Xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ (Trang 78)

Sau 1975, những bi kịch do hoàn cảnh chiến tranh vẫn dai dẳng thấm vào nhiều thân phận. Trong vở Ông không phải là bố tôi, tác giả miêu tả xung đột giữa một bên là tình cảm riêng đối với gia đình, cha mẹ, vợ con và một bên là những đòi hỏi khắc nghiệt của hoàn cảnh phải tập trung cao độ cho kháng chiến. Về bản chất, Ủng vốn không thờ ơ, lạnh lùng, vô tâm với vợ con. Nhưng là một nhân viên nhà nước, Ủng phải sống và sinh hoạt theo nội quy của tổ chức. Nhiệm vụ công tác và khoảng cách không gian xa xôi làm cho vợ chồng Ủng chưa được đoàn tụ, cũng không có sự gắn bó. Người vợ ở nhà cơ cực, một mình nuôi hai con. Có lần vì nhớ thương chồng, chị dẫn con tìm lên tận cơ quan chồng để thăm nom.

“ỦNG: Mình ! (chạy đến bên vợ con ) Mình…Trời, đến bao giờ thế này ? Sao tìm được đến đây ?

NHÂN (vợ Ủng): Nhà…

ỦNG : Vào đây, vào đây, sao lại khóc nào… Đứa nào đây ? NHÂN : Thằng Thiết.

ỦNG : Đã lớn ngần này ? Đúng rồi… Con tôi (ôm con ). Hai mẹ con ăn mặc nhếch nhác thế ? (…)

ỦNG :… Hai mẹ con ở đây, tôi báo cơm tập thể cho mà ăn. Mỗi người một xuất, ăn tập thể vui lắm…Rồi tôi dắt hai mẹ con đi chơi phố. Lần đầu lên thành phố nhà có thích không ?”[50,10].

Ủng vui vẻ tiếp đón vợ con, kể chuyện về lớp học chỉnh huấn mà Ủng vừa tham gia, dạy con (Thiết) ca hát... Hành động này chứng tỏ trong lòng Ủng còn tình yêu thương gia đình, quý mến con và quan tâm đến cảm xúc của vợ. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, tất cả đều vì độc lập tự do của dân tộc mà bố vợ của Ủng lại di cư vào Nam, nhìn bề ngoài, ai cũng cho rằng đó là phản bội, chạy theo giặc. Ngay sau khi biết chuyện, Ủng trốn tránh, xem vợ như người xa lạ, không quen biết vì Ủng quyết định hy sinh

tình nhà, khoan nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Cảnh đối thoaị sau đây cho thấy những buồn khổ mà con người phải chịu đựng do hoàn cảnh chiến tranh ly tán:

“NHÂN: …Bố không muốn gặp mẹ con mình… Lẽ nào lại thế ? anh ấy không nhận vợ nhận con, tại sao lại như vậy ? Ngày xưa anh ấy có như thế đâu, anh ấy bắt đầu thay tâm đổi tính từ bao giờ, từ bao giờ vậy ?

THIẾT: (Vẫn mếu máo) Bố…

NHÂN: (Lắc đầu) Bố không muốn gặp mẹ con mình. Ta đi thôi con, về thôi con. Ở đây làm gì nữa?(…) (Nhân dắt con đi khuất. Ủng thận trọng bước ra nhìn theo).

ỦNG: Khổ thật, đã bảo tự dưng đừng lên,vậy mà… May chưa ai nhìn thấy…Thằng bé kháu ghê (Thở dài ). Lớn lên nó sẽ hiểu tình cảnh của bố nó, phải dẹp tình riêng vì nghiã cả. Phải kiên định dứt khoát, đây là cuộc đấu tranh…”[50,16].

Những dòng độc thoại nội tâm này cho thấy Ủng đã phải trải qua những dằn vặt, khắc khoải, day dứt. Còn khổ đau nào hơn khi nhìn thấy vợ con mà Ủng không dám hé răng hỏi han nửa lời, đành lánh mặt, xem như không phải đó là người thân của mình. Cuộc kháng chiến càng dài lâu thì càng nhiều bi kịch cá nhân, chưa hết nỗi đau này lại đến nỗi đau khác. Sau này, Trạch vô cùng hối hận vì sự thật là bố vợ của Trạch vào Nam, bí mật hoạt động cách mạng, cuối cùng ông cụ hy sinh vì đất nước như biết bao người chiến sĩ kiên cường đã anh dũng ngã xuống.

