Lý Hòa trong những năm dưới chế độ thực dân phong kiến

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 101 - 106)

CHƯƠNG 2: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH

2.4.3.1. Lý Hòa trong những năm dưới chế độ thực dân phong kiến

Tình hình Lý Hòa trước khi có Đảng

Về chính trị: chúng thi hành chính sách cai trị độc đoán, tàn bạo, đàn áp khủng bố phong trào dân tộc của nhân dân ta, thi hành chính sách chia để trị nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Về kinh tế: đẩy mạnh khai thác tài nguyên, bốc lột sức lao động, biến nước ta thành nơi cung cấp nguyên liệu thị trường, cột chặt lệ thuộc kinh tế nước ta vào kinh tế Pháp. Sự đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp đã làm cho các ngành thủ công truyền thống của nước ta bị phá sản.

Tại Bố Trạch, thực dân Pháp đã thiết lập một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ huyện đến xã, thôn. Chúng chia Bố Trạch thành 5 tổng: Cao Lao, Hà Bạc, Hoàn Lão, Hoàn Phúc, Tổng Sen. Đứng đầu huyện là quan tri huyện, ở tổng có chánh tổng, phó chánh tổng, ở xã có Lý trưởng, phó lý. Mỗi làng, thôn ngoài vị quan đứng đầu làng còn có bộ máy giúp việc hương lý còn gọi là “Ngũ hương”

Nằm trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước của huyện Bố Trạch, thôn Lý Hòa cùng với các thôn Thanh Hà (xã Thanh Trạch), thôn Quy Đức (Đức Trạch), phường Hiền Sơn (xã Phú Trạch), thôn Lý Nhơn Nam và Lý Nhơn Bắc (xã Nhân Trạch và Đại Trạch) chuyên sống dựa vào “sông nước”... đều nằm trong tổng Hà Bạc. Các làng của tổng Hà Bạc tuy mang tính đặc thù riêng về nghề nghiệp nhưng đều chịu chung chính sách cai trị của thực dân pháp, mọi quyền lợi dân sinh, dân chủ của người dân Lý Hòa bị chính quyền thực dân và phong kiến hạn chế hoặc thủ tiêu.

Làng Lý Hòa là một làng thuần biển, người dân lấy nghề đánh bắt hải sản biển và nghề vận tải đường biển, nghề buôn bán làm nghề chính ngoài ra có một số nghề phụ như đóng thuyền, chế biến nước mắm, làm ruốc, làm mắm, cá khô... Tuy rằng “biển cả, mạ chung”, ai cũng có quyền hưởng thụ, được ra biển đánh cá nhưng thực tế, ngư dân Lý Hòa có tới trên 90% là nghèo khó, không có tiền bạc, tài sản để mua sắm thuyền câu, ngư cụ, ghe bầu để đi biển đánh cá và buôn

bán... nên phải đi làm thuê cho các vạn chài và các ông chủ ghe bầu. Xét về thực chất biển cả bao la vẫn thuộc về những người lắm tiền, nhiều của giàu có. Người ngư dân muốn đi biển, ra khơi đánh bắt con cá, con mực... về “nuôi vợ, nuôi con” thì phải đi xin, cầu cạnh các chủ thuyền mới được nhận cho đi biển. Đối với những người không có hoặc ít có kinh nghiệm nghề biển lại càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm, cho nên cuộc sống gia đình đã cùng cực, càng cùng cực hơn. Sống trong điều kiện xã hội một làng biển như vậy, người có thuyền câu, ghe bầu càng nhanh giàu có, họ không chỉ đủ sức để mua sắm thuyền to, ghe lớn mà có người giàu bỏ ra hàng ngàn quan tiền mua hàng trăm mẩu đất, ruộng lúa ở Đồng Cao, Hỷ Duyệt, Hoàn Phúc, Vạn lộc, Trung Nẫm (Cự Nẫm) thuê người cày cấy, gặt hái mỗi năm thu về hàng ngàn thúng lúa. Cũng như tình hình chung của cả nước ta, ở làng Lý Hòa sự phân hóa giữa người giàu, kẻ nghèo rất rõ ràng, ai giàu cứ giàu, ai nghèo cứ nghèo, đời sống của người nghèo ngày một bần hàn, cơ cực hơn mà thôi.

