7. Đóng góp mới của luận văn
2.2.2.4. Một số sản phẩm du lịch lễ hội của người Khmer tỉnh Sóc
Ở Sóc Trăng, lễ hội hầu như diễn ra quanh năm. Các lễ hội còn giữ được nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; mỗi lễ hội đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Một số sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống dân gian và lễ hội theo Phật giáo của người Khmer đã và đang được khai thác du lịch ở Sóc Trăng như:
* Lễ hội theo truyền thống dân gian
+ Lễ vào năm mới (Chol Chnam Thmay)
Lễ Chol Chnam Thmay được xem như ngày tết của người Khmer, còn được gọi là lễ Vào Năm Mới. Lễ Vào Năm Mới diễn ra vào giữa tháng tư dương lịch và kéo dài trong 3 ngày. Vì người Khmer đa số là tín đồ của đức Phật nên gia đình nào cũng làm bánh tét, bánh ngọt, hoa quả dâng vào chùa cúng Phật và sư sãi. Mọi nghi thức lễ và các sinh hoạt vui chơi ngày tết đều tập trung ở chùa.
Trong đêm giao thừa, mọi nhà đều đốt đèn, thắp hương, làm lễ đưa “Têvôđa” cũ và rước “Têvôđa” mới, vì họ tin rằng “Têvôđa” là vị tiên trời sai xuống để chăm lo cho dân chúng trong một năm, hết năm lại đưa vị khác xuống thay công việc đó. Ba ngày lễ chính thức được tiến hành như sau:
- Ngày đầu tiên của năm mới gọi là ngày “Chol Sangkran Thmay” vào giờ tốt, đồng bào Khmer đem lễ vật vào chùa để làm lễ rước lịch “Maha Sangkran” mới. “Maha Sangkran” là một quyển lịch do các đại đức thông qua thiên văn soạn để dùng cho một năm. Trong chùa với sự điều khiển của một vị Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới. Đến đêm, nhiều người ở lại nghe nhà sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ thì ra sân chùa múa hát, vui chơi đến tận khuya.
- Ngày kế tiếp gọi là ngày “Wonbơt”, đồng bào Khmer làm lễ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư sãi gọi là “Ween Chông Ham”. Trước khi ăn cơm được dâng, các sư sãi tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và đưa vật thực đến linh hồn thiếu đói. Sau khi ăn, các sư lại tụng kinh chúc phúc cho thí chủ. Vào buổi chiều, người Khmer tổ chức lễ đắp núi cát gọi là “Puôn Phnon Khsach”. Vị Acha hướng dẫn và làm rào bằng tre hoặc cây bao quanh núi cát. Những núi cát tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi có một hướng và núi thức chính ở giữa là trung tâm của thế giới. Sau đó, họ làm lễ qui y cho núi và đến sáng hôm sau thì làm lễ xuất thể. Tập tục này được người Khmer lưu giữ cho đến nay.
- Ngày cuối gọi là “Lơm Săk”, tức là ngày lễ tắm sư. Sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư, mọi người đem nước ướp hương thơm cùng nhang đèn vào
làm lễ tắm tượng Phật, kế tiếp là tắm cho các vị sư cao niên. Sau đó, họ mời các vị sư đến các ngôi tháp đựng hài cốt hoặc nghĩa trang để làm lễ cầu siêu gọi là “Băng Skôi” cho vong linh người chết. Cuối cùng, họ về nhà và làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, xong họ mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lỗi, xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ và dâng bánh trái đến ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Đến đêm, họ tiếp tục cúng bái Têvôđa mới và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya.
Ngày lễ Chol Chnam Thmay là ngày lễ truyền thống lớn của dân tộc Khmer. Ở một số nơi, đồng bào Khmer ăn tết vui chơi kéo dài cả tuần lễ mới thật sự trở lại cuộc sống bình thường.
+ Lễ cúng Ông Bà (Pithi Sen Đôn-Ta)
Lễ cúng Đôn-Ta được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch, nhằm mục đích tụng kinh cầu siêu, cầu phước cho linh hồn ông bà, thân nhân quá vãng. Bởi vì, theo phong tục tập quán của dân tộc người Khmer không có ngày giỗ kỵ hàng năm cho người chết. Quan niệm người Khmer cho rằng không có sự liên hệ giữa người sống và người chết nên họ tổ chức lễ Đôn-Ta là nhằm cầu phước cho vong linh người quá cố chứ không van vái cầu xin người chết một điều gì. Đây là điểm khác biệt trong đời sống tâm linh của người Khmer so với người Kinh hay một số dân tộc khác. Lễ Đôn-Ta được tổ chức làm ba ngày như sau:
Ngày thứ nhất là ngày cúng tiếp đón, người Khmer dọn mâm cơm rồi khấn vái mời linh hồn những người trong họ hàng đã quá vãng về ăn uống nghỉ ngơi. Sau đó, dọn một mâm khác ngoài hàng rào để mời các ma quỷ đã đưa ông bà về ở lại ăn uống vui chơi. Đến chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà và mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa để xem sư sãi tụng kinh và xem múa hát.
Ngày thứ hai, người Khmer đưa linh hồn ông bà về nhà làm cơm mời ông bà ăn, xin ông ở chơi với con cháu thêm một đêm nữa.
Ngày thứ 3 là ngày “cúng đưa”. Họ dọn cơm để trên tàu làm bằng bẹ chuối, bẹ cau cho ông bà đem theo ăn dọc đường. Trên xuồng, họ có treo cờ phướn hình tam giác khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi bè chuối với ý nghĩa phòng tránh tai
nạn dọc đường. Sau đó, họ đem bè chuối thả trên sông và mời bà con dùng cơm, vui chơi đến chiều mới chấm dứt lễ.
+ Lễ Cúng Trăng (Ooc Om Boc)
Lễ hội Ooc Om Boc hay còn gọi là lễ Cúng Trăng của dân tộc Khmer, được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội được tổ chức lớn nhất và thu hút đông đảo du khách nhất trong các lễ hội của người Khmer diễn ra ở Sóc Trăng. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng được xem như một vị Thần điều tiết mùa màng, giúp cho họ làm ăn phát đạt. Vì thế, lễ vật cúng trong lễ hội Ooc Om Boc thường là lúa nếp được quết thành cốm dẹp cùng dừa và các loại bánh, trái cây khác. Do thức cúng đặc biệt trong lễ này là cốm dẹp làm từ nếp mới, nên người ta còn gọi là lễ Đút Cốm Dẹp.
Vào đêm 15/10, trước khi trăng lên đỉnh đầu, mọi người tập trung trước sân chùa nơi không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng Mặt trăng. Họ làm một cái cổng bằng tre trang trí hoa lá và đặt bàn bày các vật cúng gồm cốm dẹp, dừa, chuối, khoai lang, khoai mì, bánh kẹo,…
Sau đó, mọi người chấp tay quay mặt về Mặt trăng để làm lễ xin Mặt trăng tiếp nhận những lễ vật và ban phước cho đồng bào sức khoẻ dồi dào, mưa thuận gió hòa… cúng xong, họ gọi trẻ em đến gần lấy cốm dẹp đút vào miệng trẻ em, còn tay kia đấm vào lưng các em và hỏi ước muốn gì. Người Khmer tin rằng câu trả lời của trẻ em là biểu hiện của kết quả tốt hay xấu trong năm tới. Sau đó, mọi người quây quần vui vẻ dùng các thức cúng, còn trẻ em thì vui chơi múa hát cho đến tận khuya.
Trong đêm cúng trăng, ở Sóc Trăng còn tổ chức thả đèn nước tại Hồ Nước Ngọt và trên sông Maspero, mang nét đẹp lung linh, huyền ảo. Tổ chức thả đèn nước dưới lòng sông để cúng dấu chân còn lưu lại của đức Phật trên sông “Na Mi Thi” hoặc làm mô hình tháp “Mô La Mu Ni” nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới. Trong lễ thả đèn gió thường có nghi thức cầu tam bảo, cúng trăng để cầu nguyện cho sự an vui, thịnh vượng và ước mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi nhà trong phum, sóc.
