Như đã trình bày trong kết quả nghiên cứu cụ thể ở Chương 3, người tiêu dùng xem xét yếu tố “Hệ thống thanh toán trong mua bán trực tuyến” (gồm: hình thức thanh toán dễ dàng, quy trình thanh toán nhanh chóng, hình thức thanh toán đa dạng, hình thức thanh toán phù hợp với thói quen thanh toán) là yếu tố có tác động mạnh nhất đến ý định sử dụng TMĐT. Vì vậy, để hỗ trợ người mua và thúc đẩy việc kinh doanh, các nhà kinh doanh trực tuyến cần chú trọng đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, nhanh chóng triển khai hệ thống thanh toán điện tử trong hệ thống Thương mại điện tử:
Để thương mại điện tử phát triển thì cần phải có hai yếu tố là cơ sở hạng tầng công nghệ thông tin và công cụ thanh toán trực tuyến. Doanh nghiệp có website thương mại điện tử có hệ thống thanh toán trực tuyến linh hoạt không chỉ giúp khách hàng thuận tiện giao dịch mà còn mở ra thị trường rộng lớn, cơ hội tiếp xúc khách hàng nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các khách sạn và các trang web đặt phòng trực tuyến trong nước để có thể cạnh tranh với các tập đoàn khách sạn, du lịch trực tuyến của nước ngoài, đồng thời gia tăng số lượng giao dịch trên mạng thì phải nhanh chóng kết nối hệ thống thanh toán đến trang web thương mại của mình.
Thứ hai, triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử phù hợp với thói quen của người Việt Nam:
Vài năm gần đây, khách du lịch trong nước khá quen thuộc với việc đặt phòng trực tuyến qua các website từ các tập đoàn khách sạn hay du lịch trực tuyến lớn của nước ngoài như Booking.com, Agoda.vn, Expedia, Starwood, Accor, Sofitel,…. Để có thể sử dụng dịch vụ từ các website "ngoại" này, khách du lịch trong nước phải có thẻ thanh toán quốc tế. Đây cũng là một trong những hạn chế cản trở khách du lịch nội địa tham gia đặt phòng khách sạn trực tuyến vì thói quen thanh toán khi giao dịch của người Việt là bằng tiền mặt, số lượng người dân sử dụng thẻ tín dụng vẫn còn thấp.
Tuy nhiên, nhờ sự tham gia tích cực của các ngân hàng trong nước và các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, các đơn vị cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến nên đưa ra nhiều lựa chọn phương thức thanh toán cho khách hàng ngoài thẻ tín dụng như chuyển khoản qua ngân hàng hoặc thẻ ATM, chuyển tiền trực tiếp tại ngân hàng hoặc có thể thanh toán bằng tiền mặt khi đến khách sạn để thích nghi với hiện trạng thị trường tại Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên nghiên cứu về thói quen của người tiêu dùng Việt Nam thích sử dụng hình thức thanh toán nào để triển khai hình thức thanh toán trên trang web thương mại của mình phù hợp nhất.
Thứ ba, tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến uy tín:
Để tạo sự tiện lợi và tâm lý an tâm cho khách hàng khi thanh toán, các doanh nghiệp có thể kết nối với các phương tiện thanh toán online thông qua các đơn vị thanh toán trung gian có độ an toàn và tính bảo mật cao - cầu nối giữa các ngân hàng uy tín và các website bán hàng, hay nói cách khác là trung gian giữa người mua và người bán hàng (khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ ATM của các ngân hàng thông qua các cổng thanh toán Smartlink, Banknetvn; bằng các ví điện tử: Ngân Lượng, Payoo, Bảo Kim; các ví điện tử Quốc Tế: Paypal, Webmoney, bằng các lọai thẻ Thẻ Tín Dụng Visa, Master Card, JBL, …) và tuyên truyền để khách hàng biết cách sử dụng.