Lịch sử hình thành tộc người Khmer

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng (Trang 51)

7. Đóng góp mới của luận văn

2.1.3.1. Lịch sử hình thành tộc người Khmer

Sóc Trăng là tỉnh có 3 dân tộc chủ yếu Kinh – Khmer – Hoa cùng sinh sống xen cư với nhau từ rất lâu đời. Về mặt chủng tộc, người Khmer ĐBSCL nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng tuy có chung nguồn gốc, chủng tộc với người Khmer Campuchia nhưng do sự biến đổi của lịch sử cho nên từ lâu người Khmer ở nơi đây đã trở thành tộc người của hai quốc gia độc lập riêng biệt. Vì thế, văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng tuy có điểm tương đồng với văn hóa người Khmer Campuchia, nhưng cũng có sự khác biệt do sự thích nghi với điều kiện tự nhiên vùng ĐBSCL và sự giao thoa văn hóa với hai dân tộc anh em là người Hoa và người Kinh. Tuy nhiên, người Khmer tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc sắc và độc đáo của dân tộc mình. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua các ngôi chùa Khmer và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở mỗi phum sóc, gắn liền với Phật giáo Nam tông Tiểu thừa qua các lễ hội truyền thống dân gian, các hình thức nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc và phong tục tập quán của người Khmer. Những nét độc đáo trong văn hóa của người Khmer tỉnh Sóc Trăng và đặc biệt là trong lễ hội đã góp phần làm đa dạng, phong phú hơn nền văn hóa ĐBSCL nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung.

Theo tài liệu nghiên cứu của Viện văn hóa về văn hóa người Khmer vùng ĐBSCL do Giáo sư Trường Lưu chủ biên, tộc người Khmer ĐBSCL và người Khmer tỉnh Sóc Trăng nguồn gốc vốn là người Văn Năh (Phù Nam) mà từ cuối Thế kỷ thứ VI trở đi đã bị tộc người Chenla (Camphuchia hoặc Chân Lạp) thống trị và đồng hóa dần trong vòng mười hai Thế kỷ. Giờ đây, người Khmer đương nhiên đã trở thành một thành viên quan trọng trong cộng đồng 54 dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Từ 200 – 300 năm TCN, người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã sống tập trung thành phum, không còn du canh du cư. Lúc này, họ đã có tiếng nói riêng, sống trong những ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước và biết dùng búa để đốn gỗ, dùng đá mài để cọ lửa, dùng hủ đựng lúa, dùng chậu đựng nước và rượu. Thức ăn chính là cơm, cá, thịt, ốc, sò, vọp, hến,… Người Khmer đã biết làm nồi cà-om, đặc biệt là cách dùng móng tay để vẽ đường thẳng hoặc cong thật mềm mại trang trí trên cà- om, nồi,… Thời kỳ này cũng đã xuất hiện nghề dệt tơ, vải, bố bằng cách dùng con thoi bằng đá để may quần áo và họ còn biết nấu sắt, đồng để làm đồ trang sức như dây đeo cổ, vòng đeo cổ tay, cổ chân. Hình thức sống tập trung thành từng phum của người Khmer tỉnh Sóc Trăng và dùng lá dừa nước để lợp nhà là điểm đặc trưng khác hẳn với người Khmer Campuchia. Thời ấy, về tín ngưỡng họ thờ Ark, Neakta, Tevôda và xã hội theo chế độ mẫu hệ. Khi trong nhà có người chết, người ta đem chôn (thổ táng) kèm theo các đồ vật dùng và trang sức,… Tất cả những điều đó khẳng định người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã có một nền văn hóa bản địa ngay trước khi người Ấn Độ mang nền văn hóa của họ đến ĐBSCL. Người Ấn Độ đến đây bằng đường biển với mục đích buôn bán, truyền giáo… Các thương nhân, giáo sĩ đã mang văn hóa, chữ nghĩa, kinh sách và cả quan điểm quân chủ Ấn Độ vào truyền bá ở ĐBSCL. Họ được người dân bản xứ rất hoan nghênh và đón tiếp long trọng, tôn làm thầy, thậm chí làm quan, làm Vua,… Từ đó, cho thấy mọi sự hiểu biết ban đầu của người Khmer đều xuất phát từ tự thân tộc người với nền văn hóa Phù Nam vừa mới định hình, có nguồn gốc Khmer-Môn. Bên cạnh đó, nền văn hóa này cũng chịu

sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ từ TCN đã tạo nên một nền văn hóa mới gọi là văn hóa Khmer – Ấn.