Sống dưới chế độ thực dân phong kiến, người dân Lý Hòa không chỉ bị bóc lột lao động hết sức nặng nề, quanh năm đầu tắt mặt tối “bán mặt cho biển, bán lưng cho trời”, mạng sống phó thác cho biển cả mà làm vẫn nghèo vẫn hoàn nghèo. Vậy mà, còn phải chịu thêm cảnh thuế khóa, phu phen tạp dịch hết sức nặng nề, chính vì thế cuộc sống càng thêm cơ cực... Hàng năm, người dân phải đóng rất nhiều loại thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế điền thổ, thuế đò,... thuế “đảm phụ quốc phòng” 100 đồng/người, “bảo hiểm chiến tranh” 100 đồng/người, “thuế tản cư” 20 đồng/người, “thuế thuyền sách” 200 đồng/thuyền. Tàn nhẫn nhất trong các loại thuế có thuế đinh, đánh vào dân đinh từ 18 đến 60 tuổi. Mỗi xuất thuế đinh được chúng quy định 3,6 đồng cộng với các khoản phụ thu khác thành 4 đồng... ngoài ra lợi dụng việc thu thuế cho nhà nước, bọn quan lại hương lý, địa phương nhân cơ “đục nước, béo cò” tự ý đặt ra các loại lệ phí riêng, bắt dân đóng góp tiền của để chúng ăn chơi trong các dịp hội hè, lễ, tết.

Sống dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, người dân Lý Hòa luôn bị kiểm soát, kiểm tra gắt gao. Mọi quyền dân chủ, tự do như đi lại, hội họp, làm ăn... đều bị chúng kiểm soát chắt chẽ, thậm chí còn bị cấm đoán. Những lễ giáo, tập tục có từ lâu đời nay đều bị chúng lợi dụng, triệt để khai thác phục vụ cho

mưu đồ ngu để trị và chính sách khai thác thuộc địa. Biển cả là của chung nhưng chúng dùng quan hệ chủ, tớ để chi phối, điều hành, phân phối quyền lợi và luôn đảm bảo lợi ích phần nhiều cho chủ vạn, chủ ghe bầu. Thuế khóa thu được chúng tìm cách xà xẻo, tham nhũng cho đầy túi tham.

Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp: chuyên chế về chính trị, tàn bạo và thâm độc trong kinh tế - xã hội đã làm cho nền kinh tế tiểu thượng tiểu ngư làng Lý Hòa vốn nghèo nàn, lạc hậu thêm điêu đứng và càng đẩy nhanh cuộc sống của người dân đi vào con đường cơ cực, đói khổ, bần cùng.

Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên đã dẫn đến sự phân hóa giai tầng xã hội trong làng Lý Hòa khá sâu sắc và nhanh chóng.

Ngư dân Lý Hòa chiếm trên 90% dân số của làng. Họ cần cù lao động, đêm ngày bám biển đánh bắt cá, tôm... làm ra một lượng lớn thực phẩm cung cấp cho xã hội và trao đổi, buôn bán đưa về một lượng lớn lương thực nuôi sống gia đình và cộng đồng dân cư ở địa phương. Người dân chỉ là người làm thuê, không có tài sản, công cụ lao động, cuộc sống luôn trong cảnh đói nghèo khổ, lại bị thực dân, phong kiến thống trị và bóc lột tàn bạo. Chính vì vậy, nhân dân Lý Hòa hết sức căm thù chế độ thực dân, phong kiến tận xương tủy và mong ước được đổi đời, họ chỉ chờ có cơ hội là đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến để giải phóng cuộc đời nô lệ. Vì vậy, khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, người dân Lý Hòa một lòng đi theo Đảng làm cách mạng đến cùng.

Tầng lớp công chức, giáo viên, tiểu thương, chủ ghe bầu... chiếm số lượng không lớn, họ tham gia bộ máy nhà nước, làm nghề dạy học, buôn bán nhỏ, vận tải thuê... Tuy vậy đây là lực lượng có một trình độ văn hóa và do gắn với nghề nên họ có tính linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén trong tiếp cận và tiếp thu cái mới, vượt qua những tồn tại, hạn chế của xã hội. Mặt khác họ là những người nhận thấy rõ bộ mặt thật và những chính sách thống trị đầy tàn bạo của chế độ thực dân, phong kiến.

