Chúng ta biết rằng, dư luận kịch và cả dư luận văn học nghệ thuật đều nhắc đến Hội diễn 1985, coi đó như là sự chuyển biến đáng ghi nhận của sân khấu, thậm chí coi đó như là sự thể hiện vai trò xung kích của sân khấu trong việc phản ánh chân thực cuộc sống, đặt ra những vấn đề nóng bỏng của hiện thực, trong đó có cả những mặt tiêu cực, cả những vấn đề nhức nhối. Kịch nói thời kỳ này đã xây dựng được những hình tượng nhân vật trung tâm với tư cách là anh hùng của thời đại mới - thời đại Đổi mới trong tư duy, trong cung cách điều hành sản xuất, trong sự nhận định đánh giá về các hiện tượng của đời sống, đặc biệt là các hiện tượng thuộc lĩnh vực đạo đức tinh thần mà
bao trùm lên tất cả là nội dung nhân bản và tinh thần nhân đạo. Cùng với
hình tượng con người được khắc hoạ trong các vở Nhân danh công lý
(Doãn Hoàng Giang), Mùa hè ở biển (Xuân Trình), Đỉnh cao mơ ước (Tất
Đạt), Vàng (Thanh Hương)... trong vở Tôi và chúng ta và Nguồn sáng
trong đời, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được những nhân vật trung tâm của
thời đại. Họ dám phát ngôn về đời sống bao cấp, dám lên án tệ quan liêu ô dù và tính bảo thủ, trì trệ; họ là những nhân vật tích cực, tiêu biểu đang nổi lên trong cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, đang nói lên tiếng nói cuả khán giả đương thời trước những vấn đề mà họ quan tâm. Như vậy là ở đây, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được những nhân vật không chỉ mang dấu ấn lịch sử của thời kỳ này, mà còn là những hình tượng đáp ứng được chức năng của kịch - chức năng phản ánh thời đại thông qua nhân vật trung tâm.
Nhân vật tích cực của vở Nguồn sáng trong đời là những con người
có phẩm chất cao thượng và nhân ái, thánh thiện với nhau. Đó là những người ít nghĩ về mình, họ có tấm lòng nhân hậu cao cả. Họ càng đẹp thêm và hoàn thiện hơn lên khi tiếp xúc với nhau, giúp đỡ nhau và chia xẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau.
Hình tượng một kiểu cán bộ mới có khả năng từ bỏ một cung cách làm ăn đã lỗi thời, đấu tranh cho một cơ chế mới đáp ứng đòi hỏi của cuộc
sống đã được Lưu Quang Vũ xây dựng trong vở Tôi và chúng ta. Tuy nhiên,
hình tượng nhân vật trung tâm của vở kịch không chỉ đặt vấn đề Đổi mới, mà còn khẳng định một yêu cầu đối với con người thời đại là cần phải có sự thay đổi trong tư duy, cần phải đi từ ý thức của cái tôi cá nhân đến với ý thức của cái ta công dân. Đây là vở kịch chính luận, đánh dấu bước chuyển biến sâu sắc trong khâu phản ánh, khám phá cuộc sống của tác giả. Chính điều đó đã khiến cho vở kịch có sức cuốn hút người xem một cách mạnh mẽ.
Bên cạnh những nhân vật trung tâm của thời đại ấy, Lưu Quang Vũ còn đưa vào trong kịch của mình những con người ở mọi tầng lớp, địa vị, họ làm những công việc khác nhau và có một đời sống nội tâm khác nhau. Thế giới nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ là một thế giới đa dạng và phong phú. Người tốt, người chưa tốt, người xấu, kẻ sống, người chết, người già,
người trẻ, người bình thường, người phi thường... được anh đặt cạnh nhau trong những xung đột mang tính xã hội sâu sắc. Trong kịch bản của Lưu Quang Vũ, không gian đời sống được anh miêu tả tương đối rộng, từ xã hội thành thị đến cuộc sống sinh hoạt ở nông thôn, từ biên giới đến bờ biển, từ thiên đình đến góc nhà lá của người cựu binh nghèo…Tương ứng với mỗi cốt truyện là một vùng không gian nơi các nhân vật sống, hoạt động, đấu tranh. Thế giới nhân vật rất đa dạng, nhiều thành phần xã hội và nghề nghiệp khác nhau từ nông dân, công nhân, trí thức, nghệ sĩ, chiến sĩ, các nữ thanh niên xung phong đến người có chức sắc cấp xã, cấp tỉnh, cấp bộ… Có cả những nhân vật không có tên riêng nhưng tiêu biểu cho một hạng người
trong xã hội (chẳng hạn anh hàng thịt, gã lý trưởng trong vở Hồn Trương
Ba da hàng thịt… . Có cả sự hiện diện của nhân vật siêu nhiên như: Nam
Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích, Ông Thiện, Ông Ác… Với trí tưởng tượng phong phú, nhà viết kịch còn xây dựng những nhân vật khác lạ như hai người máy
trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Tất cả đều có thể trở thành nhân vật
chính, phát ngôn cho tư tưởng, quan điểm của tác giả về các vấn đề được phản ánh.
Trong kịch chống Mỹ, nhân vật vẫn thường được miêu tả theo một mô hình chung, nếu xấu thì hoàn toàn xấu hoặc nếu tốt thì hoàn toàn tốt, vẹn
toàn như ngọc, không có chút tì vết. Theo nhận xét của Ngô Thảo: “Trong
kịch của mình, Lưu Quang Vũ luôn có ý thức vượt qua lối phân tích con người theo sơ đồ đơn giản ấy”. [6,143]. Tính cách nhân vật là sản phẩm của hoàn cảnh; khó có thể phân biệt nhân vật nào là chính diện, nhân vật nào là phản diện bởi vì nhân vật có tính cách đa chiều, bên cạnh mặt mạnh là mặt yếu, xen lẫn phần sáng là phần khuất tối trong tâm hồn, với những suy tư, day dứt để chọn lựa quyết định, trong đó, có quyết định đúng đắn, đồng thời cũng có sai lầm. Các nhân vật mang cái “tôi” hiện thực – thế sự, đó là cái “tôi” phát triển trên cơ sở kế thừa và nâng cao những giá trị truyền thống của dân tộc. Qua cách viết giản dị, dễ hiểu của anh, hình tượng nhân vật kịch thường không cầu kỳ, không câu nệ trau chuốt mà vẫn có cá tính riêng khiến người xem như bị cuốn hút vào cuộc sống thường nhật đang diễn ra trong
câu chuyện. Dưới đây là một số kiểu nhân vật chính thường xuất hiện trong kịch Lưu Quang Vũ.