Nhà văn Tây Ban Nha Hoan Gôytoxôlê quan niệm rằng: “Một thủ
pháp nghệ thuật, nếu là tốt, tức là tương ứng với đề tài thì sẽ không còn là thủ pháp mà biến thành cái nhìn độc đáo đối với con người và thế giới”
(19/127). Đối với Lưu Quang Vũ, khi trình bày những vở kịch của mình trước công chúng, ông thường hé lộ một cái nhìn về sự dang dở, không hoàn thành. Đó chính là cái nhìn độc đáo, xuất phát từ những biến động của đời
sống xã hội và những vận động ngầm trong lòng cuộc sống mà ông đã dự cảm được từ lâu, cùng với sự trải nghiệm của tâm hồn và ngòi bút.
Trong giới viết kịch những năm đó, Lưu Quang Vũ nổi tiếng là tác giả có nhiều vở được dàn dựng nhất. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, kịch Lưu Quang Vũ động chạm đến rất nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng trong đời sống xã hội. Nếu như trong cao trào Đổi mới, các ngành nghệ thuật đều công nhận sân khấu với một loạt vở diễn, đã đi trước một bước trong lĩnh vực phản ánh, thì
bên cạnh những vở thường được kể tên như Nhân danh công lý (Doãn
Hoàng Giang); Mùa hè ở biển (Xuân Trình), chúng ta không thể không nhắc
đến Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ. Những vở kịch này đã gây nên một
cuộc tranh luận lớn trong đời sống văn học nghệ thuật thơì bấy giờ và được báo chí tại chỗ mệnh danh là những cỗ xe tăng vào giải phóng Sài Gòn về
mặt văn hoá. Sức hấp dẫn của Tôi và chúng ta chính là đã đi thẳng vào một
vấn đề có thật, một vướng mắc còn nổi cộm lên trong đời sống xã hội. Đó là việc quản lý các xí nghiệp sản xuất theo lối mới, sao cho phát huy được quyền chủ động của cơ sở, chống được thói bao cấp, quan liêu đã tồn tại từ lâu, kìm hãm sự phát triển của sản xuất, để rồi sau đó lại đổ mọi thất thiệt lên vai Nhà Nước.
Câu chuyện kịch rất mạch lạc, giản dị, ít những tình huống éo le phức tạp không cần thiết. Xí nghiệp Thắng Lợi, đang trong tình trạng bê bối, trì trệ, sản xuất rất thấp kém, bỗng xuất hiện một vị giám đốc trẻ tuổi và xốc vác. Anh có cái tên giản dị - Hoàng Việt, có một tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Con đường dẫn anh đến những nét đẹp đẽ và đáng yêu trong tính cách như vậy được lý giải bằng những năm tháng chiến đấu anh dũng của Việt ở Trường Sơn đầy bom đạn thử thách. Trên mặt trận mới của ngày hôm nay, Việt vẫn tiếp tục ý chí tiến công vốn có của mình. Anh tiến công nhằm phá bỏ những ràng buộc của những nguyên tắc đã lỗi thời và trở nên cứng nhắc; tiến công vào những kẻ cơ hội và bảo thủ; tiến công để đưa sản xuất của xí nghiệp tăng lên nhiều lần, đồng thời nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân. Nhưng việc đối lập cái mới và cái cũ, việc thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu
đời trong xã hội là điều không phải một sớm, một chiều là có thể làm được. Anh được đông đảo bạn bè, đồng chí - những con người tiên tiến của thời đại như tổ trưởng Thanh, kỹ sư Sơn và anh chị em công nhân ủng hộ và bảo vệ. Ngược lại, hàng loạt kẻ ích kỷ, cơ hội - quen sống cho cái tôi vị kỷ, quen chỉ biết lợi ích cho riêng mình, còn mặc kệ thiên hạ - chống đối một cách quyết liệt.
Người ta có thể bàn luận về nhiều vấn đề mà Tôi và chúng ta đưa ra:
đây là vở kịch đấu tranh chống tiêu cực một cách quyết liệt; đây là vở kịch kêu gọi mọi người hãy biết sống vì mọi người, hãy từ bỏ quyền lợi của cái tôi nhỏ bé, để vì cái chúng ta rộng lớn hơn… Tất cả đều đúng, nhưng hơn hết vở kịch nhằm vào một mục đích cao cả và trọng đại của văn học nghệ thuật: đó là sự đấu tranh để khẳng định hình tượng những con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhân vật Hoàng tiêu biểu cho những con người biết sống hết mình vì mọi người, mạnh dạn đấu tranh chống mọi sự bảo thủ, quan liêu, bao cấp đang là sức ì cản trở bước tiến của xã hội.
