng huệ, phổ tế linh cảm diệu thông, mặc tướng huy, Dực bảo trung hưng, Thượng đẳng thần, đặc chuẩn y cựu phụng sự, thần kỳ tướng hữu, bảo ngã lê dân – khâm tai”. Ngày 25 tháng 07, năm Khải Định thứ chín (1924) lại có sắc phong với nội dung gần như sắc phong ở trên:

“Nguyên tặng Hoằng Huệ, Phổ tế linh cảm diệu thông, mặc tướng tranh huy, Dực bảo trung hưng, Thượng đẳng thần”

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 65 - 70)