Cũng theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử, Phù Nam là một vương quốc lớn ở Đông Nam Châu Á, bao gồm nhiều bang lớn, nhỏ và thuộc quốc. Nhà Vua có quyền lực bao trùm. Cung điện nhà Vua được làm bằng gỗ, gồm các đền đài, nhiều tầng. Thần dân phải nộp thuế cho nhà Vua bằng vàng bạc, kim cương, ngọc thạch và cả nhiên liệu quý. Cư dân sống tập trung thành phum. Các phum lớn thường có khoảng 50 - 60 gia đình, trong phum có đào một cái ao công cộng chứa nước để dùng chung. Nhà trong phum cũng làm bằng gỗ và lợp bằng lá dừa nước. Người Phù Nam nước da ngâm, cao vừa phải, tóc quăn dợn sóng, tai đeo khoen, mặc “chăn” xếp về phía trước và cởi trần. Những lúc rảnh rỗi, họ thường bày ra các trò chơi truyền thống như chọi gà, chọi heo để giải trí. Khi có người qua đời, các xác chết được xử lí bằng bốn cách như thiêu, chôn, bỏ trôi sông và bỏ vào rừng vắng. Về mặt giáo dục, Vương quốc Phù Nam có nhiều thư viện lớn tàn trữ sách vỡ, tài liệu. Họ dùng chữ Pramei, tiếng Sanscrit được du nhập và dùng xen lẫn với tiếng Khmer-Môn. Số người Phù Nam theo đạo Bà-La-Môn phần lớn là hoàng tộc, quan lại. Họ thờ các thần Xiva, Visnu, Harihasa. Bên cạnh đó, người theo Phật giáo hầu hết là thường dân. Đại bộ phận theo tín ngưỡng Arak, Neakta, Têvôda, Kru và thờ cúng người đã khuất là truyền thống lâu đời của người Khmer. Đặc biệt, nông nghiệp là một nghề chiếm ưu thế hơn hết vì giai đoạn này thủy lợi đang phát triển rất mạnh. Ngoài ra, người Phù Nam còn biết nặng tượng, dệt vải, tơ lụa, biết chạm khắc vàng, bạc và nấu thủy tinh. Những hàng hóa ấy được đưa đi khắp thị trường Đông Nam Á và Nam Trung Hoa. Điều đó chứng tỏ thương mại đã rất phát triển từ xa xưa.

Như vậy, nền văn hóa Phù Nam là một nền văn hóa có tính chất vừa bản địa, vừa Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ không đến bằng con đường xâm lược nên được người Khmer tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận sâu sắc, có thể nói là được Khmer hóa đến cao độ. Những yếu tố văn hóa Ấn Độ đã góp phần tạo nên diện mạo đặc biệt không thể lẫn vào đâu được của nền văn hóa Khmer truyền thống.

Người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng và người Khmer Camphuchia có thể nói là cùng một chủng tộc và đã có một thời gian dài cùng chung sống với nhau trong cộng đồng Vương quốc Phù Nam. Qua những diễn biến lịch sử đã phân người Khmer thành hai khối là khối ở Camphuchia và khối ở ĐBSCL. Do hai khối ấy được phát triển trong môi trường chính trị, xã hội, kinh tế riêng biệt nên cả hai cũng mang những nét văn hóa đặc thù riêng. Vào những năm 30, luồng giao cư giữa hai nước mới thực sự được chấp nối lại. Đặc biệt trong thời gian này, hiện tượng giao lưu về mặt chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa đã diễn ra theo cả hai chiều là:

+ Nông dân Khmer, sau khi định cư tại Camphuchia đã du nhập vào môi trường mới, một số kĩ thuật canh tác của ĐBSCL, cả hình thức ca kịch Dù Kê vốn ra đời trên ĐBSCL, mà ngày nay người Khmer ở Camphuchia còn gọi là Lakhôn Basac (kịch của vùng Basac).

+ Ngược lại, Camphuchia truyền về cho ĐBSCL điệu múa cung đình Lâm Thôn (mà người Khmer Camphuchia gọi là Râm Kbach, Râm Vông), cùng các quan điểm xã hội tôn giáo như Kanăhpak, Phật giáo, Thêravada... Ngoài ra, cả sách báo xuất bản tại Camphuchia, tiểu thuyết lãng mạn, các loại sách tài liệu cổ động tinh thần dân tộc tôn giáo Hoàng gia, mỹ nghệ phẩm, phim ảnh, ca khúc mới… cũng được truyền bá trong đồng bào Khmer ở ĐBSCL và tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, sự biến đổi cơ cấu dân cư đã có ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa tộc người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Từ thế kỉ 15,16,17 trở về sau, đế chế Camphuchia thống trị ĐBSCL đã suy thoái, các hoàng tộc chia rẽ, chém giết nhau tranh giành ngôi vị dẫn đến loạn lạc liên tiếp, khiến cho đế chế dần dần lung lay, ly tán và thu hẹp lại. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, Trịnh –Nguyễn phân tranh kéo dài, trong thời buổi loạn lạc nhiễu nhương, nhiều người dân đã trốn chạy đi tha phương để tìm nơi yên lành sinh cơ lập nghiệp. Vua Cheay Chêđth thứ hai đã chính thức nhận bốn mươi ngàn hộ người Việt Nam vào ĐBSCL sinh sống. Đồng thời từ đó, ở Trung Hoa cũng có biến động lớn đã di cư lần hồi vào ĐBSCL và tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Lịch sử đã đưa người Việt đến ĐBSCL cùng với người Khmer và thiểu số người Hoa. Mặc dù khác biệt nhau về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập

quán… nhưng ba dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer đã sống chan hoà tình cảm trong mối quan hệ láng giềng và thái độ tương trợ đùm bọc lẫn nhau cho đến ngày nay. [36, tr.25 – tr. 38].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)