Hôn nhân gia đình

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 84 - 88)

CHƯƠNG 2: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH

2.2.3. Hôn nhân gia đình

Hôn nhân của người Việt Nam truyền thống không chỉ là việc hai người kết hôn mà là việc hai bên cha mẹ, hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái. Phong tục này xuất phát từ quyền lợi của cộng đồng mà trước hết là quyền lợi của gia tộc để duy trì nòi giống. Vấn đề hôn nhân của con cái kéo theo xác lập quan hệ qua lại giữa hai gia đình. Vì vậy trong hôn nhân, việc đầu tiên chưa phải là lựa chọn một cá nhân cụ thể mà là lựa chọn một gia đình, một dòng họ xem nhà cửa có tương xứng không. Tức là xem gia đình thân thuộc hai bên có cân đối, phù hợp với nhau không. Bởi vậy ngày xưa hôn nhân là việc rất thận trọng trong việc đi hỏi vợ cho con, không chỉ duy trì nòi giống mà người con tương lai còn có trách nhiệm với gia đình của mình. Con gái phải đảm đang tháo vát đem lại nguồn lợi vật chất cho gia đình chồng, con trai phải giỏi giang đem lại vẻ vang cho gia đình nhà vợ:

“Chồng sang vợ được đi giày

vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông”.

Hoặc:

“Trai khôn kén vợ chợ đông,

gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân...”

Cũng như nhiều nơi khác thời phong kiến ở Lý Hòa hôn nhân nam nữ phải qua “lục lễ” (6 lễ). Ngày nay được kết hợp lại chỉ còn 3 lễ: lễ dạm ngõ, lễ rước dâu và lễ cưới (thành hôn).

Lễ dạm ngõ (lễ vấn danh): Trong đám cưới truyền thống trước khi diễn ra lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ phải mang trầu cau tới nhà gái để làm thủ tục dạm ngõ để ngỏ lời về mối quan hệ chính thức giữa đôi nam, nữ hai nhà. Nói cách khác lễ dạm ngõ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình để nhà trai chính thức đặt vấn đề xin nhà gái cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi quyết định đi đến hôn nhân và đây cũng là một cách ứng xử văn hóa để cha mẹ hai bên tìm hiểu về hoàn cảnh, điều kiện, gia phong của nhau. Từ những hiểu biết chuyện trò ban đầu này hai gia đình sẽ quyết định tới hôn nhân của đôi uyên ương. Lễ dạm ngõ trước đây thường diễn ra vào buổi tối, nhưng ngày nay thì khác, chỉ cần chọn ngày giờ hoàng đạo, hợp tuổi chú rể, cô dâu là được. Lễ vật trong ngày dạm ngõ

theo truyền thống chỉ cần trầu cau và chè với số lượng chẵn. Tuy vậy, đây vẫn là lễ nghi quan trọng không thể bỏ trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt nói chung và cư dân Lý Hòa nói riêng vì lễ dạm ngõ là nghi lễ khởi đầu cho một loạt các nghi thức sau đó. Thành phần tham dự trong ngày dạm ngõ chỉ bao gồm cô dâu, chú rể và những người thân gần nhất của hai bên là bố mẹ chú rể và cả gia đình cô dâu. Cô dâu sẽ phải mặc áo dài trong buổi lễ này. Nghi lễ đón tiếp nhà trai cũng tương đối đơn giản, thân thiện, cởi mở. Nhà gái chuẩn bị sẵn trà, thuốc lá, trầu cau, trái cây. Đoàn nhà trai sẽ được chào đón niềm nở và mời uống trà thơm, ăn trái cây. Sau đó nhà trai sẽ trao lễ vật và nhà gái mang đặt lên bàn thờ gia tiên, nghi lễ dạm ngõ coi như hoàn tất. Từ lễ dạm ngõ đến lễ ăn hỏi không có khoảng thời hạn nhất định, tùy theo gia đình nhà trai và nhà gái định đoạt có khi tròng vòng 3 tháng, nửa năm, hay cả năm trời. Sau ngày lễ dạm ngõ nhà trai thường lui tới nhà gái vào những dịp lễ, tết và mang lễ vật đến để cúng lễ. Sau khi buổi lễ kết thúc nhà gái có thể làm cơm thiết đãi nhà trai, để hai nhà có thêm thời gian chuyện trò.

