7. Đóng góp mới của luận văn
2.2.4. Nhân lực trong du lịch lễ hội
Nguồn nhân lực trong du lịch nói chung và trong du lịch lễ hội nói riêng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành. Năm 2010, toàn ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng có 484 lao động. Phân theo trình độ lao động có 01 lao động có trình độ trên đại học, 59 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, 35 lao động có trình độ trung cấp, 78 lao động trình độ sơ cấp và 311 lao động phổ thông. Dựa trên tiêu chí phân loại lao động có 12 lao động là đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, 48 lao động quản lý tại các doanh nghiệp và 424 lao động nghiệp vụ. Trong số đó, chỉ có 2 lao động được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Số lượng lao động chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn về du lịch chiếm tỷ trọng khá cao, cụ thể số lao động chưa qua đào tạo năm 2009 chiếm 63,2% trên tổng số lao động trong ngành du lịch. Điều này, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ du lịch ở tỉnh Sóc Trăng.
Đối với hoạt động du lịch lễ hội, số lượng lao động thời vụ trong du lịch và những hộ dân buôn bán tự phát cũng tăng vọt, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội và gây khó khăn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh du lịch cũng như thống kê số liệu của tỉnh. Hiện tại, tỉnh Sóc Trăng chỉ có 1 công ty du
lịch là Công ty cổ phần thương mại và du lịch Sóc Trăng trụ sở tại 131 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Sóc Trăng. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tỉnh Sóc Trăng còn thiếu về lượng và yếu về chất nên chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa của người Khmer, nhất là trong các dịp lễ hội. Đội ngũ hướng dẫn viên được cấp thẻ còn quá ít, chủ yếu hiện nay là hướng dẫn viên tự do nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế. Tại các điểm du lịch chùa Khmer chưa có đội ngũ hướng dẫn viên cũng như thuyết minh viên. Nhà trưng bày văn hóa Khmer là điểm du lịch duy nhất của người Khmer có đội ngũ thuyết minh viên giới thiệu về văn hóa Khmer đến du khách. Tuy nhiên, nơi đây chỉ mới có 2 thuyết minh viên nhưng chưa được đào tạo chuẩn hóa về nghiệp vụ du lịch và còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài. Năm tháng đầu năm 2010, Nhà Trưng bày văn hóa Khmer thuộc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng đã tiếp đón gần 3.000 lượt khách tham quan du lịch đến từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… trong đó, có hơn 500 du khách là người nước ngoài.
Để phần nào củng cố đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch, năm 2010, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường nghiệp vụ du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bàn; đào tạo được 25 học viên thuộc 12 nhà hàng, quán ăn và vườn ẩm thực trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa, du lịch, thuyết minh viên du lịch. Tuy nhiên, số lượng lao động ít ỏi này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.