Mô hình khoảng cách chất lượng dịch vụ của Parasuraman và cộng sự (1998): Mô hình đưa ra 5 khoảng cách chất lượng dịch vụ và Parasuraman cho rằng chất lượng dịch vụ là hàm số của khoảng cách thứ 5. Khoảng cách thứ 5 này phụ thuộc vào các khoảng cách trước đó, nghĩa là các khoảng cách 1, 2, 3, 4. Vì thế để rút ngắn khoảng cách thứ 5 hay làm tăng chất lượng dịch vụ, nhà quản trị dịch vụ phải nỗ lực rút ngắn các khoảng cách này. Đối với sản phẩm dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng, chúng ta có thể đo lường chất lượng dịch vụ bởi những đặc điểm riêng biệt của sản phẩm dựa vào mô hình chất lượng dịch vụ của Parasuraman.
Mô hình nghiên cứu ” Đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ thông tin di động“ của Apoorva (2004): Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, mức độ
hài lòng được đo lường thông qua 5 thành phần chất lượng dịch vụ, đó là: (1) Chất lượng mạng lưới, (2) Dịch vụ gia tăng, (3) Dịch vụ hỗ trợ, (4) Phương thức tính cước, (5) Giá cả. Tuy nhiên, mức độ hài lòng không chỉ tác động đến lòng trung thành mà còn chi phối đến quyết định lựa chọn hình thức thuê bao.
Mô hình nghiên cứu ”Chất lượng dịch vụ, sự thỏa mãn và lòng trung thành của khách hàng siêu thị tại TP HCM” của tác giả Nguyễn Thị Mai Trang (2006) đã đưa ra mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ siêu thị, sự thỏa mãn và lòng trung thành của khách hàng đối với siêu thị. Dựa trên nền tảng của thang đo chất lượng dịch vụ SERVQUAL, tác giả đã kết luận: Chất lượng dịch vụ siêu thị gồm 5 thành phần chính: (1) Tính đa dạng của hàng hóa, (2) Khả năng phục vụ của nhân viên, (3) Cách trưng bày trong siêu thị, (4) Mặt bằng siêu thị, (5) An toàn trong siêu thị.
Trong nghiên cứu mới đây của Vũ Văn Đông (2012) về ”Khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách khi đến du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu“, tác giả đã nghiên cứu mô hình lý thuyết về chất lượng dịch vụ gồm 5 nhóm yếu tố tác động: (1) Phong cảnh du lịch, (2) Hạ tầng kỹ thuật, (3) Phương tiện vận chuyển, (4) Hướng dẫn viên du lịch, (5) Cơ sở lưu trú. Và kết quả cho thấy sự hài lòng của du khách khi đến Bà Rịa – Vũng Tàu có liên quan đến 5 yếu tố: (1) Tiện nghi cơ sở lưu trú, (2) Phương tiện vận chuyển thoải mái, (3) Thái độ hướng dẫn viên, (4) Hạ tầng cơ sở và (5) Hình thức hướng dẫn viên. Trong đó, yếu tố thái độ hướng dẫn viên có tác động mạnh nhất đến sự hài lòng của du khách, kế đến là hình thức hướng dẫn viên, sự thoải mái phương tiện vận chuyển, hạ tầng cơ sở và cuối cùng là tiện nghi cơ sở lưu trú.
Mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách của Tribe và Snaith (1998) như sau:
Hình 2.2: Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách (Tribe và Snaith, 1998)
Tribe và Snaith (1998) cho rằng các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của du khách đó là: Tài nguyên thiên nhiên và điều kiện vật chất, Môi trường, Các dịch vụ ăn uống- tham quan –giải trí- mua sắm, Chỗ ở, Chuyển tiền, Di sản và văn hóa.
Như vậy, tổng hợp các mô hình nghiên cứu trước đây cho thấy: chất lượng dịch vụ chính là yếu tố dẫn tới sự thỏa mãn của khách hàng và làm gia tăng lòng trung thành của khách hàng đối với sản phẩm.