Trình độ của cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn thành phố vũng tàu, tỉnh bà rịa - vũng tàu (Trang 37)

2. Một số vấn đề chung

2.4.4. Trình độ của cán bộ, công chức

Trình độ của đội ngũ CB, CC là mức độ đạt được về bằng cấp và mức thành thạo ở lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Căn cứ vào đặc thù hoạt động và phạm vi lĩnh vực công tác, CB, CC cần có các loại trình độ sau:

Thứ nhất, trình độ học vấn là mức độ đạt được trong hệ thống trình độ kiến thức phổ thông, bao gồm các mức: Tiểu học, THCS và THPT. Đây là hệ thống kiến thức phổ thông về tự nhiên, xã hội làm nền tảng cho nhận thức, tư duy và hoạt động của con người. Trình độ học vấn không phải là yếu tố quyết định đến toàn bộ năng lực và hiệu quả làm việc nhưng là yếu tố cơ bản ảnh hưởng, đồng thời cũng là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CB, CC. Hạn chế về trình độ học vấn sẽ làm hạn chế khả năng của người CB, CC trong hoạt động công tác như: hạn chế khả năng tiếp thu, lĩnh hội đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp trên; làm hạn chế khả năng phổ biến những chủ trương, chính sách đó cho nhân dân; làm hạn chế năng lực tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc, vận động quần chúng…

Thứ hai, trình độ chuyên môn là mức độ đạt được về một chuyên môn, một ngành nghề nào đó. Đây là những kiến thức trực tiếp phục vụ cho công việc chuyên môn của người CB, CC, đặc biệt là công chức, những người thực hiện một công vụ thường xuyên trong cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ ba, trình độ lý luận chính trị là mức độ đạt được trong hệ thống những kiến thức lý luận về lĩnh vực chính trị. Hệ thống kiến thức này trang bị và củng cố lập trường giai cấp, lập trường quan điểm của Đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó giúp cho mỗi CB, CC có quan điểm và lập trường đúng đắn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thứ tư, trình độ quản lý hành chính nhà nước là mức độ đạt được trong hệ thống tri thức về lĩnh vực quản lý nhà nước, bao gồm các kiến thức về hệ thống bộ máy nhà nước, pháp luật, nguyên tắc, công cụ quản lý nhà nước. Hệ thống kiến thức này giúp người CB, CC hiểu rõ quyền hạn, nghĩa vụ của mình là gì và thực hiện như thế nào, cụ thể là họ được làm những gì và không được làm những gì; công cụ quản lý, kỹ năng và phương pháp điều hành ra sao, hiểu được sự vận hành của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và ở cơ sở nói riêng, từ đó thực thi công việc đúng pháp luật và có hiệu quả.

Thứ năm, trình độ tin học là mức độ đạt được về những kiến thức, những kỹ năng trong lĩnh vực tin học. Hiện nay, trong thời đại công nghệ thông tin, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá nền kinh tế quốc tế, việc trang bị kiến thức về tin học đối với cán bộ, công chức ngày càng trở nên cấp thiết. Bởi mọi công việc từ việc quản lý hồ sơ, văn bản đến việc giải quyết công việc đều thông qua hệ thống máy tính và mạng internet. Máy tính và kỹ thuật tin học là những công cụ có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công việc, nó giúp công việc được tiến hành nhanh chóng và chính xác, làm tăng năng suất lao động và giảm bớt công việc cho người CB, CC cấp cơ sở. Những kiến thức tin học mà CB, CC cần nhất hiện nay đó là tin học cơ bản, tin học văn phòng (Word, Excel); những kiến thức về kế toán máy, kế toán tổng hợp,…

Tóm lại, đây là những kiến thức cơ bản mà một người CB, CC nói chung hoạt động trong lĩnh vực hành chính của hệ thống cơ quan nhà nước cần phải có để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo yêu cầu của vị trí công việc.

2.4.5. Hiệu quả thực thi công vụ của CB, CC

Hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước nói chung, của hệ thống hành chính nói riêng suy cho cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và kết quả công tác của đội ngũ CB,CC nhà nước. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là tiêu chí đánh giá đầu ra của quá trình thực thi hoạt động quản lý nhà nước, là tiêu chí cơ bản phản ánh năng lực thực thi hoạt động quản lý nhà nước của CB, CC. Hiệu quả thực thi công vụ bao gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của riêng của cá nhân, kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của tập thể và còn được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau ví dụ như kết quả thực hiện một vụ việc, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong ngày, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng, trong năm, trong nhiệm kỳ. [6]

Hoạt động quản lý nhà nước bao gồm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vốn rất phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, đánh giá kết quả thực thi công vụ của CB, CC cũng hết sức đa dạng. Có những nội dung công việc làm ra được kết quả ngay, ví dụ như các quyết định xử phạt hành chính, nhưng cũng có những nội dung công việc phải trải qua một thời gian dài mới có thể đánh giá được kết quả ví dụ như kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ một nhiệm kỳ (5 năm), Nghị quyết của HĐND về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hàng năm hay như chính sách vay xoá đói giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Thông thường, việc đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của một cơ quan hoặc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của một CB, CC được tổ chức đánh giá trong thời gian một năm.

Cấp xã thực thi hoạt động quản lý hành chính nhà nước thông qua các hình thức cơ bản:

- Sự quản lý, điều hành về nhiệm vụ phát triển về kinh tế – văn hóa – xã hội, sự ổn định về quốc phòng – an ninh và hệ thống chính trị ở cơ sở.