Nằm trong bối cảnh chung của đất nước và dân tộc, người dân Lý Hòa dù ở giai tầng xã hội nào đa số là người lao động, cuộc sống chịu nhiều áp bức bất công vì vậy khi được tiếp thu những tư tưởng mới, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê

nin, họ rất nhiệt tình, tích cực tham gia đi theo Đảng Cộng sản làm cách mạng đến cùng.

Phong trào yêu nước và cách mạng ở Lý Hòa trước năm 1945

Năm 1929, đứng trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam và trong tình hình hoạt động ngày càng mạnh mẽ của hai tổ chức Đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ. Nội bộ Đảng Tân Việt có sự phân hóa sâu sắc, các Đảng viên có tư tưởng cách mạng đã đấu tranh đòi chuyển hóa Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, thực hiện nghị quyết của Trung ương, các xứ ủy Bắc Kỳ - Trung Kỳ - Nam Kỳ được thành lập làm nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh do kỳ bộ quản lý. Ngày 22/4/1930, đồng chí Lê Viết Lượng ra Quảng Bình và đến ga Bố Trạch tổ chức cuộc họp các Đảng viên chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Tại cuộc họp này các đại biểu nhất trí chính thức chuyển chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ có 3 đồng chí: Điện, Nguyễn Trọng Di (Ga), Dương Đình Dư (Giáo Duyệt) do đồng chí Điện làm bí thư. Chi bộ Đảng Cộng sản “Ga Bố Trạch” thành lập, đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Bố Trạch và trên đất Quảng Bình. Việc chi bộ Đảng Cộng sản “ga Bố Trạch” thành lập đánh dấu bước trưởng thành của những người Cộng sản và phong trào cách mạng ở Bố Trạch nói riêng và của tỉnh Quảng Bình nói chung trong tiến trình phát triển chung của cách mạng cả nước. Tháng 8/1930, đồng chí Lê Viết Lượng trở lại Bố Trạch kiểm tra tình hình, bổ khuyết cho phong trào cách mạng và những hoạt động của chi bộ “ga Kẻ Rẫy”. Đến Bố Trạch lần này, đồng chí Lê Viết Lượng xuống Lý Hòa nắm lại tình hình các cơ sở cách mạng mà đồng chí trực tiếp xây dựng trong năm 1929, tại đây đồng chí Lê Viết Lượng quyết định thành lập ở Lý Hòa một tổ Nông hội đỏ gồm đồng chí Nguyễn Phương cơ sở nồng cốt và hai cơ sở còn lại thành một tổ ba người. Đây là tổ Nông hội đỏ đầu tiên của làng Lý Hòa, của huyện Bố Trạch và trên đất Quảng Bình. Tháng 9/1930, chi bộ “ga Kẻ Rẫy” kết nạp đồng chí Nguyễn Phương vào Đảng. Từ một ngư dân chủ ghe bầu yêu nước, được giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Phương đã trở thành Đảng viên

Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là hạt giống đỏ đầu tiên của làng Lý Hòa, đưa Lý Hòa sớm trở thành một trong những cái nôi cách mạng ở Quảng Bình.

Lý Hòa một làng biển của huyện Bố Trạch, mặc dù từ năm 1930 là một trong những địa phương đầu tiên ở Quảng Bình có cơ sở cách mạng, có Đảng viên trong chi bộ Đảng Cộng sản “ga Kẻ Rẫy”, có tổ chức “Nông hội đỏ” đầu tiên trên đất Quảng Bình nhưng cũng phải chịu đựng những hậu quả nặng nề do thực dân Pháp gây ra.

Tại làng Lý Hòa, sau vụ thực dân Pháp ở Quảng Bình tổ chức khủng bố lùng bắt các đồng chí Đảng viên chi bộ Đảng “ga Kẻ Rẫy” và khủng bố, đánh phá phong trào cách mạng. Các đồng chí Đảng viên, hội viên Nông hội đỏ làng Lý Hòa bị mất liên lạc với tổ chức Đảng cấp trên, nên không tiếp tục xác định được phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động, dẫn đến không giữ vững được cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng và phong trào. Do đó, phong trào cách mạng ở Lý Hòa tạm thời lắng xuống trong suốt thời gian dài từ năm 1932 đến năm 1943.