Xung đột giữa một bên là tình cảm gia đình riêng của Ủng với một bên là hoàn cảnh công tác thời chiến đã dẫn đến xung đột giữa cha và con ông Ủng. Con trai ông Ủng sau này làm giám đốc (Thiết), y tưởng cha còn nắm quyền cao chức trọng nên mời về ở chung nhà để lợi dụng cha làm ô dù cho mình. Nào ngờ người cha già đã về hưu nhưng nói dối con là mình vẫn còn tại chức. Người cha thừa hiểu rằng: con người ta, thuở hàn vi thì chẳng ai thèm ngó ngàng đến nhưng hễ đã nắm được quyền lực hoặc tiền bạc trong tay thì lập tức có hàng trăm ngàn kẻ vây quanh. Càng lên cao càng nhiều người xu phụ. Lắm kẻ lưu manh giảo hoạt như chiếc lá dừa vươn rất rộng

thường làm ra vẻ sẵn sàng liều mình che chở cho thân cây. Để rồi khi thân dừa cao ngất kia bị ngã xuống thì chỉ trơ lại một mình cái gốc héo hon cô độc. Hình ảnh này không mấy nên thơ nhưng lại phản ánh đúng tình cảnh của ông Ủng. Vì cần tiền, ông đã bán một căn buồng trong nhà, hai cha con đôi co, kiện cáo nhau tại tòa án, Thiết không nhận ông Ủng là bố của mình.

Trong tình huống trớ trêu này, tác giả đã miêu tả nhân vật Ủng hết cười lại mếu vì đau đớn xót xa. Đứa con nói với cha đẻ của mình “Ông không phải là bố tôi… Tôi với ông chẳng nợ nần ơn nghĩa gì nhau hết” [50,7]. Đứa con đuổi cha ra khỏi nhà, trong lòng nó sống lại mối hận ngày xưa bị cha ruồng rẫy: “Ông ngoại tôi không phải một tên phản động… mẹ tôi đã là con một vị anh hùng… Nếu ông ngoại tôi theo địch thật thì ông cũng không có quyền coi mẹ con tôi là địch”[32,17]. Thoạt đầu cứ ngỡ đây chỉ là xung đột gia đình nhưng thực chất lại là một xung đột mang tính chất xã hội. Xung đột này và nhiều xung đột chồng chéo khác đều nảy sinh từ mối xung đột cơ bản giữa ta và giặc; do nhiệm vụ, ta phải cảnh giác cao độ, ngăn chặn sự len lỏi phá hoại của giặc trong thời gian chưa phân thắng bại.

Xung đột giữa cha con ông Ủng càng căng thẳng hơn khi ông muốn gá nghiã với một người phụ nữ tên là Lài, nhưng bị bà ta lừa cả tình lẫn tiền. Đường dây xung đột có thêm một nhánh nữa là xung đột giữa cô Lài với con cháu ông Ủng; đồng thời cháu nội ông cũng xung đột với cha nó, xung đột giữa quan niệm sống truyền thống (hiếu thảo, trọng lão) với quan niệm sống thực dụng (lợi dụng nhau, vụ lợi), nội bộ gia đình căng thẳng, con trẻ không còn tin tưởng vào người lớn. Xung đột phức tạp hơn khi xuất hiện Cấn – gã buôn nhà, được ông Ủng trao cho giấy chủ quyền nhà. Thiết phải đi tìm ông Ủng về, yêu cầu ông trả lại tiền cho Cấn, lấy lại giấy tờ nhà. Bây giờ đến lượt ông Ủng giận dỗi từ bỏ mối quan hệ cha con: “Chẳng chính quyền nào bắt tôi làm bố nó. Tôi không là bố ai cả”[32, 40].

Đúng là người ta không thể dùng quyền lực để quản lý, ép buộc hay uốn nắn tình cảm của con người. Đoạn cuối cuộc đời ông Ủng khiến người xem phải suy nghĩ về cái giá quá đắt mà tuổi già phải trả cho những quyết định của thời trai trẻ – cái thời dấn thân thoát ly, hoàn toàn tách ra khỏi mối

dây liên hệ với gia đình. Sự chọn lựa lý tưởng cao cả thật không dễ dàng. Bản thân ông Ủng khi còn trẻ sống khổ hạnh, bôn tẩu theo tiếng gọi của sự nghiệp, đành phải đánh đổi bằng mọi giá. Tác giả giải quyết xung đột bằng sức tác động tích cực của đứa cháu nội, anh thanh niên này tìm mọi cách để gia đình đoàn tụ. Họ lại cùng chung mái nhà nhưng nỗi đau trong lòng người không có thuốc giải. Suốt đời, ông Ủng không hề có cuộc sống gia đình riêng hạnh phúc và niềm vinh quang cũng chỉ là ảo vọng.

Cách dẫn dắt xung đột kịch của Lưu Quang Vũ tạo ra ở người xem cảm giác thấm thía về số phận con người bị ràng buộc mật thiết với lịch sử, trong nỗi đau thương của một dân tộc nhỏ bé kiên quyết cầm súng để giành lại độc lập tự do, nhiều người buộc phải hy sinh cái “tôi” cá nhân, hy sinh cả hạnh phúc gia đình riêng. Và hậu quả dai dẳng của điều đó vẫn còn bám lấy

từng gia đình, từng mảnh đời ở thời kỳ hậu chiến. Trong vở Ông không phải

là bố tôi, Lưu QuangVũ rất biết cách khái quát hóa tình huống cá biệt để làm

bật lên cái quy luật nhân quả ở đời và khẳng định tính nghiệt ngã của sai lầm

liên quan đến hạnh phúc cá nhân con người, những sai lầm kiểu này đều không thể cứu vãn được.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ (Trang 78)