Một số kinh nghiệm phát triển du lịch lễ hội ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng (Trang 34)

7. Đóng góp mới của luận văn

1.3.1. Một số kinh nghiệm phát triển du lịch lễ hội ở Việt Nam

Du lịch lễ hội Yên Tử - tỉnh Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử là lễ hội hành hương lớn thứ hai sau lễ hội chùa Hương, diễn ra vào mùa xuân ở nước ta với cả quy mô và thời gian trẫy hội. Hoạt động du lịch lễ hội ở Yên Tử hằng năm thu hút rất đông du khách đến tham quan. Khu di tích Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước. Danh thắng này gắn liền với tên tuổi của vị Vua Trần Nhân Tông khi ông nhường ngai vàng đến đây tu hành và lập ra một dòng Phật giáo riêng của nước ta đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với chùa Đồng, tại khu di tích này còn có cả chục chùa khác và hàng trăm tháp, am nằm rải rác trong một không gian rộng lớn của núi rừng hùng vĩ. Ngoài ngọn tháp cổ cao ba tầng bằng đá và rừng tháp gắn liền với biết bao huyền thoại về vị Vua Trần, thì một

điều hấp dẫn khách hành hương là những chùa, am, tháp cứ ẩn hiện trong rừng núi. Mỗi di tích đều kèm theo nhiều giai thoại hay những câu chuyện lịch sử có thật càng làm cho du khách thêm tò mò, thích thú. Những điểm nhấn chính là suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiên và đểm cuối cùng là chùa Đồng, trên trục chính ấy du khách còn gặp những tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng Yên Kì Sinh, am Ngoạ Vân, bàn cờ tiên, thác Vàng, thác Bạc, Thiền viện Trúc Lâm và nhiều am, tháp, thắng cảnh khác… Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm và cũng kéo dài suốt mùa xuân. Ca dao xưa có câu:

"Trăm năm tích đức tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu" [40]

Kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ hội ở Yên Tử là những bài học quý giá mà ban quản lý các lễ hội tham khảo. Con đường nhựa từ Quốc lộ 18 vào Yên Tử mới được nâng cấp rộng rãi, khang trang, xuyên qua những cánh rừng hòa quyện với vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên núi rừng. Suốt đoạn đường vào Yên Tử không xảy ra những cảnh phản cảm như ăn xin hay chèo kéo du khách. Khu di tích Yên Tử được quy hoạch khá bài bản từ bãi để xe rộng rãi đến tình hình thu gom rác, vệ sinh trong khuôn viên khu di tích và đường lên núi Yên Tử đều được quản lý rất chặt chẽ. Điều đáng ghi nhận là giá vé giữ xe và giá cả hàng hóa dịch vụ được ghi rõ trên bảng, không có sự mặc cả về việc mua bán sẽ tạo lòng tin và sự thoải mái cho du khách. Hiện nay, Yên Tử được giao cho công ty Tùng Lâm quản lý về vệ sinh, bố trí sắp xếp các hộ kinh doanh theo nề nếp trật tự và rất lịch sự.

Đối với những người ăn xin, được hỗ trợ bằng cách tạo công ăn việc làm chính đáng cho họ. Đó là bố trí và giúp vốn ban đầu cho họ có một chỗ để bán hàng, tạo điều kiện cho họ có thu nhập. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng yêu cầu họ ký vào cam kết không được tái phạm. Vì thế, tình hình ăn xin quấy rầy du khách giảm rõ rệt và hầu như không có ăn mày hiện diện ở lễ hội nữa. Một sự tiến bộ rất nhanh chóng, năm 2008, Yên Tử đón hàng triệu lượt khách du lịch. Vào những ngày cuối tuần, Yên Tử đón trên 7 vạn lượt khách, đông không kém gì chùa Hương.

Khu di tích Yên Tử đã thực hiện được rất nhiều cái “không” mà chùa Hương chưa làm được, đó là không ăn xin, không chèo kéo khách, không hầu đồng, không bói toán, không cờ bạc, trộm cắp… Ngoài ra, cư dân địa phương nơi đây rất thân thiện, mến khách và luôn cư xử hòa nhã.

Công ty Tùng Lâm là đơn vị đã làm tốt công tác tổ chức các hộ kinh doanh cá thể thành Hiệp hội kinh doanh Yên Tử. Một cách làm rất hay của ban quản lý Yên Tử là công ty tổ chức đào tạo, thi tuyển và cấp chứng chỉ cho các hộ dân tham gia Hiệp hội kinh doanh Yên Tử. Từ các khóa đào tạo đó, cư dân địa phương đã được học cách ứng xử hòa nhã, vui vẻ với khách và cách thức bán hàng, tạo ra phong cách phục vụ rất riêng và để lại ấn tượng đẹp cho du khách khi đến Yên Tử. Ngoài ra, mỗi năm các hộ kinh doanh được công ty cho đi tham quan ở Huế, Hội An, những nơi làm du lịch rất tốt để học tập với điều kiện là các hộ kinh doanh phải ký cam kết không được chèo kéo, nói thách và tranh giành khách. Giá bán các mặt hàng, thức ăn, nước uống đều phải được niêm yết theo đúng quy định của công ty. Nhà vệ sinh cũng là một điểm quan trọng được ban quản lý đầu tư xây dựng. Sự chu đáo, nhiệt tình với du khách còn thể hiện qua hình ảnh suốt đường lên núi có bố trí rất nhiều thùng đựng gậy trúc, hỗ trợ du khách trong quá trình leo núi.

Công tác thu gom rác được công ty Tùng Lâm rất chú trọng. Hàng ngày, luôn có 100 nhân viên thu gom rác, làm việc liên tục 24/24h. Vào những ngày cao điểm, lực lượng Công an và bảo vệ luôn túc trực và mặc thường phục để hòa vào lễ hội nhằm phát hiện ra kẻ gian lợi dụng đám đông móc túi, trộm cắp, cướp giật. Lực lượng công an mặc thường phục làm việc hiệu quả khá cao và không gây cho du khách cảm giác nặng nề, gò bó cho du khách khi thưởng ngoạn cảnh đẹp và lễ Phật. Ngay khu vực chờ đi cáp treo được bố trí một sân khấu phục vụ văn nghệ truyền thống giúp du khách quên đi sự sốt ruột vì phải chờ đợi tới lượt đi cáp treo.

Ngay dưới chân núi, đội xe ôm được xếp hàng nghiêm chỉnh, mặc đồng phục và không tranh giành khách, từng xe một chờ đến lượt phục vụ khách, với giá được qui định chung. Nếu xe ôm nào vòi vĩnh thêm tiền thì du khách có thể báo với cơ quan quản lý lễ hội và ban quản lý sẽ mời họ ra khỏi “hiệp hội xe ôm” ngay.

Lễ hội Yên Tử hằng năm thu hút rất đông du khách nhưng an ninh trật tự vẫn được đảm bảo tốt, không có tình trạng ăn xin, chèo kéo du khách, khu vực Yên Tử luôn khang trang sạch đẹp,.... Đó chính là nhờ vào công tác quản lý chặt chẽ, giải quyết triệt để những vấn nạn phát sinh trong quá trình diễn ra lễ hội. Đây là một bài học kinh nghiệm quí báu cho các ban quản lý lễ hội trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Du lịch lễ hội Kiếp Bạc – tỉnh Hải Dương

Lễ hội Kiếp Bạc của tỉnh Hải Dương được tổ chức nâng cấp năm 2006, với số vốn đầu tư là 1.200.000.000 đồng. Việc phục dựng những nghi lễ cổ truyền mà người dân ở các cộng đồng sở tại đảm nhiệm như tế lễ, rước sách, múa rồng, đánh trống…, tạo thêm niềm hân hoan cho cư dân đi xem hội. Đặc biệt, nhiều hoạt động có tính đột phá trên phương diện truyền thông đã trở thành điểm nhấn của lễ hội như diễn xướng “Hội thủy quân” của hàng trăm thuyền đi biển do các cộng đồng ngư dân từ Cát Bà, Đồ Sơn và Hải Dương tham gia, “Liên hoan diễn xướng hầu thánh” (hầu đồng), hệ thống nghi lễ lần đầu tiên được tu chỉnh một cách bài bản, lần đầu tiên phục dựng “lễ ban ấn của Hưng Đạo Đại Vương”.

Lễ hội truyền thống ở Kiếp Bạc kết hợp với các hoạt động hiện đại tạo nên bức tranh đa màu sắc cho lễ hội như màn pháo bông làm hàng vạn người dân quanh vùng náo nức đón xem. Những đầu tư về vật chất và "công nghệ” để tổ chức, vận hành lễ hội đã được ban quản lý di tích Kiếp Bạc tiếp nhận. Đây là nguồn kinh phí góp phần không nhỏ vào việc tổ chức lễ hội trong những năm tiếp theo. Lễ hội Kiếp Bạc đã tạo dựng được “thương hiệu” riêng, đó chính là nơi diễn ra liên hoan hầu đồng lớn nhất, có uy tín nhất ở Việt Nam; và là nơi duy nhất có diễn xướng “Hội thủy quân” của hàng trăm chiến thuyền vô cùng dũng mãnh.

Về mặt kinh phí, ngoài việc xã có nguồn thu riêng từ hai ngôi đền Nam Tào, Bắc Đẩu, từ thu phí xe máy và ô tô, cho thuê dịch vụ, hàng năm ban quản lý di tích thu được hàng chục tỷ từ tiền bán vé và công đức trong nội khu đền Kiếp Bạc để nộp cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê của ban quản lý di tích Đền Kiếp Bạc, năm 2006 doanh thu là 9 tỷ, năm 2007 doanh thu đạt 11 tỷ. [61]

Du lịch lễ hội tịch điền Đọi Sơn – tỉnh Hà Nam

Lễ hội tịch điền Đọi Sơn được quan tâm đầu tư nâng cấp 2010, với tổng kinh phí đầu tư là 1.500.000.000 đồng. Lễ hội tịch điền Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam; là một tỉnh mới được tái lập lại (tách từ tỉnh Nam Hà). Chính vì thế, Lễ hội này cũng rất mờ nhạt trong nhận thức của người dân cả nước. Với mong muốn xây dựng một biểu tượng văn hóa để quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế, du lịch của tỉnh Hà Nam, lãnh đạo tỉnh đã đầu tư nâng cấp lễ hội tịch điền Đọi Sơn. Hoạt động tổ chức và phục dựng lễ hội tịch điền Đọi Sơn đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong phát triển du lịch của tỉnh và thỏa ước mong của người dân địa phương.

Khu di tích Đọi Sơn là nơi có nhiều tiềm năng văn hóa du lịch như sông Châu, núi Đọi, chùa Long Đọi Sơn, làng nghề làm trống Đọi Tam và đặc biệt là những huyền tích liên quan đến các vị Vua như Lê Đại Hành và các vị Vua nhà Lý. Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, ý nghĩa của việc phục dựng lễ hội tịch điền là:

+ Xây dựng một biểu tượng văn hóa độc đáo cho Hà Nam. Bởi vì, nơi đây có sự tích Vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền. Đây là sự kiện được các sách sử ghi chép như là vị Vua đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành nghi lễ này.

+ Làm điểm nhấn để khu vực Đọi Sơn trở thành một cụm sản phẩm văn hóa du lịch trong "tour" du lịch chùa Hương (Hà Tây cũ) - Đọi Sơn (Hà Nam) - chợ Viềng (Nam Định) - Bái Đính (Ninh Bình)

Ban tổ chức đã dựa trên cơ sở lấy cộng đồng xã Đọi Sơn làm chủ thể của lễ hội. Trong đó, nhân dân làng Đọi Tam là xem là trung tâm, là hạt nhân trong tổ chức lễ hội. Các nghi lễ chính đã được diễn ra theo những khuôn mẫu của truyền thống như lễ cáo yết, rước nước, sái tịnh, mộc dục, tế, rước sách… Tuy nhiên, lễ hội đã được nâng cấp với quy mô hoành tráng hơn, đông vui hơn. Ví dụ điển hình như tăng số lượng người tham gia rước thần, trang phục, nghi trượng, cờ quạt, lễ vật…. Trong 2 ngày 1 đêm, nhiều hoạt động hấp dẫn của lễ hội đã thu hút hàng vạn du khách và nhân dân địa phương tham dự. Một nét đặc biệt của lễ hội là tổ chức được những hoạt động đã tạo nên thương hiệu của lễ hội, cụ thể là:

+ Hội thi vẽ/ trang trí trâu (ngày 6 tháng giêng): Hội thi vẽ là hoạt động độc đáo, đặc trưng chỉ có ở lễ hội tịch điền. Hội thi vẽ này được tổ chức trong khuôn khổ của lễ hội tịch điền với sự tham gia của nhiều họa sỹ đương đại từ các miền của đất nước và nước ngoài.

+ Màn đốt cây bông, pháo bông (tối mùng 6 tháng giêng): Thu hút hàng vạn người dân nô nức đón xem trong niềm vui tươi, phấn khởi.

+ Lễ tịch điền (ngày 7 tháng giêng) là một hoạt động độc đáo, tạo nên nét đặc trưng cho lễ hội tịch điền, Hà Nam [61]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)