Bản thân cái tên Tôi và chúng ta đã nói lên nội dung tư tưởng của vở
kịch. Vở kịch không chỉ kể một câu chuyện về sản xuất, không chỉ dặt vấn đề cần thay đổi những gì đã lỗi thời, mà còn nói lên yêu cầu đối với con người mới hôm nay. Đó là, muốn xây dung xã hội chủ nghĩa thì mỗi con người chúng ta phải đi từ thế giới của cái tôi sang thế giới của chúng ta.
Năm 1984, vở Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ đã gây một tiếng vang
lớn và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Với vở kịch này, Lưu Quang Vũ đã mở đầu cho đề tài đổi mới trong cơ chế sản xuất và quản lý, góp một tiếng nói quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, xây dựng hình tượng con người mới trong cơ chế mới. Trước khi kết thúc vở kịch, Lưu Quang Vũ đã mượn lời nhân vật Bộ trưởng để nâng lên ý nghĩa khái quát của vở kịch:
“Bao cấp chính là sự không tin vào con người - những chủ thể sáng tạo. Và tác hại của hệ thống quan liêu bao cấp, của cơ chế cũ không phải chỉ làm năng suất kém, đời sống thấp mà tác hại đáng sợ hơn là làm sa sút phẩm chất con người, làm hư hỏng con người, phá hoại những mối quan hệ
giữa con người với con người, dung túng cho thói quan liêu ích kỷ, hèn nhát, ỷ lại, tối tăm, ngu muội…phải chống nguy cơ đó”.
Tiến sĩ văn học Lưu Khánh Thơ trong bài “Đóng góp của Lưu
Quang Vũ đối với nền văn học kịch Việt Nam” cũng cho rằng: “Vở kịch đã
chứng tỏ một sự nhạy bén trong những vấn đề thời sự, là sự tranh luận sôi nổi, gay gắt về vấn đề đổi mới… Lưu Quang Vũ đã công khai bảo vệ những tư tưởng mới, lối nghĩ mới, cách làm ăn năng động sáng tạo, đồng thời phê phán cơ chế quan liêu bao cấp trong lĩnh vực quản lý và cả lĩnh vực tinh thần” {20/22}.
Cùng với bao nhiêu hoạt động thực tế khác, văn học nghệ thuật cần góp một tiếng nói đấu tranh để bảo vệ và khẳng định con người mới. Nhìn
dưới góc độ này, Tôi và chúng ta là vở kịch đã có được một sức chiến đấu
đáng khích lệ. Nó cho phép chúng ta đòi hỏi sân khấu cần có thêm nhiều hơn nữa những tác phẩm xông xáo như vậy.
Vở Nếu anh không đốt lửa cũng đã gây dư luận sôi nổi một thời vì
tính thời sự của nó. Bối cảnh của vở kịch là sự kiện xí nghiệp đóng tàu bầu giám đốc. Việc đổi mới tổ chức nhân sự, bầu cử diễn ra trên cái nền là phần ồn ào, xô bồ của đời sống công nhân sản xuất đã khiến cho vở kịch rất “đời”. Nhưng đổi mới nếu chỉ là phong trào, là chuyện làm theo mốt, còn bầu cử không nghiêm túc thì hậu quả sẽ thế nào? Một vấn đề thời sự được đặt ra là cần có cái nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng và chú trọng hơn vào việc đào tạo lớp cán bộ thay thế, “vừa hồng vừa chuyên”, có khả năng quản lý lao động để phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng không chỉ có thế, hình như bản thân tác giả qua vở kịch này còn muốn nói một điều gì đó gay gắt hơn, đúng như Vũ Hà - Ngô Thảo đã cảm nhận, đó chính là cái ý
thức cảnh tỉnh: “mọi chủ trương đổi mới hay ho rất có thể biến thành một
trò đùa trong đời sống, nếu nó nằm trong bàn tay của những kẻ vô trách nhiệm”{20/25}.
