Việc phân tích đánh giá khách hàng vay vốn một cách đúng đắn là một trong những yếu tố then chốt góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cho vay của một Ngân hàng. Qua việc phân tích đánh giá giúp cho Ngân hàng thấy được tư cách của người vay vốn như là năng lực pháp lý, trình độ, kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực vay vốn, độ tuổi so sánh với đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực; Phân tích báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh để nhận biết được khả năng tài chính hiện tại, khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó tạo lập được cơ sở để cho Ngân hàng làm căn cứ đưa ra quyết định cho vay đúng đắn.
Việc xem xét kỹ lưỡng năng lực của các doanh nghiệp nhất là các DNVVN là rất quan trọng. Nó giúp cho Ngân hàng thấy được khả năng quản lý, tổ chức sản xuất và điều hành của các nhà quản trị, các giám đốc của các doanh nghiệp. Ngoài ra nó còn cho thấy khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phân tích làm rõ kế hoạch kinh doanh, phương án kinh doanh của doanh nghiệp để xác định rõ phương thức vay vốn, thời gian vay vốn, lập lịch trả nợ vốn vay một cách chính xác nhất.
Đánh giá năng lực của khách hàng thông qua đánh giá năng lực quản trị v à năng lực tài chính công việc đánh giá được thực hiện chủ yếu dựa vào việc phân tích số liệu trên các báo cáo tài chính do khách hàng cung cấp. Đánh giá chính xác về kết quả kinh doanh của khách hàng là một yêu cầu hết sức cấp bách. Ngân hàng cần phải thường xuyên trong việc thực hiện tái xét tín dụng, tốt nhất Ngân hàng nên thành lập một bộ phận tái xét thẩm định tín dụng và bộ phận này hoạt động một cách độc lập.
Do số lượng khách hàng lớn việc hoàn thiện hệ thống thông tin và xếp hạng tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, định hướng tín dụng hạn chế rủi ro, giảm thiểu thời gian và công sức lao động của cán bộ Ngân hàng. Vì vậy cần phải xây dựng một hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng tiên tiến.
* Xây dựng hệ thống thông tin dựa trên cơ sở: Phỏng vấn trực tiếp khách hàng cùng với hồ sơ do khách hàng cung cấp (Hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính năm, quý và các tài liệu khác; Đi thăm trụ sở, cơ sở kinh doanh hoặc có thể gặp các đối tác kinh doanh của khách hàng; Các tổ chức tín dụng khác mà khách hàng có quan hệ (nếu có); Cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước/cơ quan chuyên ngành; Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; Báo cáo nghiên cứu thị trường của các tổ chức chuyên nghiệp.
* Chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp được thực hiện theo các tiêu chí: Ngành nghề kinh tế hoạt động của khách hàng; Quy mô khách hàng; Chất lượng các thông tin tài chính cần phân biệt rõ báo cáo tài chính có kiểm toán và báo cáo tài chính không có kiểm toán; Thông tín phi tài chính của khách hàng; Phân biệt rõ khách hàng mới thành lập, doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư dự án.
Chất lượng thông tin cần được cải tiến. Đây là một công việc không phải là dễ dàng nhất là việc xem xét cho vay đối với DNVVN, bởi vì việc khai thác các thông tin từ chính các doanh nghiệp này rất hạn chế, tính chính xác của các thông tin rất khó kiểm định…. Hiện nay, việc thu thập thông tin khách hàng để phục vụ cho công tác cho vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Cửa Lò cơ bản được lấy từ nguồn hệ thống thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) từ trung tâm thông tin tín dụng của NHCTVN (TPR) và từ các nguồn khác do Ngân hàng tự thu thập. Do thời gian thành lập chưa lâu nên hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước còn khá sơ khai. Nguồn số liệu của CIC chủ yếu do các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp cung cấp nên CIC còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập và xử lý thông tin, dẫn đến những số liệu thông tin do CIC cung cấp chưa được cập nhật, độ tin cậy thấp. Chính vì vậy, các thông tin của CIC là không đủ cho Ngân hàng đánh giá đúng khả năng và thực trạng của khách hàng để quyết định cho vay. Nguồn thông tin từ TPR còn thiếu thốn hơn nữa thậm chí số liệu còn sai sót rất nhiều so với thực tế. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Cửa Lò cần phải có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong khai thác, tìm kiếm, trang bị cho mình những thông tin về doanh nghiệp và dự án, phương án vay vốn của họ. Chi nhánh cần thành lập một bộ phận chuyên trách trong công tác thu thập và xử lý dữ liệu, bộ phận này có thể phối hợp với tất cả các bộ phận nghiệp vụ có liên quan trong Ngân
hàng để thu thập thông tin về khách hàng ngay từ trong Ngân hàng. Ngoài ra nó còn thu thập thông tin thông qua các nguồn khác như thông tin từ các cuộc hội thảo, thông tin của các ngân hàng thương mại, của Ngân hàng nhà nước, của các Bộ, Ngành có liên quan và của Chính Phủ.
* Nâng cao hiệu quả của bộ máy kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Để nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ cần phải thực hiện những nguyên tắc sau:
Một là tạo môi trường kiểm soát tốt, nghĩa là thực hiện nghiêm túc quy chế, quy trình nghiệp vụ hướng dẫn thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh kịp thời, đồng bộ và có hiệu lực thi hành nghiêm túc, chấn chỉnh ý thức chấp hành của cán bộ, nhân viên Ngân hàng.
Hai là cần tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ tốt, phân công trách nhiệm rõ ràng. Thường xuyên thực hiện trách nhiệm kiểm tra cấp trên với cấp dưới, với các bộ phận trong Chi nhánh. Kết hợp kiểm trả theo chế độ với kiểm tra vụ việc, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm.
Bà là đề cao tính độc lập của tổ chức và hoạt động kiểm soát nội bộ. Phải tôn trọng nguyên tắc này thì mới phát huy tốt nhất được hiệu lực, hiệu quả của kiểm soát nội bộ.