Lễ ăn hỏi: Nếu sau lễ dạm ngõ mà mọi việc đều tốt đẹp giữa hai bên, nhất là gia đình nhà trai hoàn toàn ưng thuận nàng dâu tương lai thì lễ ăn hỏi sẽ được tiến hành. Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con. Thành phần tham gia đi lễ của nhà trai gồm có cha, mẹ, anh, chị em, cô, dì, chú, bác, chú rể và một số thanh niên bưng mâm quả hoặc bê tráp lễ vật. Lễ vật đưa tới nhà gái gồm 1 mâm xôi, 1 thủ lợn, 2 liền trầu, 2 buồng cau, 1 chai rượu, tiền dẫn cưới. Đón tiếp họ nhà trai có bố mẹ, những người thân của cô dâu và một số bạn gái chưa chồng để đón lễ vật của nhà trai. Cô dâu phải ngồi trong phòng cho đến khi nào chú rể hoặc cha mẹ gọi mới được ra. Nhà gái sẽ nhận lễ vật từ nhà trai và đặt một phần lên bàn thờ gia tiên. Gia đình nhà gái sẽ đứng bên phải bàn thờ, gia đình nhà trai đứng bên trái. Nhà gái lần lượt giới thiệu các thành viên trong gia đình, sau đó đến lượt nhà trai giới thiệu. Đôi trai gái ra mắt tổ tiên

bằng cách thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cô dâu, chú rễ sẽ mang trầu rượu đi mời ông bà, cha mẹ, cô, dì, chú, bác và cả khách khứa cả hai họ. Kế đến là nghi thức lên đèn, thắp hương báo cáo tổ tiên nhà gái. Đôi bạn trẻ sẽ đứng trước bàn thờ gia tiên theo thứ tự nam tả nữ hữu (nam trái nữ phải), nhưng chỉ có chú rể tương lai làm lễ. Làm lễ xong, chú rể xin phép đeo nhẩn đính hôn cho cô dâu. Kế đó mẹ chú rể trao cho nhà gái tiền dẫn cưới. “Quả” sẽ được chia bớt mỗi thứ một ít cho nhà trai gọi là “lại quả”. Số còn lại mang chia cho bà con hàng xóm để “biếu trầu” thông báo lễ ăn hỏi của đôi trai gái. Đặc biệt, cau trong ngày lễ ăn hỏi phải dùng tay xé chứ không được cắt bằng dao. Khi nhà trai nhận lại tráp để bê về thì phải để ngửa, không được úp tráp lại.

Lễ cưới: khi đã trải qua đầy đủ các lễ quy định thì nhà trai đến xin làm lễ cưới vợ cho chú rễ. Ngày cưới phải chọn ngày lành tháng tốt đối với tuổi cô dâu và chú rể bởi hôn nhân là việc đại sự “trăm năm chỉ có một ngày”. Trong lễ cưới, đầu tiên chú rể bưng khay trầu rượu có cắm cây đèn rồng màu đỏ giữa khay để sang nhà gái làm lễ gia tiên. Lễ này có ý nghĩa là xin giờ cưới, sau đó chú rể về nhà để cùng họ nhà trai rước cỗ tới nhà gái. Họ nhà trai gồm những người thân ruột thịt của chú rễ, đi đầu là ông tộc trưởng bưng khay trầu có vuông vải đều được che kín, tiếp đến là người bưng đôi nến đỏ (người bưng này phải là người nội thân hoặc người nhiều tuổi), người bưng quả nhân duyên là thân phụ của chú rể.

Người Lý Hòa quan niệm về quả nhân duyên rất quan trọng bởi nó biểu hiện cho sự sum vầy hạnh phúc. Quả nhân duyên gồm 1 đôi vòng, một đôi bông tai vàng, 3 xếp vải lụa (vừa đủ may 3 cái áo), một hộp trầu cau, 1 đồng tiền gói kỹ trong giấy đỏ gọi là tiền yếm. Quả nhân duyên này gọi là sinh mệnh của đôi vợ chồng. Do vậy khi dọn quả phải chọn người song toàn, con cái đông đúc sum vầy, gia đình hạnh phúc. Tiếp theo là buồng cau, số trầu sau này khi cưới xong do hai vợ chồng đem đi biếu bà con trong dịp “lại mặt”.

