Nội dung của giải pháp:
- Chi nhánh nên tách biệt hẳn bộ phận thẩm định tài sản đảm bảo ra khỏi bộ phận tín dụng. Theo đó, CBTD sẽ không thực hiện công việc thẩm định TSĐB và ngược lại CBTĐ cũng không làm công tác cho vay để tránh tình trạng chồng chéo, phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình tác nghiệp, dễ dấn đến sự cấu kết, thỏa hiệp về giá trị định giá, ảnh hưởng đến kết quả thẩm định tài sản. Việc tách hẳn thành hai bộ phận như trên cũng giúp CBTĐ có thời gian để nghiên cứu, tham khảo giá thị trường và đi xác minh thực tế, từ đó giúp công tác thẩm định được thực hiện nhanh, chính xác và hiệu quả hơn.
- Để định giá chính xác TSĐB, nhất là bất động sản không phải chuyện dễ dàng, và càng khó khăn hơn khi các CBTĐ bị giới hạn về thời gian giải quyết, do đó chi nhánh cần chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ thẩm định, luân phiên cử cán bộ đi đào tạo về các kỹ năng thẩm định tại các cơ sở chuyên đào tạo thẩm định giá.
- Chi nhánh cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình thẩm định tài sản đảm bảo, để giúp CBTĐ có cơ sở thực hiện, tránh sự lúng túng, làm việc sơ sài, dễ dẫn đến rủi ro, thiệt hại cho ngân hàng.
- Phân công trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả, chặt chẽ của quy trình và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho cá nhân cụ thể. Cá nhân này sẽ có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tính hiệu quả của công tác thẩm định bất động sản và đề xuất ý kiến nếu phát hiện có điểm chưa hợp lý.
- Thường xuyên cập nhật thông tin theo giá thị trường đối với đơn giá xây dựng mới nhà ở.
- CBTĐ cần tìm hiểu cặn kẽ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản được dùng để thế chấp trước khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản, đặc biệt là đối với bất động sản. Bởi thông tin có xác nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ giúp ngân hàng đánh giá được rủi ro tín dụng, mà còn là một cách thức để ngân hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi phát sinh tranh chấp liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán.