7. Đóng góp mới của luận văn
3.2.2. Giải pháp về sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc
Dựa vào cấu trúc của sản phẩm du lịch lễ hội để xác định điều kiện cần là tài nguyên du lịch lễ hội và điều kiện đủ là các hàng hóa dịch vụ. Từ đó cho thấy, tỉnh Sóc Trăng đã đáp ứng được điều kiện cần là nơi có tài nguyên du lịch lễ hội phong phú, rất đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Cái cốt lõi để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đó chính là tạo ra các hàng hóa dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của du khách đến với du lịch lễ hội. Các hàng hóa dịch vụ phục vụ du khách phải đảm bảo phát triển cả về lượng và chất, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Vì thế, tỉnh cần nhanh chóng tiến hành đánh giá, phân loại hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch, ban hành các quy định cụ thể về tiện nghi và chất lượng dịch vụ trong hệ thống các khách sạn, nhà hàng và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không bị xuống cấp.
Trong các dịp hội hè đông đúc, chất lượng dịch vụ thường bị giảm sút, trong khi giá cả hàng hóa thì tăng cao. Do đó, để sản phẩm du lịch lễ hội thực sự mang lại sự hài lòng cho du khách, cần coi trọng chất lượng dịch vụ trong mọi phương diện như thái độ phục vụ của nhân viên, sự phong phú đa dạng, tiện nghi, tiện ích của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và khả năng sẵn sàng phục vụ một cách nhanh chóng, chính xác. Nếu muốn đảm bảo chất lượng dịch vụ thì cần phải có những qui định nghiêm ngặt về chất lượng dịch vụ, giá cả và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao công nghệ phục vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch.
Bên cạnh đó, đầu tư khôi phục lễ hội của người Khmer cũng là một trong những giải pháp thiết thực giữ gìn tài nguyên lễ hội, nhằm tạo nên sản phẩm du lịch lễ hội hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Dựa trên tiềm năng du lịch của tỉnh Sóc Trăng nói chung và tiềm năng du lịch lễ hội của người Khmer nói riêng, chúng ta có thể xác định việc phát triển du lịch lễ hội của người Khmer là điều kiện để Sóc Trăng hình thành sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc riêng của du lịch Sóc Trăng. Qua khảo sát thực tế, tác giả nhận thấy những lễ hội của người Khmer như lễ hội Chol Chnam Thmay, lễ hội
Đôn Ta, lễ Ooc Om Boc, hội Đua Ghe Ngo, lễ hội Thác Côn, lễ Nhập Hạ, lễ Xuất Hạ, lễ Đặt Cơm Vắt, lễ Dâng Bông và Dâng Y Cà Sa là những sản phẩm du lịch lễ hội tiêu biểu cho văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, các điểm du lịch như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, Chùa Khleang, Bảo tàng Văn hóa Khmer là những điểm du lịch lễ hội đặc trưng cho văn hóa Khmer.
Ngoài ra, để sản phẩm du lịch lễ hội thực sự hấp dẫn, thu hút du khách cần phải phối hợp nhịp nhàng giữa yếu tố lễ hội truyền thống và hiện đại. Yếu tố truyền thống thường được tập trung ở phần lễ. Vì thế, phần hội có thể phát triển thêm các loại hình vui chơi giải trí mang tính hiện đại, hoặc kết hợp với màn trình diễn pháo hoa thu hút du khách chờ đón giờ phút bắn pháo hoa; hay tổ chức thi vẽ tranh, hóa trang theo chủ đề về văn hóa Khmer và phù hợp với từng loại hình lễ hội của người Khmer tại Sóc Trăng. Những hội thi như thế sẽ thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, báo chí, thu hút đông đảo các họa sĩ, nghệ sĩ và cư dân địa phương tham gia. Đây là điều kiện để chủ thể văn hóa lễ hội là người Khmer cùng với du khách có dịp giao lưu, thi tài cùng nhau, góp phần tạo nên không khí vui tươi của ngày hội. Nếu kết hợp hài hòa giữa yếu tố lễ hội truyền thống và hiện đại, sẽ lôi cuốn được cư dân địa phương và du khách hòa mình vào những hoạt động sôi nổi của lễ hội; chứ không chỉ là người đi “xem hội” đơn thuần.
Các công ty lữ hành nên thiết kế các tour du lịch đặc trưng như “Tìm hiểu văn hóa Khmer Nam Bộ”. Tour du lịch chuyên đề này sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa và lễ hội của Khmer với các điểm đến là Nhà trưng bày văn hóa Khmer, chùa Dơi, chùa Khleang, chùa Chén Kiểu, đồng thời thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Khmer, thưởng thức các loại hình văn hóa truyền thống của người Khmer. Ngoài ra, để tạo điểm nhấn cho du lịch Sóc Trăng nên khai thác chương trình tour “Vui đón lễ hội cùng đồng bào dân tộc Khmer” vào các dịp lễ hội như Ooc Om Boc, Chol Chnam Thmay, Đôn Ta,… Chương trình tour này nên thiết kế cho du khách tham gia vào sinh hoạt cộng đồng của người Khmer trong lễ Cúng Trăng vào ban đêm, tham gia Đua Ghe Ngo, tham gia các trò chơi dân gian và
thưởng thức món cốm dẹp, bún nước lèo, bánh tổ yến,… những món ăn đặc trưng của văn hóa Khmer.
