7. Đóng góp mới của luận văn
2.1.3.2 Vài nét về văn hóa của người Khmer tỉnh Sóc Trăng
Trong văn hóa của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có hai dòng văn hóa cơ bản đã và đang tồn tại đan xen với nhau, tạo nên dáng vẻ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Thứ nhất, là dòng văn hóa được ảnh hưởng bởi Bà La Môn giáo, tuy hiện nay người Khmer không còn tôn thờ nhưng dấu vết của Bà La Môn giáo vẫn còn hiện diện mà không hề mất đi như bên cạnh việc thờ Phật người Khmer vẫn còn tục cúng bái Tổ tiên ông bà, cha mẹ. Bà La Môn giáo đã để lại những giá trị di sản văn hóa rất quý báu mà hiện nay chúng ta có thể tìm thấy ở loại hình kiến trúc, điêu khắc, văn học dân gian của người Khmer. Đặc biệt, ở bất cứ ngôi chùa nào của người Khmer cũng có khắc họa di sản văn hóa ấy như biểu tượng phù điêu đầu Thần Rồng hoặc Thần Rắn bảy đầu phùng mang xòe ra như cánh quạt, tượng Thần Krút, tượng Thần Kây No duyên dáng, ưỡn ngực bệ vệ dũng mãnh hai tay đứng đỡ mái chánh điện trong chùa.
Thứ hai, dòng văn hóa ảnh hưởng Phật giáo Nam Tông được hình thành ngay từ khi đạo Phật có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội của người Khmer. Người Khmer chịu ảnh hưởng sâu sắc những trào lưu văn hóa tôn giáo Ấn Ðộ mà trước hết là Bà La Môn giáo và sau đó là Phật giáo Nam Tông. Nói đến Phật giáo thì phải nói đến các ngôi chùa Khmer to đẹp, khang trang lộng lẫy; chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà chùa còn là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần, lễ hội... Dòng văn hóa ảnh hưởng Phật giáo thường được đề cập trong kho tàng văn học dân gian của người Khmer với nhiều truyện thần thoại phổ biến như nguồn vũ trụ và muôn loài, sự tích đức Phật Thích Ca, sự tích mưa gió, Mặt trời, Mặt trăng. Để giải thích về hiện tượng sấm sét, người Khmer có truyện Mê - Khă – la, và để kể sự tích về nhật thực thì có truyện Rea hu, hoặc những tác phẩm văn học lớn hơn nữa được sử dụng trong các vở diễn sân khấu Rô băm, Dù kê,… Các yếu tố Phật giáo đã thể hiện rõ nét ở hầu hết các nội dung phản ánh cái thiện và cái ác. Người Khmer
cho rằng người ở hiền sẽ gặp lành, ở ác sẽ gặp ác. Các phong tục tập quán, quan hệ sinh hoạt gia đình của người Khmer đều được xây dựng trên nền tảng tinh thần của Phật giáo Nam Tông với đạo lý truyền thống chung là khuyên răn mọi người hãy làm những điều thiện, hãy tránh xa những điều ác qua các tục ngữ thơ ca, lời giáo huấn của đức Phật.
Ngoài ra, văn hóa của người Khmer tỉnh Sóc Trăng còn có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của người Kinh và người Hoa hình thành nền văn hóa riêng, thống nhất trong đa dạng giữa các sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em. Điển hình là văn hóa bản địa kết hợp yếu tố văn hóa truyền thống của các dân tộc Kinh, Hoa thông qua đặc điểm lối sống xen cư đã đưa đến sự giao thoa, tiếp biến văn hóa. Văn hóa truyền thống của người Khmer tỉnh Sóc Trăng không chỉ là ngôi chùa trang hoàng, đồ sộ mà còn là lối kiến trúc độc đáo, đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện và sắc xảo. Ở nghệ thuật điêu khắc có rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật rất phong phú, đa dạng, mỗi loại đều thể hiện phong cách, đặc điểm, có những nét đẹp sáng tạo độc đáo, tạo nên một giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc mình. (xem phụ lục 2)