Bằng sự mẫn tiệp trong tâm hồn nghệ sĩ, bằng sự nhạy bén, năng động trong phong cách của một nhà báo, Lưu Quang Vũ luôn tìm thấy trong lòng cuộc sống cái bề bộn, cái bức thiết cần được giải quyết. Đặc biệt là trong bối
cảnh cụ thể của đất nước, khi mà chiến tranh vừa qua đi, cuộc sống hoà bình ùa đến, và những chân giá trị đang dần dần được định hình. Trong lòng cuộc sống có sự đan xen tồn tại giữa cái cũ và cái mới, cái cũ đang dần bị mất đi, trong khi đó cái mới chưa hình thành. Nhiều vấn đề đặt ra cho con người thời đại khiến họ phải băn khoăn, day dứt. Là một nhà viết kịch, Lưu Quang
Vũ đã coi kịch nói là “một thứ phòng thí nghiệm của đời sống hiện
đại”{21/30}. Chưa bao giờ những vấn đề bức thiết của cuộc sống lại được
Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu một cách ồ ạt như thập kỉ 80 này. Vở Ông
không phải là bố tôi là xung đột giữa quá khứ ấu trĩ và cuộc sống hiện tại.
Vở Quyền được hạnh phúc lại nêu lên một tư tưởng dân chủ: quyền được
hạnh phúc cũng chính là quyền được làm người, quyền con người hay nhân
quyền. Trong khi đó, vở Lời thề thứ 9 lại khai thác thành công nỗi niềm tâm
trạng của những người lính hằng ngày phải đối diện với chiến tranh ác liệt, trong khi luôn mang trong lòng những dự cảm, âu lo về cuộc sống hậu phương, về số phận gia đình và người thân của họ. Trong mười lời thề của Quân đội, Lời thề thứ chín nói về mối quan hệ quân dân. Bộ đội phải thương yêu, kính trọng, bảo vệ dân. Vậy mà, ông Thịnh, cha của một chiến sĩ đang chiến đấu ở biên giới bị chủ tịch xã Quách Văn Tuần tống giam dưới hầm, tại trụ sở uỷ ban xã đã mấy mươi ngày rồi không rõ vì tội gì. Được tin, Xuyên cùng Hiển và Đôn sún, nhân được đơn vị thưởng ba ngày phép vì có thành tích chiến đấu dũng cảm diệt địch trong trận vừa qua, định kéo nhau về xã hỏi tội lão Tuần và giải thoát cho cha Xuyên. Nhưng lấy đâu ra tiền làm lộ phí và cứu đói cho gia đình?
Các chiến sĩ bèn nghĩ cách đón đường “trấn lột” mấy tay buôn lậu biên giới. Trớ trêu thay, họ lại trấn nhằm ông Hà chủ tịch tỉnh đi lên thăm con. Người con lại là Hiển! Bại lộ, trung đoàn hạ lệnh bắt giam, nhờ Vân người yêu của Hiển ở cơ quan trung đoàn bộ báo cho biết, ba người vọt luôn về xã. Ở xã, bà Xuyên đã mấy mươi ngày nay cùng Cúc, con dâu tương lai đi gõ cửa khắp nơi để giải oan cho chồng. Nhưng, xã chỉ huyện. Đến huyện, huyện chỉ tỉnh. Tất cả vẫn im lìm. Cuối cùng, người cứu ông Thịnh chính là con ông. Thằng Xuyên cùng Đôn, Hiển đến tận công sở giải thoát cho ông
Thịnh và bắt lão Tuần thay vào chỗ ông, ở dưới hầm tối ấy. Mặc dù được cứu thoát, nhưng vợ chồng ông có mừng đâu. Ba chú lính trẻ bị mắng cho một trận và hứa quay trở về đơn vị ngay. Vừa lúc ấy, phái đoàn truy lùng cũng vừa về tới. Họ phải ẩn vào khu nhà truyền thống của xã để "phòng thủ". Khôi hài thay, chính lão Tuần lại đích thân gọi loa cho các anh ra hàng. Nhưng không, họ không ra khi lão Tuần chưa bị trị tội. Bao nhiêu lời răn đe, hăm doạ của chủ tịch Hà, của trung đoàn, kể cả lời thuyết phục, họ vẫn không ra. Đến khi nghe lời người mẹ mắng, mẹ gọi thì họ ngoan ngoãn đi ra. Bên người mẹ Việt Nam bao dung, nhân hậu, họ cúi đầu nhận lỗi. Bà mẹ giang đôi cánh tay gầy gò như muốn ôm lấy đàn con, như muốn che chở cho đàn con khôn ngoan trước quân thù, nhưng lại dại khờ trước cuộc đời phức
tạp này. Bà chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà kêu rằng: "Trời ơi! Sao khổ
vầy trời"
Sự hấp dẫn của vở kịch ấy được thể hiện từ ngôn từ văn học, từ tính cách và số phận của từng nhân vật, từ những cuộc xung đột âm thầm và vô cùng bức bối. Và bao trùm lên tất cả là vấn đề tư tưởng mà tác giả đặt ra cho cuộc sống hôm nay. Lý luận và thực tiễn, khẩu hiệu và hành động vẫn còn khoảng cách và ngược chiều trong xã hôi chúng ta!
