7. Đóng góp mới của luận văn
3.2.4. Giải pháp về nhân lực du lịch lễ hội của người Khmer Sóc Trăng
Con người luôn là yếu tố chủ đạo, quan trọng, quyết định của mọi sự phát triển. Vì vậy, cần có những giải pháp mang tính cấp thiết và đồng bộ để đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Trong đào tạo nhân lực bao gồm đào tạo nguồn nhân lực mới và tái đào tạo nguồn nhân lực hiện có. Bên cạnh đó, chúng ta cần coi trọng việc đào tạo những người lao động trực tiếp, lao động là cư dân địa phương, cán bộ quản lý phụ trách tổ chức quản lý các lễ hội.
Về nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức cho cán bộ quản lý bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm về việc quản lý du lịch của các tỉnh khác. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch cũng như cử người đi học tập đào tạo.
Mở nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho lao động trong ngành du lịch như nghiệp vụ bàn, nghiệp vụ buồng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch,… Các lớp đào tạo ngắn hạn này sẽ chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng lao động trong ngành du lịch chưa qua đào tạo.
Bên cạnh đó, cũng cần phải đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao. Vì thế, cần có nguồn tài chính thích hợp để đào tạo nguồn lao động có trình độ cao, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, các doanh nghiệp năng động và sáng tạo trong công việc. Đội ngũ lao động chất lượng cao này đủ khả năng điều hành và thích ứng với các hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch lễ hội nói riêng theo cơ chế thị trường.
Xã hội hóa công tác giáo dục du lịch, nâng cao trình độ học vấn người dân Khmer và nâng cao nhận thức về du lịch lễ hội cho người dân và khách du lịch là việc làm rất cần thiết. Cần hỗ trợ giáo dục cộng đồng cho những người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch lễ hội là cư dân địa phương. Bởi vì, họ là nhân tố chủ thể của lễ hội người Khmer tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh nên hỗ trợ và khuyến khích người Khmer tham gia làm du lịch như làm hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, bán hàng lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Khmer, kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách như ẩm thực, giải khát, cung cấp các dịch vụ lưu trú tại nhà dân,… Ngoài ra, trong thời gian diễn ra lễ hội, các hoạt động như trò chơi dân gian, các đám rước,… nên khuyến khích sự tham gia của du khách. Điều này, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, một kỷ niệm khó quên về chuyến du lịch lễ hội đến Sóc Trăng. Khi người dân nhận thức được lợi ích mà phát triển du lịch lễ mang lại, họ sẽ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi về quản lý lễ hội của nhà nước, cũng như hoan nghênh sự có mặt của du khách. Bên cạnh đó, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch cũng góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho cư dân địa phương.
3.2.5.Giải pháp về xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng
Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng bằng nhiều hình thức như:
- Phát huy thế mạnh xúc tiến sản phẩm du lịch lễ hội trong các kỳ hội chợ du lịch hoặc các kỳ hội thảo chuyên đề về du lịch trong và ngoài nước. Hằng năm, nên đăng cai tổ chức các hội chợ, hội thảo về du lịch nhằm thu hút khách tham quan, vui chơi, mua sắm và tìm hiểu nét đặc sắc trong lễ hội của người Khmer.
- Tổ chức thu thập tư liệu để biên tập, in ấn, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch nói chung và du lịch lễ hội nói riêng. Trong các ấn phẩm quảng bá du lịch lễ hội, nên đưa nhiều hình ảnh đặc sắc riêng của từng loại lễ hội và thời gian diễn ra lễ hội để thu hút sự chú ý của du khách.
- Liên kết với các đài phát thanh và truyền hình để thực hiện những đoạn phim tư liệu về lễ hội, về quảng bá du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, có thể cung cấp các tư liệu, bài viết, thông tin về lễ hội cho báo, đài và các chuyên trang du lịch trên website ngành và của tỉnh bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
- Liên kết các hãng lữ hành trong phạm vi cả nước tiêu biểu như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… để thiết kế một số chương trình tour giới thiệu, quảng bá về du lịch lễ hội ở Sóc Trăng. Từ những thị trường lớn này, có thể mở rộng để khai thác thị trường khách quốc tế.
- Tham gia tất cả các hoạt động du lịch của cả nước do Tổng cục hoặc các tỉnh thành phố tổ chức như hội chợ du lịch, hội thi hướng dẫn viên du lịch, lễ hội…là cơ hội để giới thiệu sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đến bạn bè trong và ngoài nước.
- Tăng cường công tác quảng bá các tour lễ hội, tour đặc sắc với những hình thức mới lạ, chuyên nghiệp nhằm tập trung sự hấp dẫn du khách đến với lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng. Giới thiệu thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sách hướng dẫn, tờ rơi, tờ bướm,…
Trên website của tỉnh nên có nhiều nội dung về lễ hội của người Khmer với những hình ảnh thật hấp dẫn, rõ nét, sinh động và hào hứng của không khí lễ hội để thu hút du khách. Website nên bổ sung phần viết bằng tiếng Anh để khách quốc tế cũng biết đến các lễ hội của người Khmer.