Ngôn ngữ mang tính hành động

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ (Trang 109)

- Xung đột giữa cái thiện và cái ác

3.3.2.2. Ngôn ngữ mang tính hành động

Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ để diễn xướng trong không gian sân khấu, là ngôn ngữ có trù tính đến hiệu quả đối với công chúng, tức là dạng ngôn ngữ mang tính sân khấu” [24,740]. Diễn viên dựa vào lời thoại để biểu diễn, để sống với vai diễn một cách sinh động. Ngôn ngữ mang tính sân khấu là ngôn ngữ đi kèm với động tác diễn xuất của diễn viên; kết hợp với các cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, lời thoại của các nhân vật giúp người xem hiểu nhân vật đã làm gì, đang làm gì và dự định sẽ làm gì.

Ngôn ngữ kịch Lưu Quang Vũ mang tính hành động, thể hiện hành động và có tác dụng như hành động. Mỗi lời thoại vừa được phát ra, lập tức có một phản hành động đáp lại, tuỳ theo mục đích cụ thể của từng nhân vật lúc đó. Lời thoại cho người xem thấy các nhân vật liên tục tác động lẫn nhau, chuyển hướng hành động và mức độ nông hay sâu của mâu thuẫn giữa họ. Bên này tấn công bằng lời nói, bên kia chống đỡ và tấn công lại một

cách mạnh mẽ hơn. Tuyến hành động cứ thế tiếp tục cho đến khi cái nút kịch được mở ra.

Bình luận về kịch Lưu Quang Vũ, Phan Trọng Thưởng đã ghi nhận: “Có những người từ góc độ xã hội học cho rằng kịch Lưu Quang Vũ hay bởi nó đáp ứng yêu cầu thời sự, được cả xã hội quan tâm, đưa được lên sân khấu những vấn đề quan thiết, nóng bỏng của thực tiễn đời sống. Những người từ những góc độ nghề nghiệp sân khấu khác nhau thì cho rằng kịch của anh dễ dàn dựng, dễ diễn và dễ ăn khách…”[12, 339]. Kịch bản dễ dàn dựng là kịch bản mà ngôn ngữ trong đó ngoài phẩm chất gần gũi đời thường, cô đọng,“ý tại ngôn ngoại” nó còn mang tính hành động rõ rệt. Sự giằng co giữa các nhân vật đối lập diễn ra căng thẳng, buộc đối phương phải tích cực hành động, tấn công rồi phản công, thuyết phục hoặc phủ nhận sự thuyết phục… Cũng có khi là bên này đe dọa còn bên kia coi thường sự đe dọa. Đoạn đối thoại giữa phó giám đốc Nguyễn Chính với giám đốc Hoàng Việt là một ví dụ:

NGUYỄN CHÍNH: Đồng chí bất chấp các quy định nghiêm ngặt của cả một hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng, lao động, vật tư…

HOÀNG VIỆT: Những quy định từ lâu đã thành bất hợp lý, phục vụ cho một cơ cấu quản lý đã cũ kỹ, lạc hậu.

NGUYỄN CHÍNH: Đã cũ kỹ, lạc hậu…Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta có hôm nay, có chủ nghiã xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội vã phủ nhận!

HOÀNG VIỆT: Sự vật không đứng yên , cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ, mong anh thông cảm và hiểu cho tôi.

NGUYỄN CHÍNH: Tất cả những việc đồng chí định tiến hành không có trong nghị quyết Đảng uỷ. Đảng uỷ chưa quyết định, đồng chí Việt ạ!

HOÀNG VIỆT: Có. Nghị quyết Đảng uỷ là đẩy mạnh sản xuất và ổn định đời sống công nhân. Còn biện pháp thực hiện thế nào là trách nhiệm của giám đốc” [27,39].

Ban đầu, trước sự đe dọa của Chính, Việt dùng lý lẽ nhẹ nhàng, mềm mỏng, giải thích cho đối phương. Nhưng Chính vốn sắc sảo, y cố ý nhắc đến nghị quyết Đảng ủy. Việt cũng trả lời y trên tinh thần nghị quyết Đảng uỷ và nhấn mạnh trách nhiệm của bản thân anh trước Đảng. Lần này Việt quyết định phải tỏ rõ tính quyết đoán của mình, cho nên lời thoại của anh có giọng gay gắt hơn. Tất nhiên Chính không khoanh tay để cho Việt được yên. Cuộc va chạm giữa họ vẫn còn tiếp tục và tạo ra các sự biến lớn nhỏ. Họ giống như hai mặt đối lập liên tục đấu tranh với nhau.

