Nhà văn Pautopxki đã từng viết: “Chất thơ trong văn xuôi như chất
nước ngọt ngào thấm trong trái táo. Thơ là sợi cốt. Văn xuôi là sợi ngang”{22/134}. Chúng ta có thể thấy những vở kịch của Lưu Quang Vũ cũng chính là những trang văn thấm đẫm chất thơ ngọt ngào như thế. Bởi lẽ, cái cốt nhất trong những vở kịch của anh không phải là những vấn đề thời sự, mà ở đây, những vấn đề ấy chỉ có tính khởi đầu, là nguyên cớ để tác giả trình bày những vấn đề ở lòng sâu cuộc sống. Cho nên, kịch của Lưu Quang Vũ đòi hỏi người xem phải có một vốn sống, sự trải nghiệm và một khả năng thẩm bình sâu sắc, một con mắt nhìn tinh tường để có thể nhận ra đằng
sau cái ồn ào, gay gắt của những vấn đề thời sự là những triết lý nhân sinh
sâu sắc, là tấm lòng “cận nhân tình” (chữ dùng của Lâm Ngữ Đường), là cái
tâm và cái tài của nhà viết kịch. Những điều mà Lưu Quang Vũ đã chiêm nghiệm, đã rút ra từ cuộc sống ấy bao giờ cũng được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Không ồn ào, không đao to búa lớn, chỉ là những tiếng nói kín đáo, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, ý tứ xa xôi, nhưng tất cả đã tạo nên một phong cách rất riêng, độc đáo cho kịch của anh. Nói khác đi, chính những triết lý nhân sinh đã tạo nên chất thơ cho kịch của Lưu Quang Vũ.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói nhiều đến cái chất thơ trong những vở kịch của anh. Bởi lẽ, trước khi viết kịch, anh là một nhà thơ, hơn thế nữa lại là một nhà thơ giàu cảm xúc, giàu tâm trạng. Sau này, khi đã trở thành một nhà viết kịch có tên tuổi, cái cốt cách nhà thơ ấy trong anh vẫn không thay đổi. Phải chăng khi bước vào địa hạt sân khấu, Lưu Quang Vũ đã ý thức một cách sâu sắc rằng: kịch nói không phải là sự phản ánh đơn thuần hoặc thông tin, giáo huấn mà phải là sự dồn lắng, chắt lọc những tinh chất của cuộc sống, lấy ra từ cuộc sống ấy cái gì là trong trẻo, tốt đẹp nhất. Bởi thế mà kịch của anh rất giàu chất thơ. Chất thơ ấy bàng bạc bao phủ ở hầu khắp các vở, trong cách khai thác chủ đề tư tưởng, cách cấu tứ dẫn dắt chủ đề, trong ngôn ngữ nhân vật, và đặc biệt là trong những triết lý của tác giả về cuộc sống, về thế sự. Hay nói khác đi, bản thân chất triết lý trong những vở kịch của anh đã mang chất thơ của cảm xúc, của suy tư, của trí tuệ.
Ngay trong tiêu đề những vở kịch của Lưu Quang Vũ, chúng ta cũng
đã thấy một chất thơ man mác. Nếu anh không đốt lửa, Nguồn sáng trong
đời, ĐIều không thể mất, Hoa cúc xanh trên đầm lầy…có một màu sắc gì
đó giống như những tứ thơ. Tuy nhiên sức hấp dẫn của kịch Lưu Quang Vũ không nằm ở những tiêu đề ấy mà toát ra từ chất thơ của cốt truyện, của tư tưởng chủ đề và cách giải quyết vấn đề của tác giả. Nhà nghiên cứu Phan
Trọng Thưởng trong bài “Kịch Lưu Quang Vũ - những trăn trở về lẽ sống,
lẽ làm người” đã khẳng định: “Chất thơ của đề tài, chất thơ của tư tưởng là
đặc đIểm nổi bật nhất, quán xuyến sáng tác, làm nên thành công và tạo nên phong cách riêng của anh”{21/33}.
Trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Người trong cõi nhớ được coi là tác phẩm có dáng dấp và giọng điệu khác lạ hẳn. Kịch bản giàu chất văn học, lại man mác chất thơ, chất trữ tình thể hiện ở những rung động sâu lắng hiện lên bằng xương, bằng thịt trong trí nhớ của những người đang sống về những người đã chết. Tác giả đã nhận thức và diễn tả hiện thực cuộc sống bằng một cung cách độc đáo, và có thể nói là mới lạ. Anh diễn tả những con người trong cõi nhớ. Họ đã chết về thể xác, nhưng những gì là tinh anh, là cái đẹp, cái tốt, cái làm được cho đời, để lại cho đời… của họ thì mãi mãi vẫn ở trong trí nhớ của những người đang sống, mà trước hết là những người thân yêu, ruột thịt của họ, rồi sau nữa là những người xung quanh, xã hội, cuộc đời.
Vấn đề mà vở kịch đặt ra thật bình dị nhưng lại thấm thía. Mỗi con người chúng ta có thể bị lãng quên đi, thậm chí trong trí nhớ của những người ruột thịt, nhất là khi ta đã bước sang cái thế giới vĩnh hằng bên kia, nơi mà ta không thể làm gì được nữa. Nhưng những việc có ích mà ta kịp làm khi còn sống thì sẽ đời đời ở trong “cõi nhớ”. Và chính cái vấn đề ấy đã gợi lên cho người xem nhiều suy nghĩ, liên tưởng về những vấn đề khác như triết lý về sự sống và cái chết, như sự hiện diện giữa hôm qua và hôm nay, quá khứ và hiện tại, như sự suy nghĩ về câu hỏi: nên sống như thế nào để ngày mai đây, khi nhắm mắt xuôi tay, khi đã chết, ta vẫn còn sống, còn được sống trong cái cõi nhớ vĩnh hằng ấy.
Xung đột trong vở kịch mờ nhạt, cũng không có nhiều tình tiết, biến cố bất ngờ vốn là những yếu tố thường được sử dụng để xây dung nên một vở kịch hấp dẫn, kịch tính. Trái lại, nổi bật lên ở đây lại là việc diễn tả nhiều
sắc thái, có khi tinh vi của tình cảm, tâm trạng con người. Người trong cõi
nhớ với cách dẫn dắt đề tài độc đáo, giàu cảm xúc đã tạo nên một chất thơ
bàng bạc. Tác phẩm đánh dấu sự sáng tạo về mặt nghệ thuật cuả ngòi bút Lưu Quang Vũ.
Những triết lý trong kịch của anh có khi thể hiện gián tiếp qua cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, từ đó buộc người xem phải suy nghĩ, nhưng
cũng có khi được thể hiện trực tiếp qua ngôn ngữ kịch giàu chất thơ và ngôn ngữ của nhân vật.
Như vậy, kịch Lưu Quang Vũ vừa có tính thời sự lại vừa có tính triết lý, vừa đặt ra những vấn đề của đời sống hôm nay lại vừa luận bàn về những vấn đề có tính chất vĩnh cửu. Chính vì thế mà ở thời kì những năm 80 của thế kỉ XX, cùng với một số tác phẩm của các tác giả khác, kịch của anh đã tạo dựng được một không khí sân khấu rất sôI nổi với tính chiến đấu cao. Đến giai đoạn sau này, khi mà thời đại đã đổi thay, những vở kịch đáp ứng nhu cầu thời sự tức thời không còn gây nên những chấn động trong tư duy của con người nữa, thì những vở kịch giàu chất triết lý, giàu chất thơ và tinh thần nhân văn cao đẹp của anh lại được công chúng mến mộ.