Rà soát ban hành, sửa đổi mới các văn bản quản lý, cụ thể là một số văn bản như: Luật thương mại ra đời và có hiệu lực từ ngày 14/06/2005 quy định về hoạt động thương mại tuy nhiên Luật chưa quy định rõ các điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng bánh kẹo nói chung và mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu nói riêng. Các điều trong bộ luật vẫn chung chung, chưa có hướng dẫn rõ ràng. Ví dụ trong Luật Thương mại chỉ quy định chung chung: hàng hóa kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hóa và các bên mua bán đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Tác giả đề xuất Luật quy định rõ điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu.
Ngoài ra, luật An toàn thực phẩm ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/07/2011, cho đến nay, ngoài Nghị định số 38/2012/NĐ – CP thì vẫn chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn, áp dụng nào khác. Đặc biệt là vấn đề quản lý thực phẩm nhập khẩu trong quá trình lưu thông và tiêu dùng thì hoàn toàn chưa có Nghị định hay thông tư nào hướng dẫn. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các cơ quan chức năng, Bộ, ban ngành quản lý là cần sớm đưa ra các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể cho các bộ Luật liên quan đến kinh doanh bánh kẹo nhập. Thực hiện rà soát sửa đổi
Thông tư 01/2006/TTLT-BYT-BNN giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT về hướng dẫn phân công, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP…
Các văn bản được ban hành cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định. Ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật bảo vệ người tiêu dùng đã được quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VIII, kỳ họp thứ XII. Theo Luật này, hoạt động BVNTD không còn là việc của một cơ quan tổ chức mà trở thành nhiệm vụ của tất cả các đơn vị, cá nhân, từ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tổ chức xã hội đến người tiêu dùng.
Định kỳ Sở Công thương phải chủ trì họp, tổ chức các chương trình hội thảo, trao đổi với các Sở, Ban, Ngành khác có liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo nhập khẩu nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm ra những khó khăn, giải quyết thắc mắc cũng như có những điều chỉnh phù hợp trong việc ban hành các văn bản giúp tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Ví dụ như Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh có tổ chức chương trình hội thảo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm ngày 22 tháng 6 năm 2012. Qua chương trình này đã giúp các doanh nghiệp giải quyết được những khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Việc thực thi các văn bản cần được tiến hành theo phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan quản lý, tránh sự chồng chéo hay trốn tránh trách nhiệm. Đối với công tác cấp phép đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo nhập khẩu đạt yêu cầu được diễn ra thuận lợi với các thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Cần có thông tin trao đổi qua lại giữa Sở Kế hoạch và Đầu từ với các Sở, Ban, Ngành để nắm bắt, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Đó cũng là cơ sở cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu phân tích các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế nhằm xác định các tiêu chuẩn quốc gia cần ưu tiên hài hòa, đồng thời tiến đến việc hoàn thành chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam thành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Quan tâm bố trí đủ biên chế làm công tác văn bản tại cơ quan Tư pháp các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã; có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý
văn bản quy phạm pháp luật. Bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan, đơn vị, nhất là ở cấp xã.