Khi đến cổng nhà gái, họ nhà gái cử người ra đón tiếp đồng thời họ nhà trai cất mũ nón bắt tay chúc mừng nhau, sau đó cả hai họ làm lễ gia tiên. Đầu tiên hai bên sui gia vào lạy ông bà tổ tiên nhà gái để chúc cho con cái yên bề gia thất và tạ ơn tổ tiên ông bà, sau đó chú rể và cô dâu lạy ở bàn thờ và lạy hai họ nội

ngoại. Lễ gia tiên cúng xong có người tri ba đọc bài hôn thơ và sau đó hai bên cùng ngồi vào trò chuyện. Sau lễ cưới vợ, nhà trai xin rước cô dâu về nhà mình. Đoàn rước cô dâu số lượng bao nhiêu tùy vào hai bên gia đình thống nhất, nhưng nhất thiết phải chọn người lớn tuổi để giao dâu. Tiệc mừng cô dâu về nhà chồng được tổ chức trong không khí vui tươi thân mật, kết thúc buổi lễ đoàn đưa cô dâu về nhưng cô dâu ở lại nhà chồng. Ba ngày sau, nhà chồng sắm sửa lễ gồm thức ăn và rượu, trầu cau để hai vợ chồng mang theo về nhà vợ để tạ ơn và mời bà con bên vợ. Đến đây hôn nhân đã hoàn chỉnh, hai người chính thức là vợ chồng cùng đồng cam cộng khổ và chăm lo cho gia đình của mình.

Mỗi đám cưới là dịp mở mày mở mặt với bà con làng xóm nên cả hai bên họ hàng đều cố gắng hết sức mình để tổ chức đám cưới vừa trang trọng, vừa vui vẻ. Người Lý Hòa còn có tục gửi rể, tục ăn ở riêng của con cái, tuy nhiên nó được áp dụng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh riêng của từng gia đình chứ không bắt buộc. Người con rể có thể ở lại nhà vợ từ 1 đến 3 năm tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, gia đình nào đông con và nhà vợ có điều kiện thì có thể ở tới 3 năm còn nếu không ở từ 6 tháng đến 1 năm sau đó về nhà chồng. Nếu nhà chồng đông anh em hoặc có em kế sắp cưới vợ thì hai vợ chồng thường được bố mẹ cho ở riêng và hai bên gia đình bàn bạc mua cho đôi vợ chồng trẻ một số tiện nghi cần thiết hoặc cho một số vốn để làm ăn khi ra riêng.

Ngày nay, do xã hội ngày càng phát triển tục hôn nhân của người Lý Hòa cũng đã có nhiều thay đổi. Một số thủ tục rườm rà đã được loại bỏ bớt đi như gửi rể, cưới và rước dâu được tổ chức trong một ngày, riêng lễ ăn hỏi và lễ cưới vẫn được tổ chức một cách lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Phong tục ma chay:

Tang ma là việc rất quan trọng của đời người đưa tiễn người chết về nơi an nghĩ cuối cùng, là việc làm hết sức thiêng liêng cho nên trong tang ma cũng hình thành những phong tục riêng thể hiện qua nghi lễ đưa tiễn người chết. Trong tang ma có rất nhiều nghi lễ như: lễ khởi sơ, lễ nhập quan, nhập án, thành phục, hạ huyệt, mở cửa mả, cúng tuần,... và các nghi lễ khác.

Đám tang ở Lý Hòa cũng không có tục ăn uống linh đình tại nhà tang chủ mà thay vào đó bưng lễ đến nhà các quan viên và những nhà lo đám tang để bày tỏ lòng biết ơn những người đã giúp đỡ trong lúc gia đình bối rối, lễ gồm có xôi, thịt và trầu cau. Sau khi đã lo xong tang sự, ba ngày sau gia chủ làm lễ cúng cơm cho người đã khuất, lúc này họ mới mời bà con làng xóm tới dự và nói lời cảm ơn. Đây cũng là nét văn hóa đẹp của làng mà ít làng nào có được.

Ngày nay, việc tang lễ tiễn đưa người chết đã có nhiều thay đổi, một số lễ nghi rườm rà bị loại bỏ. Trang lễ chu đáo và trang nghiêm thể hiện sự thương tiếc đối với người đã khuất.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 84 - 88)