Lưu Quang Vũ luôn chú ý để mỗi lời nói mà nhân vật phát ra đều có

mục đích rõ ràng, có thể là một bên ra sức khẩn cầu nhưng bên kia lại thẳng

thừng chối từ. Chẳng hạn như đoạn đối thoại giữa bác sĩ Thành với anh ruột

của một bệnh nhân vừa mới qua đời tại một khoa khác trong bệnh viện:

NGƯỜI ĐÀN ÔNG: …Bệnh viện đã hết lòng cứu chữa cho em tôi. Dù chú nó không được sống, chúng tôi vẫn biết ơn, bệnh viện cần gì, giúp được các bác sĩ việc gì… tôi xin sẵn lòng.

THÀNH (đắn đo): Một việc cũng… cũng…cũng phải tạ lỗi với bác trước, bác thật thông cảm thì mới dám thưa. Việc này không phải để cho chúng tôi, mà để cứu chữa cho một thương binh. Anh ấy bị mù, chúng tôi có thể chữa cho anh ấy được, với điều kiện có giác mạc của một người vừa chết. Tóm lại chúng tôi muốn được… xin đôi mắt của người em giai của bác. (…)

NGƯỜI ĐÀN ÔNG : Nhưng tại sao phải lấy đôi mắt của em tôi. Trời! Khủng khiếp! Chú ấy chết rồi mà vẫn không yên ư ? Các anh nghĩ gì tàn nhẫn vậy, các anh nỡ làm thế ? (…) Không bao giờ! Tôi không bao giờ đồng ý! Tôi không cho phép, không được động đến em tôi. Chú ấy chưa đủ khổ sao mà các người … các người thật tàn nhẫn! Không, tôi cấm!...”[26,188].

Người đàn ông chuyển từ thái độ sởi lởi, thiện chí sang phẫn nộ, tức bực. Ông ta lặp lại hai lần từ “tàn nhẫn” và nhanh chóng kết tội các bác sĩ.

Lúc này, lời thoại của ông ta gồm một chuỗi năm câu phủ định đi liền nhau với năm từ “không” dứt khoát, phủ định hoàn toàn. Phản ứng này cũng đúng với quy luật tâm lý thông thường của con người khi họ đang đau đớn vì vĩnh viễn mất đi một người thân yêu. Sau này Thành đã nhận ra chuyện đi xin này là một sai lầm vì anh đã chưa chú ý đầy đủ đến yếu tố tâm lý của họ. Qua đoạn đối thoại, người xem hiểu thêm công việc của người thầy thuốc, họ trải qua quá trình nghiên cứu khoa học miệt mài quên ăn quên ngủ, lại phải đối mặt với thực tế khách quan đầy trở ngại. Không có thành công nào lại đến một cách dễ dàng.

Lời thoại của nhân vật không chỉ có khả năng thay đổi tính chất mối quan hệ giữa các nhân vật mà còn là nguyên cớ dẫn đến hành động tiếp theo của nhân vật khác. Nhiều khi những lời nói có ý nghiã rất lớn đối với số

phận con người. Nhờ lời nói cao thượng của kỹ sư Toàn ( Nguồn sáng trong

đời ) mà Chí thoát khỏi cảnh mù lòa. Nhưng cũng do lời vu khống của tên

Tuần – chủ tịch xã ( Lời thề thứ chín ) mà ông Thịnh từ vô tội thành có tội,

bị tống giam trái phép mà cấp huyện, cấp tỉnh cũng không hề biết. Ngôn ngữ hành động thể hiện rõ qua cảnh Xuyên, Đôn, Tạ, Hiến từ biên giới vượt đường xa bất ngờ trở về, dùng vũ khí hỏi tội tên Tuần lúc hắn đang ngả

người trên ghế nghe máy hát. Đôn tấn công còn Tuần phải tìm cách chống

đỡ :

ĐÔN: Tắt máy đi! Nghe eo éo lộn ruột lắm! Tắt máy đi mà nghe chúng tôi hỏi chuyện đây!

TUẦN: Có việc gì ? Ở đâu sồng sộc vào thế này? Các anh là ai ? ĐÔN: Rồi khắc biết .(với Tạ) Cậu cảnh giới cửa kia.

TUẦN: Kẻ cướp à? An cướp, ối giời ơi (định kêu)

ĐÔN: Im ! Muốn xỉa nhát này vào bụng không? Không kêu ai được đâu.Cổng ngoaì chúng ta đã đóng. Thằng gác đã bị trói vào chân bàn nhét giẻ vào mồm.

TUẦN (Lao tới nhấc máy điện thoại): Alô!

