Ca dao, dân ca

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 90 - 92)

CHƯƠNG 2: CÁC ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA NỔI BẬT CỦA LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH

2.3.3. Ca dao, dân ca

Trên mảnh đất được coi là thiên hòa địa lợi cùng với sông biển, người Lý Hòa đã nhiều đời gắn bó trên địa vực, được thiên nhiên ưu đãi. Cư dân Lý Hòa đã hòa nhập và tạo nên một cuộc sống thanh bạch mang lại nhiều nét riêng biệt của một làng quê.

Gắn liền với sông và phải chế ngự thiên nhiên cư dân Lý Hòa đã biết đoàn kết với nhau thành sức mạnh để xây dựng hương thôn làng mạc. Trong quá trình lao động, chiến đấu nhân dân Lý Hòa sáng tác nên những câu ca dao, dân ca, điệu hò, bài vè cũng như các sinh hoạt văn nghệ dân gian khác. Tất cả những cái đó không chỉ để vui chơi giải trí mà còn góp phần nâng cao cuộc sống tinh thần của người dân lao động. Có thể thời gian đã làm mai một đi một phần không nhỏ kho tàng này nhưng những gì còn lại vẫn phản ánh được những nét cơ bản cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân vùng biển Lý Hòa.

Nói đến Lý Hòa người ta nghĩ tới ngay đèo, núi, sông và đáng chú ý là Đá Nhảy, một cảnh trí do thiên nhiên tạo dựng mà khi nhắc tới Quảng Bình người ta không thể nào quên:

“Ngoài Linh Giang trong ngàn Đá Nhảy Cửa Lý Hòa nước chảy trong veo Quảng Bình phong cảnh đã nhiều Xem nước nước đục xem đèo đèo cao”

Đậm đà nhất vẫn là những câu ca về tình yêu đôi lứa, mặc dù chế độ phong kiến đã lấy đi những ước mơ của họ nhưng tình yêu của họ vẫn mặn nồng thủy chung.

“Chèo đò bẻ bắp trên sông Bắp chưa có trái, bẻ bông mà về.

Chim khôn ăn trái nhãn lòng, Trai khôn tìm vợ, gái khôn tìm chồng”.

Bên cạnh tình yêu nồng thắm còn có những biểu hiện cao đẹp của lòng trung hiếu, tình mẫu tử luôn được tôn thờ, những câu ca không phải chỉ ghi lại những gì trong sáng đẹp đẽ mà nó còn phản ánh được những gì mà người dân làng phải nếm trải trong cuộc đời:

“Nghèo thì nghèo ba bèo chín chữ Tay em ôm chiếc đàn lịch sử xàng xê

Đói nghèo nên phải làm thuê Chớ giàu sang chi đó mà chê em nghèo”

Hay những câu ca ca ngợi lòng yêu nước và chiến đấu vì dân tộc:

Con sông này con sông cách mạng Chiếc đò này chở bạn tân binh Mạ ơi! Con xin tạm gác gia đình Để con vào bộ đội cứu nước mình lâm nguy.

Nước trong nguồn chảy ra mãi mãi Cây trên rừng vạn đại Trường Sơn

Kể sao cho xiết công ơn

Của Liên Xô vĩ đại, sẻ áo cơm thắm tình. Dấu chân trên cát quen quen Thoạt nhìn thấy biết chân em đi tuần,

Xôn xao bãi cát trắng ngần Đếm sao được hết mấy lần em qua.

Mắt nhìn như ánh sao xa Ngày đêm em giữ quê nhà bình yên,

Đẹp thay bãi cát êm đềm In bàn chân nhỏ của em đi tuần.

Uống nước là nhớ đến nguồn Cơm no, áo ấm nhớ ơn Cụ Hồ

Ơn Cụ Hồ sâu hơn Nam Hải Công Cụ Hồ bằng dãy Trường Sơn.

Mưa lâm dâm ướt đầm lá cải Em thương chàng áo vải phong phanh

Vội may chiếc trấn thủ xanh Gửi ra mặt trận cho anh ấm lòng.

Ca dao, dân ca là tấm gương trung thực phản ánh cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của người dân Lý Hòa. Đó là cuộc sống cần cù, giản dị và chất phác, đậm đà phong vị dân tộc. Đó là cuộc đấu tranh anh hùng trong dựng nước và giữ nước. Đó là tinh thần lạc quan trong khó khăn, tinh thần tương ái giữa những con người lương thiện. Đó là nhận thức sắc bén về bạn, về thù, về chính nghĩa và phi nghĩa. Tóm lại cũng như ở tục ngữ, qua ca dao, dân ca có thể thấy rõ hiện thực, tức là “cái vốn có”. Nếu tục ngữ thường dừng lại ở nhận thức “cái vốn có” thì ca dao, dân ca lại thường tiến thêm một bước nữa rất quan trọng là bộc lộ nguyện vọng của nhân dân đối với việc cải tạo hiện thực.

Nhìn chung ca dao, dân ca ở làng Lý Hòa phần nào đó phản ánh được cuộc sống lao động của người lao động đó là cuộc sống đa dạng, phong phú được thể hiện qua những câu ca thành vần, thành điệu.

Ngoài ca dao, dân ca thì ở làng Lý Hòa còn có rất nhiều điệu hò như hò mái dài, mái ba, mái khoan, hò kéo lưới, hò đưa linh,... Tất cả đã tạo nên những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng biển Lý Hòa.

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Lịch sử Một số đặc trưng văn hóa nổi bật của làng Lý Hòa (Trang 90 - 92)