Hiện nay, Sóc Trăng đã có chợ đêm và phố đi bộ vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần để phục vụ du khách. Tuy nhiên, để thu hút du khách, cần tổ chức bày bán các mặt hàng đặc trưng của văn hóa Khmer và các món ăn dân tộc, tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc để du khách có dịp giao lưu, tìm hiểu văn hóa Khmer,… Ngoài ra, các hàng hóa thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm của Sóc Trăng chưa tạo được điểm nhấn cho du lịch tỉnh. Vì thế, nên sản xuất hàng lưu niệm mang đậm phong cách văn hóa Khmer, tạo ấn tượng sâu đậm cho du khách khi đến Sóc Trăng. Cụ thể như chế tác các mô hình bằng mây tre, lá hoặc bằng giấy mô phỏng theo kiến trúc chùa của người Khmer, các tượng thần, nghệ thuật Khmer, các vật mô phỏng theo dàn nhạc ngũ âm, hoặc sản xuất các móc chìa khóa in biểu tượng, hình ảnh về văn hóa Khmer, nhằm tạo nét đặc trưng cho du lịch tỉnh Sóc Trăng.
3.2.3. Giải pháp về thị trường và khách du lịch lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng
Thị trường nói chung và thị trường khách du lịch lễ hội nói riêng là nhân tố quan trọng của sự phát triển du lịch lễ hội. Vì thế, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch thì đòi hỏi phải không ngừng mở rộng và phát triển thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Ở Sóc Trăng hiện nay, thị trường khách du lịch lễ hội chủ yếu là thị trường khách du lịch nội địa, thị trường khách du lịch Đông Bắc Á, ASEAN và các nước Âu, Mỹ.
Đối với thị trường khách du lịch nội địa đến với du lịch lễ hội của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng rất đa dạng về độ tuổi, thành phần xã hội và nghề nghiệp. Các hình thức tổ chức đi du lịch cũng rất khác nhau như gia đình tự tổ chức, mua tour từ công ty du lịch và tự tổ chức theo kiểu nhóm bạn bè. Vì thế, để xác định các thành phần khách cần được ưu tiên khai thác du lịch lễ hội thì cần phải căn cứ vào những đặc điểm về tâm lý, nhu cầu, sở thích, khả năng chi tiêu, hình thức tổ chức chuyến đi của du khách. Ngoài ra, cần mở rộng khai thác thị trường khách quốc tế, vì đây là thị trường khác có chi tiêu cao và nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa dân
tộc cũng rất cao. Cần tiến hành khảo sát, xác định nhóm đối tượng khách du lịch lễ hội để có hướng quy hoạch phát triển du lịch lễ hội phù hợp với nhu cầu, sở thích của du khách.
Trên cơ sở thống kê các lễ hội của người Khmer định đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch, nên tiến hành điều tra nghiên cứu nhu cầu, sự hài lòng của khách du lịch đến với lễ hội. Từ đó, tiến hành xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch lễ hội đặc trưng cho tỉnh Sóc Trăng theo hướng đa dạng hóa và chất lượng sản phẩm du lịch ngày càng được nâng cao. Đối với các công ty lữ hành, nên xây dựng hệ thống thu thập thông tin phản hồi thường xuyên từ phía khách du lịch lễ hội đến Sóc Trăng để làm căn cứ thống kê, phân tích nhu cầu của du khách và có các biện pháp sửa đổi phù hợp và kịp thời.
Ngoài ra, nhằm mục đích mở rộng thị trường, du lịch tỉnh Sóc Trăng nên liên kết với các tỉnh khác như Trà Vinh, An Giang và Cần Thơ tổ chức tour du lịch “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer” hoặc tổ chức tour “Vui hội Đôn Ta cùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng và An Giang” để du khách có dịp thưởng thức nét đặc sắc trong mỗi lễ hội của người Khmer ở mỗi tỉnh rất khác nhau. Điển hình như đến Sóc Trăng, du khách háo hức với lễ hội Đua Ghe Ngo và ở An Giang lại rất hào hứng sôi nổi với lễ hội Đua Bò vùng bảy núi.
3.2.4. Giải pháp về nhân lực du lịch lễ hội của người Khmer Sóc Trăng
Con người luôn là yếu tố chủ đạo, quan trọng, quyết định của mọi sự phát triển. Vì vậy, cần có những giải pháp mang tính cấp thiết và đồng bộ để đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Trong đào tạo nhân lực bao gồm đào tạo nguồn nhân lực mới và tái đào tạo nguồn nhân lực hiện có. Bên cạnh đó, chúng ta cần coi trọng việc đào tạo những người lao động trực tiếp, lao động là cư dân địa phương, cán bộ quản lý phụ trách tổ chức quản lý các lễ hội.
Về nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức cho cán bộ quản lý bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm về việc quản lý du lịch của các tỉnh khác. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho nguồn nhân lực du lịch cũng như cử người đi học tập đào tạo.