ĐÔN: Điện thoaị cũng bị cắt rồi, gọi trời! Khôn hồn ngồi xuống.Nghe đây Quách Văn Tuần! Chúng tôi không nhiều thời gian. Ông không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi thì biết rõ ông lắm. Chúng

tôi về đây là để hỏi tội ông. Nói vắn tắt, sau bẩy năm lừa đảo chiếm đoạt chức chủ tịch xã, ông có mấy tôị lớn như sau: Ức hiếp nhân dân, kéo bè kéo cánh họ hàng đè đầu cưỡi cổ người lương thiện! Lợi dụng chức quyền tham ô ăn cắp, ăn cướp của dân. Nịnh trên lừa dưới, chuyên đặt điều vu cáo hãm hại những người không bao che dung túng cho những tội lỗi của ông, trong đó có nhiều gia đình liệt sĩ, bộ đội.(…)

TUẦN: Này, lũ các anh là ai, làm trò gì thế?

ĐÔN: Ngồi yên! Cầm bút viết đi! Một là viết hai là đi châù ông vải. Viết! ‘Tôi Quách Văn Tuần thú nhận rằng mình có tội lỗi sau đây’, Viết!”[31,271].

Đa số câu thọai của Đôn ngắn gọn, có bốn câu cấu trúc chỉ gồm một tiếng, một câu ghép hai âm tiết, bốn câu theo kiểu câu ba âm tiết. Nếu câu thoại dài hơn thì lại ngắt nhịp nhanh, dồn dập, phù hợp với tình thế khẩn trương, hoàn cảnh eo hẹp về thời gian của các chiến sĩ. Qua lời Đôn, người xem không chỉ hiểu các chiến sĩ nghĩ gì, hành động gì mà còn nhận rõ bộ mặt thật, bản chất xấu xa của tên Tuần.

Ngôn ngữ có tính hành động vừa thể hiện hành động bên ngoài vưà gợi tả hành động bên trong của nhân vật. Hãy xem đoạn đối thoại giữa hồn

Trương Ba và tên lý trưởng, một bên chất vấn còn bên kia lảng tránh sự chất

vấn. Qua lời thoại của tên lý trưởng, người xem thấy rõ hắn đã vòi vĩnh nhận tiền và quà hối lộ của con trai ông Trương Ba, hành động bên ngoài của hắn gắn liền với động cơ bên trong sôi sục lòng tham. Với bản chất tàn nhẫn, hắn còn mong khắp làng khắp tổng, ai cũng gặp hoàn cảnh trớ trêu như Trương Ba để hắn càng có nhiều cơ hội ăn của đút lót.

HỒN TRƯƠNG BA: Lại chuyện gì nữa?

LÝ TRƯỞNG: A, anh bạn ngồi đây mà tôi không hay! Hà hà… Chúng tớ vừa đi bù khú với nhau về, vui ra phết! Bố con ông quả là biết nể trên nhường dưới!(Chợt hỏi anh con trai) Ay, tấm vóc với gói tiền lúc nãy anh đưa ta đâu nhỉ…khéo quên ở hàng rượu…

ANH CON TRAI (cười): Quên đâu, ông lý để trong áo kia kìa! LÝ TRƯỞNG: A đây rồi, hì hì…Vui thật, hôm nay vui thật! Có thế chứ, phải biết dựa vào nhau, ăn ở cho biết điều là thông đồng bén

giọt cả!...Ờ, giá mà cả làng cả tổng, cả thiên hạ này đều hồn nọ lốt kia nhỉ! (chỉ vào mặt anh con trai) Biết đâu cái thân anh đây cũng đếch phải của anh? Kể cả tớ nữa… có khi… xưa kia hồn tớ là của thằng nỡm nào cũng nên! Hì hì, vui thật!

TRƯƠNG BA (xẵng): Thôi đi ! Các người hãy để cho tôi yên!”

[21,315].

Thấy con trai mình cùng với gã lý trưởng chuếnh choáng say, vốn ngay thẳng, hồn Trương Ba không giấu cảm giác khó chịu. Câu hỏi: “Lại chuyện gì nữa?” và thái độ của Trương Ba hé mở cho ta thấy nhân vật này đang rơi vào tâm trạng bức bối, héo hon, buồn bực. Lý trưởng không để ý đến câu hỏi của Trương Ba. Giữa lý trưởng và hồn Trương Ba có sự tương phản về tâm trạng. Đang hân hoan phấn khởi, lý trưởng thốt lên thành lời “vui thật”. Dân đen buồn khổ ư, mặc họ, y không quan tâm; y càng vui hơn khi người khác phải xu phụ, đút lót, cống nạp cho y. Cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật được miêu tả qua lời thoại hết sức gọn gàng nhưng giàu sức gợi. Ngôn ngữ có tính hành động trong kịch Lưu Quang Vũ là sự kế thừa truyền thống của thể loại kịch và được gia cố thêm chất văn học nên hấp dẫn người xem.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ (Trang 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)