Đua Ghe Ngo là một hoạt động văn hóa thể thao truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Ooc Om Boc. Theo tục truyền, Đua Ghe Ngo có từ Thế kỷ 13 khi triều đình đế quốc Khmer xây xong đền Angkok Wat, mới tổ chức cuộc đua ghe hàng năm để biểu dương tinh thần thượng võ trên sông nước. Bên cạnh đó, lễ Đua Ghe Ngo cũng mang màu sắc Phật giáo với nhiều truyền thuyết khác nhau. Nhưng dù bắt nguồn từ đâu thì ngày hội Đua Ghe Ngo cũng mang ý nghĩa nhân văn và tượng trưng cho sức mạnh hào hùng của dân tộc Khmer.
Ngày nay, đồng bào Khmer tổ chức lễ Đua Ghe Ngo như một tục lệ hằng năm. Ghe Ngo là một loại ghe đặc biệt của nhà chùa, được xem như một vật linh thiêng và chỉ được dùng trong các cuộc đua mà thôi. Ghe Ngo có hình dáng dài như con thoi, đầu và đuôi cong lên, không mui, dài từ 22m đến 24m khoang chứa từ 43 đến 52 quân chèo. Ghe được làm bằng thân cây sao nguyên vẹn, khoét ruột do dân và chùa cùng làm. Ghe Ngo được trang trí rất mỹ thuật, sơn phết sặc sỡ với hình rồng, rắn, hổ, báo, gấu, cá sấu…
Trước ngày đua, ghe Ngo được làm lễ hạ thủy để các quân chèo tập luyện. Lễ Đua Ghe Ngo được tổ chức ở cầu Quay tại ngay Thị xã Sóc Trăng với sự tham gia nhiệt tình của 30 đến 40 ghe đến từ các tỉnh khác như Minh Hải, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng. Lễ Đua Ghe Ngo là sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Khmer ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, nó còn giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc với nhau và tạo không khí sôi nổi vui vẻ làm xóa tan bao âu lo mệt nhọc của đời sống thường ngày.
Vào cuộc thi, các ghe Ngo tập trung dàn hàng ngang ở điểm xuất phát, khẩn trương chuẩn bị thi tài. Một tiếng pháo hay còi ra hiệu lệnh, người ngồi đầu ghe xòe tay đánh nhịp chỉ huy. Người đứng giữa đánh chiêng thúc giục, động viên các tay bơi. Người cầm lái phải rất kinh nghiệm để điều khiển chiếc ghe Ngo lướt với tốc độ cao, không bị lật. Những chiếc ghe phóng vun vút, mái dầm loang loáng, rít veo véo xé tung mặt nước. Tiếng trống thúc giục hòa cùng tiếng reo hò cổ vũ vang lên tưng bừng, sôi động cả một khúc sông.
Hội đua ghe Ngo hàng năm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham dự trong tiếng hò reo vang dội cổ vũ cho các đội tham gia cuộc đua. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đang chuẩn bị đề án nâng cấp lễ hội Ooc Om Bóc và Đua Ghe Ngo lên cấp quốc gia và quốc tế.
+ Lễ hội Thác Côn (lễ hội Cúng Dừa)
Lễ hội Thác Côn được tổ chức vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, tại ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Lễ hội Thác Côn gắn liền với truyền thuyết về chiếc Cồng Vàng của vùng An Trạch xưa. Truyền thuyết ấy kể rằng: ngày xưa ở An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người dẫm lên phát ra âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Dân làng bèn lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thác Côn. Trong tiếng Khmer, Thác Côn có nghĩa đạp cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. Lễ hội Thác Côn có lệ cúng những chiếc bình bông làm bằng trái dừa. Nét độc đáo của vật cúng khiến người ta còn gọi lễ này bằng cái tên lễ Cúng Dừa.
Trước miếu thờ Ông Tà Thác Côn, người ta thiết kế làm một cái vựa, được bao bọc bởi lưới sắt hình chữ nhật cao hơn đầu người. Cặp dừa đem cúng trong miếu đặt trước bàn thờ Ông Tà Thác Côn, cúng xong trái dừa được để vào trong lưới sắt để không tràn lan ra ngoài. Người Khmer cúng dừa với tín ngưỡng dân gian truyền thống là cầu cho “tấm lòng trong trắng như nước ở trong trái dừa”.