Sau khi nghị quyết VIII của Trung ương đến với Quảng Bình, cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, phong trào cách mạng ở Lý Hòa lúc này như nắng hạn lâu ngày gặp mưa, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng trong quần chúng nhân dân nhất là trong tầng lớp thanh niên lần nữa được khơi dậy mạnh mẽ, nhanh chóng bắt kịp sự phát triển phong trào của cả tỉnh. Với bản chất của người Lý Hòa luôn “nhìn ra biển lớn”, năng động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh nhạy trong nắm bắt những tư tưởng và việc làm mới, lúc này đã có nhiều thanh niên như chị Nguyễn Thị Hường, Phan Khắc Diến, Đặng Gia Hy tìm đến với Việt Minh. Chị Nguyễn Thị Hường một cô gái nhỏ nhắn, hằng ngày gánh cá, nước mắm... đi đến các làng, thôn nông nghiệp Hoàn Lão, Hoàn Phúc, Vạn Lộc... bán, mua. Từ trong cuộc sống mưu sinh đó, chị Hường đã được đồng chí Dương Đình Dư Đảng viên Cộng sản năm 1930, móc nối, giáo dục về lòng yêu nước, truyên truyền về điều lệ, chính cương của mặt trận Việt Minh, từ đó chị Hường đã trở thành cơ sở cách mạng của Việt Minh huyện Bố Trạch.

Đầu năm 1944, các cơ sở Việt Minh ở làng Lý Hòa được thành lập, mặc dù chưa có sự lãnh đạo thống nhất nhưng trên tinh thần nghị quyết VIII của ban chấp hành Trung ương Đảng và đứng trước nạn đói đang diễn ra. Các cơ sở Việt

Minh làng Lý Hòa đã kịp thời nắm bắt chủ trương của cấp trên, chủ động, sáng tạo đề ra các biện pháp thích hợp vận động, kêu gọi, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia phong trào cứu đói. Hoạt động này bước đầu hình thành nên một lực lượng chính trị, tạo tiền đề để khi có thời cơ cách mạng đến thì phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền

Đêm 22 rạng sáng ngày 23/8/1945, cùng với nhân dân cả tỉnh Quảng Bình, nhân dân Lý Hòa không ngủ, lúc này mọi người từ già đến trẻ, gái đến trai hừng hực khí thế quyết đứng dậy “đem sức ta, giải phóng cho ta”. Đội tự vệ xung kích làng Lý Hòa gồm 16 người do đồng chí Phan Khắc Diến chỉ huy đi theo sự dẫn đường của hai anh Tá và Tửu vượt gần 6km đường tập kết tại khu vực nghĩa địa làng Hoàn Lão chờ lệnh.

Trước khí thế cách mạng sôi sục của quần chúng, ủy ban khởi nghĩa của huyện quyết định giờ khởi nghĩa sớm hơn kế hoạch 4 giờ. Đúng 1 giờ sáng, ngày 23/8/1945 lệnh khởi nghĩa được phát đi. Theo kế hoạch và nhiệm vụ được giao, tự vệ xung kích từ các hướng tiến về trung tâm huyện đường Hoàn Lão.

Bao vây các trụ sở cơ quan hành chính và quân sự của bộ máy nhà nước phong kiến Nam triều. Trong lúc đó quần chúng ở các nơi từ bốn phía lần lượt tiến vào huyện, lị. Bọn quan lại khiếp đảm đầu hàng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập, kêu gọi toàn dân đoàn kết, ủng hộ chính quyền mới.

Đoàn người Lý Hòa tham gia khởi nghĩa và dự mít tinh ở huyện đường về làng, phấn khởi hô vang khẩu hiệu, tiếp tục các công việc như đã định.

Trước khí thế và sức mạnh của nhân dân, bộ máy hương lý ở làng không dám tỏ thái độ phản đối. Việc thu hồi con dấu và các giấy tờ diễn ra thuận lợi, không có sự chống đối trực diện. Dân chúng tỏ rõ thái độ phẫn nộ, uất ức vì những thái độ hống hách vừa qua của bộ máy cũ nhất là với Lý trưởng của làng. Tuy nhiên, với lượng khoan hồng, nhân dân đã có sử lý đúng mức. Cùng với nhân dân cả nước, toàn tỉnh, toàn huyện từ ngày 23/8/1945, dân Lý Hòa đã bước sang cuộc đời mới.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 101 - 106)