7. Đóng góp mới của luận văn
2.2.2.3. Không gian văn hóa của sản phẩm du lịch lễ hội
Người Khmer đa số theo đạo Phật, vì thế các lễ hội của người Khmer thường được tổ chức rất trọng thể tại chùa. Ngôi chùa Khmer không đơn thuần là nơi để dự lễ theo tín ngưỡng tôn giáo, mà còn là nơi đồng bào Khmer tập trung vui chơi, giải trí trong các dịp lễ hội. Chính vì thế, ngôi chùa được xem là không gian văn hóa đặc sắc trong sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer. Sóc Trăng hiện có 92 ngôi chùa Khmer được xây dựng đẹp, khang trang và lộng lẫy ở khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Đến với lễ hội của người Khmer, du khách không chỉ được thưởng thức sự trang nghiêm của phần lễ và vui nhộn của phần hội, mà còn tham quan những di tích, danh thắng và kiến trúc mỹ thuật, điêu khắc độc đáo của những ngôi chùa Khmer. Đây là cũng là một trong những nét đặc sắc thu hút du khách đến với sản phẩm du lịch lễ hội tỉnh Sóc Trăng, với những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, Chùa Khleang,…
Chùa Dơi (còn gọi là chùa Mahatup hay chùa Mã Tộc)
Điểm du lịch chùa Dơi đã và đang là điểm du lịch có sức hấp dẫn du khách nhất tỉnh Sóc Trăng. Chùa Dơi có lối kiến trúc điển hình cho văn hóa Khmer và là nơi trú ngụ của loài dơi quạ. Năm 1999, chùa Mahatup đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, thắng cảnh chùa Dơi đón hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nhất là vào các dịp lễ hội, Tết và vào mùa hè. Tỉnh Sóc Trăng đã có chính sách quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức hoạt động du lịch tại chùa Dơi. Tỉnh đã đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường dẫn vào chùa Dơi. Bên cạnh đó, dự án Khu du lịch Satraco, đối diện chùa Mahatup do công ty cổ phần Quốc tế Satraco làm chủ đầu tư cũng đang được khởi công xây dựng. Khu du lịch này được quy hoạch theo mô hình sinh thái nhằm tạo điểm nhấn cho điểm tham quan du lịch chùa Dơi. Các hạng mục công
trình được đầu tư tại khu du lịch này là sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân tộc, giới thiệu lịch sử hình thành khu di tích, lễ hội truyền thống tại địa phương và khu vực
Nam Bộ. Khu du lịch Satraco có quy mô diện tích khoảng 14.000 m2 với tổng vốn
đầu tư khoảng 26 tỷ đồng. Khi khu du lịch Satraco đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cung cấp đầy đủ hơn về dịch vụ, hàng hóa du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Chùa Khleang
Khleang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở tỉnh Sóc Trăng được xây dựng vào giữa Thế kỷ 16. Chùa Khleang đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm 1990. Nơi chính điện chùa có 16 cột bằng gỗ, rất to, đen mượt, được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và chung quanh đều được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật, thể hiện được sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa. Nơi chính điện là tượng Phật cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m được đúc vào năm 1916. Tượng được đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát và huyền ảo. Chung quanh tượng Phật lớn và tượng Phật nhỏ có nhiều tủ kính trưng bày các hiện vật gia dụng của cộng đồng người Khmer xưa như là một cách bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của dân tộc mình. Đây là ngôi chùa nằm ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng, vị trí rất thuận lợi nên có lượng khách đến tham quan đông và tương đối ổn định. Công tác tổ chức tại điểm du lịch chùa Khleang khá tốt, không có hiện tượng bán hàng rong, ăn xin như các điểm chùa khác. Vấn đề đầu tư, tôn tạo chùa cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên, điểm du lịch chùa Khleang chưa có đội ngũ thuyết minh viên tại điểm nên phần nào cũng hạn chế nhu cầu tìm hiểu về các giá trị văn hóa của ngôi chùa người Khmer.
Chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu)
Chùa Sà Lôn thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cách thị xã Sóc Trăng 12km về hướng Tây, hướng từ thị xã Sóc Trăng đi Bạc Liêu trên quốc lộ 1A. Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những mảnh bát (chén), đĩa sứ ốp lên tường trang trí cho ngôi chùa. Do đó, người dân thường gọi là chùa Chén Kiểu. Theo lời kể của vị trụ trì chùa Sà Lôn cho biết thuở ban đầu chùa được dựng bằng cây và lá rừng; khi đến chiến tranh, ngôi chánh điện bị sập do bom đạn tàn phá và chùa được dựng lại năm 1969, đến năm 1980 hoàn thành. Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Tại chùa Sà Lôn còn lưu giữ một bộ sưu tập đồ gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liêu năm 1947. Cột chùa Sà Lôn chạm nhiều hoa văn, đường viền độc đáo. Hai bên cổng có hai con sư tử bằng đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được chạm khắc, đắp nổi biểu trưng cho văn hóa truyền thống Khmer. Đặc biệt, trong lòng tháp chính giữa lồng một tấm kính, nổi bật tượng Phật ngồi uy nghi, như hiện hữu an lành ở chốn cảnh chùa. Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, mái nóc chùa Chén Kiểu có ba nếp, nếp dưới cùng lớn và nhỏ dần khi vút lên cao. Nếp phía trên có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong nguy nga. Mỗi nếp trang trí nhiều họa tiết và các tượng Khmer mang ước vọng bình yên, siêu thoát. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ đẹp mắt và sắc sảo. Bước vào gian thờ chính điện, sẽ thấy quần thể gồm 20 tượng Phật lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau. Tất cả được bố trí hợp lý, không gian tôn nghiêm luôn thơm mùi nhang khói. Phần sau chính điện vì thiếu kinh phí nên được các nghệ nhân sử dụng mảnh vỡ chén kiểu đắp vào. Từ đó, chùa có tên là chùa Chén Kiểu. Hiện nay, ngoài tín đồ Phật tử là đồng bào Khmer, chùa Chén Kiểu còn thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp mọi miền đổ về thắp hương, viếng cảnh chùa và chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc khá độc đáo của nghệ nhân Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên, công tác quy hoạch tổ chức hoạt động du lịch nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như điểm du lịch chùa Sà Lôn không có bãi giữ xe, nên các xe đến tham quan phải đậu trong khuôn viên chùa, trước cổng chùa và ven
đường quốc lộ 1A. Vào những dịp lễ hội, chùa thu hút rất đông du khách đến tham quan nên tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn chùa Sà Lôn khá phức tạp. Nhà chùa và công an địa phương phải bố trí lực lượng để giữ gìn trật tự an toàn giao thông nơi đây khá vất vả. Ngoài ra, điểm du lịch chùa Sà Lôn cũng không có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm phục vụ nhu cầu tìm hiểu về điểm du lịch chùa Sà Lôn cũng như văn hóa Khmer. Bên cạnh đó, trước cổng chùa và trong khu vực chùa vẫn còn tệ nạn xin ăn, bán hàng rong, bán vé số và chèo kéo du khách, gây phản cảm và để lại ấn tượng không tốt cho khách đến tham quan.
Nhà trưng bày văn hóa Khmer
Nhà trưng bày văn hóa Khmer tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng, đối diện chùa Khleang. Đây là một trong những nơi diễn ra các lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng hằng năm. Nhà trưng bày văn hóa là nơi thể hiện rõ nét nhất phong tục, tập quán, văn hóa của một dân tộc. Do đó, nhà trưng bày văn hóa Khmer thường được du khách chọn làm điểm tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Trong đó, đặc sắc nhất là những tượng người và muôn thú làm bằng gốc cây bình linh cách đây hơn 200 năm; những ngôi nhà sàn, nhà ở, cùng các nông cụ như cày, bừa, trục phá đất, tất cả đều được làm bằng tre, gỗ. Du khách còn hiểu thêm về loại hình nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê, hình thức sân khấu này lấy múa làm ngôn ngữ chính. Các mô hình ghe Ngo, lễ cúng trăng, nghệ thuật kiến trúc, trang phục của người Khmer Nam Bộ trong đời thường, lễ hội, lễ cưới… và dàn nhạc ngũ âm với 05 chất liệu khác nhau là đồng, gỗ, sắt, da và hơi. Công tác tổ chức quản lý điểm du lịch này khá tốt, trong khuôn viên nhà trưng bày có bãi đậu xe, có ban quản lý tiếp nhận các đoàn khách đến tham quan.