- Ban hành các quyết định quản lý hành chính nhà nước mà cấp xã được phép ban hành.

- Triển khai các hoạt động quản lý hành chính cũng như cung cấp dịch vụ công cho xã hội, công dân hay cho khách hàng có nhu cầu (hoạt động hành chính).

Hiệu quả thực thi công vụ của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước nói chung và của cấp xã nói riêng được quyết định bởi năng lực quản lý điều hành về việc phát triển địa phương thể hiện qua việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao và tình hình đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Ngoài ra hiệu quả thực thi công vụ còn thể hiện rõ qua chất lượng của các văn bản quản lý hành chính Nhà nước mà cấp xã ban hành; qua hiệu quả thực thi công vụ của CB, CC xã được thể hiện thông qua chất lượng của các dịch vụ công mà UBND

xã phải cung cấp theo quy định của pháp luật như: chứng thực, hộ tịch, đất đai,… Chất lượng của những dịch vụ công này được đánh giá dựa trên những tiêu chí cụ thể như: Việc thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công của CB, CC có tuân thủ theo những quy trình bắt buộc theo quy định của pháp luật hay không; cách làm của họ đã hợp lý, hiệu quả hay chưa; người dân (người sử dụng các loại dịch vụ này) nhận xét và đánh giá như thế nào, mức độ hài lòng và thoả mãn của họ,…

Như vậy, hiệu quả thực thi công vụ của CB, CC xã chính là kết quả của sự phát triển về kinh tế – xã hội, sự ổn định về an ninh trật tự, sự vững mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở và chất lượng của các loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của cấp xã và các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND xã. Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi công vụ của CB, CC cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đó là:

- Năng lực của CB,CC (trong đó có trình độ, kỹ năng làm việc, phương pháp làm việc, tác phong);

- Kiến thức thực tế;

- Sức khoẻ (thể chất, tâm lý); - Năng khiếu bẩm sinh;

- Các điều kiện khách quan như: cơ chế, chính sách, pháp luật; cơ sở vật chất kỹ thuật; chế độ đãi ngộ;….

Như vậy hiệu quả thực thi công vụ của CB, CC thể hiện một cách trực tiếp nhất là việc nhận thức, khả năng giải quyết công việc, đồng thời phương pháp và kỹ năng làm việc cũng như kết quả giải quyết công việc cũng thể hiện hiệu quả thực thi công vụ của CB, CC.

Nhưng việc đánh giá năng lực của CB, CC nếu chỉ xem xét ở một khía cạnh là hiệu quả thực thi công vụ mà không xem xét về phương pháp làm việc như thế nào thì thật là thiếu sót.

Phương pháp giải quyết công việc là cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ hay một chủ trương, chính sách, một công việc cụ thể. Nếu nhiệm vụ là việc phải làm tức là trả lời cho câu hỏi “làm gì?” thì phương pháp là cách thức phải làm tức là trả lời cho câu hỏi “làm như thế nào?” để đạt hiệu quả cao nhất. Phương pháp để hoàn thành

nhiệm vụ chính là tiêu chí đánh giá quá trình “xử lý” để đạt được kết quả đầu ra của thực thi hoạt động quản lý nhà nước. Người CB, CC có trình độ kiến thức, có phương pháp làm việc tốt sẽ thực thi công vụ “thấu tình đạt lý”, hợp lòng dân, có khả năng lôi kéo, khơi dậy sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, được nhân dân tin yêu. Ngược lại, nếu có trình độ kiến thức mà không có phương pháp thực hiện nhiệm vụ tốt và phù hợp thì công việc khó hoàn thành, hoặc có hoàn thành nhưng khả năng phát sinh các vấn đề khiếu nại, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân rất dễ xảy ra, sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, khó lường hoặc làm mất lòng dân.

Phương pháp giải quyết công việc thể hiện phong cách, thái độ ứng xử và sự sáng tạo của CB, CC trong thực thi nhiệm vụ. Với mỗi việc phát sinh, người CB, CC có nhận định đúng và đưa ra cách giải quyết hiệu quả nhất hoặc với mỗi đối tượng có cách ứng xử phù hợp. Với kết quả giải quyết công việc như nhau nhưng người có phương pháp tốt sẽ cho kết quả trong thời gian ngắn nhất, kết quả đạt được sẽ có sức thuyết phục cao, được nhân dân hài lòng hơn, tin tưởng hơn.

Kỹ năng trong thực thi công vụ CB, CC là khả năng vận dụng khéo léo, thành thạo những kiến thức và kinh nghiệm thu được trên một lĩnh vực nào đó vào thực tế. Trong thực thi công vụ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như: kỹ năng quản lý (thu thập và xử lý thông tin, phân tích, hoạch định, ra quyết định, tổ chức, kiểm tra, đánh giá); kỹ năng giao tiếp; kỹ năng vận động quần chúng; kỹ năng sử dụng các thiết bị văn phòng; kỹ năng sử dụng các thiết bị nghiệp vụ; kỹ năng tác nghiệp. Mỗi công việc, mỗi chức trách đòi hỏi có những kỹ năng khác nhau, ở những mức độ khác nhau.

Như vậy, phương pháp và kỹ năng của CB, CC thể hiện năng lực thực tế của CB, CC đó trong việc thực hiện công vụ của họ.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn thành phố vũng tàu, tỉnh bà rịa - vũng tàu (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w