Các thứ hoa trái tượng trưng cho sự thanh khiết và thiêng liêng như trầu cau, hoa sen, trái dừa… tập trung trên một vật cúng hết sức đặc biệt mà đồng bào Khmer gọi là Slathođôn – bình bông làm bằng trái dừa. Hoa sen với ý nghĩa thanh khiết, thánh thiện đã trở thành phổ biến trong văn hóa dân gian. Ngoài ra, người Khmer còn trang hoàng thêm bông huệ, bông cúc vạn thọ nhằm mục đích phối hợp màu sắc nhưng vẫn thống nhất về ý nghĩa Cúng Dừa. Phần đế cắm hoa được làm bằng trái dừa, loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành chẳng những chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Nam Bộ mang ý nghĩa cầu phước, cầu an. Trên
cái đế cắm độc đáo bày hoa lá, nhang đèn, sắp xếp sạch đẹp, ngăn nắp. Bình hoa Slathođôn giản dị, tiết kiệm và khá đẹp mang tính tượng trưng rất cao là lễ vật chủ yếu trong lễ cúng. Vì người Khmer quan niệm rằng đi lễ hội, viếng danh lam thắng cảnh là đem cái phước, cái lành về nhà nên người ta còn dâng cúng các vật phẩm như dầu gió, chỉ đỏ, cả hạt giống lúa, bắp và mang về nhà cầu mong gặp được nhiều may mắn.
Nghi thức cúng dừa làm cho lễ hội Thác Côn mang nét đặc trưng riêng với cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy ở bất kỳ lễ hội nào. Trong mỗi kỳ lễ hội, vùng An Trạch đón hàng vạn lượt khách từ khắp nơi về dự lễ. Họ đến đây vừa để trẩy hội vừa thành kính dâng hương khấn Phật cầu mong cho cuộc sống được an lành, hạnh phúc. Lễ Cúng Dừa kéo dài ba ngày, buổi chiều ngày thứ ba kết thúc lễ hội, nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trên những trái dừa chất đống cao như núi trong sân miếu Thác Côn.
Ngày cuối cùng của lễ hội Thác Côn, dân làng An Trạch thực hiện nghi lễ mang đậm tính chất nông nghiệp, bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa của người Khmer. Nghi lễ do các bà lão và các thiếu nữ trong làng tiến hành. Họ lấy những hạt giống ngũ cốc đã được đặt trên bệ thờ suốt những ngày lễ hội và một ít tro, nhang từ các lư hương đầy ắp trong ngôi miếu thiêng đặt vào cái mâm bạc. Những người phụ nữ An Trạch nối nhau đi ra đồng, đem những vật phẩm từ miếu Thác Côn để dâng cúng đất đai, cúng hồn lúa, cúng những vị thần bảo hộ cho ruộng vườn, làng mạc, tỏ lòng biết ơn mưa thuận, gió hòa đã đem lại cuộc sống sung túc cho nhà nông. Với niềm tin mộc mạc, thuần phác, những người phụ nữ làng An Trạch rải những hạt giống lấy từ miếu Thác Côn lên các cánh đồng và rắc tro, nhang lên bờ ruộng để cầu mong mùa màng bội thu, người người có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
* Lễ hội theo Phật giáo
+ Lễ Nhập Hạ (Bon Chôl Vossa)
Lễ nhập hạ là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, diễn ra vào ngày 15/6 âm lịch hàng năm. Lễ nhập hạ nhằm cầu cho mưa
thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc; đồng thời dâng các vật dụng sinh hoạt cho các chư tăng tại chùa trong 3 tháng nhập hạ.
Theo sư Thạch Bohl - trụ trì chùa Bốn Mặt, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết lễ nhập hạ được lưu truyền từ đời đức Phật Thích Ca, được diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất diễn ra vào buổi chiều, đồng bào sẽ đem lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện. Lễ vật là những cây đèn cầy to lớn được các Phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục trong ba tháng nhập hạ. Ngày thứ hai, đồng bào Phật tử đem cơm, nước, gạo... đến chùa dâng lên sư sãi nhằm cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho phum sóc. Sau khi nghe sư sãi tụng kinh cầu an, cầu siêu và thuyết pháp, Phật tử tập trung dâng đèn cầy đi xung quanh 3 vòng chùa sau đó dâng vào chánh diện và thắp đèn lên để làm lễ nhập hạ và các