Mở nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho lao động trong ngành du lịch như nghiệp vụ bàn, nghiệp vụ buồng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch,… Các lớp đào tạo ngắn hạn này sẽ chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng lao động trong ngành du lịch chưa qua đào tạo.
Bên cạnh đó, cũng cần phải đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao. Vì thế, cần có nguồn tài chính thích hợp để đào tạo nguồn lao động có trình độ cao, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, các doanh nghiệp năng động và sáng tạo trong công việc. Đội ngũ lao động chất lượng cao này đủ khả năng điều hành và thích ứng với các hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch lễ hội nói riêng theo cơ chế thị trường.
Xã hội hóa công tác giáo dục du lịch, nâng cao trình độ học vấn người dân Khmer và nâng cao nhận thức về du lịch lễ hội cho người dân và khách du lịch là việc làm rất cần thiết. Cần hỗ trợ giáo dục cộng đồng cho những người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch lễ hội là cư dân địa phương. Bởi vì, họ là nhân tố chủ thể của lễ hội người Khmer tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh nên hỗ trợ và khuyến khích người Khmer tham gia làm du lịch như làm hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, bán hàng lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Khmer, kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách như ẩm thực, giải khát, cung cấp các dịch vụ lưu trú tại nhà dân,… Ngoài ra, trong thời gian diễn ra lễ hội, các hoạt động như trò chơi dân gian, các đám rước,… nên khuyến khích sự tham gia của du khách. Điều này, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, một kỷ niệm khó quên về chuyến du lịch lễ hội đến Sóc Trăng. Khi người dân nhận thức được lợi ích mà phát triển du lịch lễ mang lại, họ sẽ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi về quản lý lễ hội của nhà nước, cũng như hoan nghênh sự có mặt của du khách. Bên cạnh đó, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch cũng góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho cư dân địa phương.
3.2.5.Giải pháp về xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng
Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng bằng nhiều hình thức như:
- Phát huy thế mạnh xúc tiến sản phẩm du lịch lễ hội trong các kỳ hội chợ du lịch hoặc các kỳ hội thảo chuyên đề về du lịch trong và ngoài nước. Hằng năm, nên đăng cai tổ chức các hội chợ, hội thảo về du lịch nhằm thu hút khách tham quan, vui chơi, mua sắm và tìm hiểu nét đặc sắc trong lễ hội của người Khmer.
- Tổ chức thu thập tư liệu để biên tập, in ấn, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch nói chung và du lịch lễ hội nói riêng. Trong các ấn phẩm quảng bá du lịch lễ hội, nên đưa nhiều hình ảnh đặc sắc riêng của từng loại lễ hội và thời gian diễn ra lễ hội để thu hút sự chú ý của du khách.
- Liên kết với các đài phát thanh và truyền hình để thực hiện những đoạn phim tư liệu về lễ hội, về quảng bá du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, có thể cung cấp các tư liệu, bài viết, thông tin về lễ hội cho báo, đài và các chuyên trang du lịch trên website ngành và của tỉnh bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
- Liên kết các hãng lữ hành trong phạm vi cả nước tiêu biểu như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… để thiết kế một số chương trình tour giới thiệu, quảng bá về du lịch lễ hội ở Sóc Trăng. Từ những thị trường lớn này, có thể mở rộng để khai thác thị trường khách quốc tế.
- Tham gia tất cả các hoạt động du lịch của cả nước do Tổng cục hoặc các tỉnh thành phố tổ chức như hội chợ du lịch, hội thi hướng dẫn viên du lịch, lễ hội…là cơ hội để giới thiệu sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đến bạn bè trong và ngoài nước.
- Tăng cường công tác quảng bá các tour lễ hội, tour đặc sắc với những hình thức mới lạ, chuyên nghiệp nhằm tập trung sự hấp dẫn du khách đến với lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng. Giới thiệu thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sách hướng dẫn, tờ rơi, tờ bướm,…
Trên website của tỉnh nên có nhiều nội dung về lễ hội của người Khmer với những hình ảnh thật hấp dẫn, rõ nét, sinh động và hào hứng của không khí lễ hội để thu hút du khách. Website nên bổ sung phần viết bằng tiếng Anh để khách quốc tế cũng biết đến các lễ hội của người Khmer.
3.2.6. Giải pháp về bảo tồn di sản văn hóa trong du lịch lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng ở Sóc Trăng
Để bảo tồn di sản văn hóa trong du lịch lễ hội của người Khmer, cần có sự hỗ trợ từ phía các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trong cả nước, các nghệ nhân, trí thức người dân tộc Khmer để họ tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu, sưu tầm, truyền bá giá trị văn hoá lễ hội Khmer. Trong đó, cần phải đặt công tác tổng kiểm kê toàn bộ các lễ hội của người Khmer xưa kia và các lễ hội còn tồn tại cho đến ngày nay. Đây cũng là một giải pháp để di sản văn hoá này được bảo tồn một cách khá toàn diện. Tuy nhiên, nếu chỉ kiểm kê, sưu tầm, ghi chép bằng văn tự hoặc