Một ông chủ tịch tỉnh có tác phong và quan điểm quần chúng tốt, nhưng vì vị trí và công việc dần dần biến ông xa rời quần chúng mà có khi ông không hề hay biết, để cho cán bộ dưới quyền ức hiếp nhân dân, bưng bít sự thật, báo cáo láo...
Nhân dân, nhất là dân ở nông thôn thì thấp cổ bé họng, sống ngột ngạt dưới sự thống trị vô cùng hà khắc của bọn cường hào, ác bá mới. Họ muốn kêu trời thì trời không có, họ muốn kêu người thì người chẳng chịu nghe cho... "Nỗi khổ này biết chịu đựng đến bao giờ" như lời bà mẹ nói.
Những người lính trẻ hăng hái, dũng cảm nhưng còn bồng bột biết xử lý làm sao giữa luật pháp, kỷ luật và đạo lý? Trong khi luật pháp chưa được áp dụng công bằng với mọi người, đạo lý thì bị chà đạp, khinh rẻ. Cuối cùng, họ manh động và trở thành phạm pháp vì đi trừng trị một kẻ phạm pháp gấp trăm lần hơn mà không hề bị luật pháp trừng trị , để cứu dân.
Tất cả những điều ấy đã diễn ra hằng ngày, nơi này nơi nọ trên đất nước ta. Đâu phải ai cũng dám nói và được nói, nhất là những nơi xa địa phương, xa trung ương. Thế mà Lưu Quang Vũ đã đi trước một bước rất xa. Anh đã dám nói, nói mạnh, nói nhiều bằng chính tác phẩm của mình, bằng sân khấu.
Như vậy, có thể nói rằng, riêng ở góc độ phản ánh hiện thực, Lưu Quang Vũ tỏ ra khá dũng cảm. Kịch của anh giàu tính chiến đấu, tấn công không khoan nhượng vào cái ác, cái xấu xa, vào những tệ nạn xã hội đang manh nha xuất hiện trong đời sống, và vào cả những vấn đề đang nảy sinh trong tâm lý con người thời đại. Tuy nhiên trong những vở kịch ấy, Lưu Quang Vũ không chỉ dừng lại ở sự phản ánh, ngợi ca hoặc phê phán đơn thuần. Đằng sau những vấn đề thời sự ấy là một niềm day dứt khôn nguôi, là những âu lo, trăn trở đầy tinh thần ý thức công dân của một người nghệ sĩ đã từng đi qua chiến tranh, đã từng trải qua những thăng trầm của cuộc sống và vận mệnh dân tộc. Kịch nói dường như là nơi để anh giãi bày những điều ấy. Nhiều bạn nghề đã nói đến cái tính vấn đề trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ. Nhà viết kịch đã nhận thức cuộc sống trong những cái nóng bỏng và gay gắt của nó. Đó là một cung cách nhận thức giàu tính hiện thực và do đó rất kịch. Sự phản ánh ở Lưu Quang Vũ trước hết là khám phá những vấn đề cấp thiết, những vấn đề chín muồi đang đòi được giải quyết, đang tìm câu trả lời, và đương nhiên là những vấn đề tiềm tàng, nung nấu trong lòng sâu cuộc sống. Nói khác đi, từ cảm quan về một cuộc sống đang vận động, Lưu Quang Vũ đã đi đến những dự cảm mang tính thời đại, để rồi viết nên những vở kịch như là dự báo về một thời kì nhiều biến động của đất nước. Các vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn nổi lên sắc nhọn, có khi như một mũi khoan, xoáy sâu vào sự tiếp nhận của người xem và buộc người xem phải suy nghĩ. Vì thế trong kịch của anh, tính chất dự báo cũng là một biểu hiện của tính thời sự.
Trong số những vở kịch mang đậm tính thời sự của Lưu Quang Vũ,
chúng ta nhớ đến Bệnh sĩ – một vở kịch hài hước về những xung đột trong
bối cảnh đời sống nông thôn hiện nay, với những nhân vật khá điển hình, tạo nên tiếng cười phê phán. Toàn Nha, chủ tịch xã Cà Hạ, sau một chuyến đi
tham quan ở một số nơi trở về , ông quyết định đổi mới xã mình. Công việc