Quy hoạch nguồn CB, CC

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn thành phố vũng tàu, tỉnh bà rịa - vũng tàu (Trang 105)

2. Một số vấn đề chung

4.9.3. Quy hoạch nguồn CB, CC

Công tác quy hoạch cán bộ là công việc rất cần thiết để tạo thế chủ động và đồng bộ trong quá trình thực hiện kế hoạch cán bộ. Do đó xây dựng được quy hoạch chính xác và thực hiện đúng với quy hoạch đã vạch ra là yêu cầu rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Quy hoạch nguồn CB, CC nhằm chuẩn bị một đội ngũ CB, CC đông đảo để từ đó đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn những CB, CC có đủ tiêu chuẩn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, bao gồm cả việc luân chuyển từ lĩnh vực công tác này sang lĩnh vực công tác khác, địa phương này sang địa phương khác, từ thành phố về địa phương và ngược lại.

Quy hoạch cán bộ là tạo nguồn cán bộ để chủ động chuẩn bị cho các chức danh, bố trí cán bộ. Đối tượng quy hoạch cần được mở rộng, đặc biệt là đội ngũ sinh viên trẻ mới ra trường, được đào tạo kiến thức bài bản, có tư duy nhạy bén và lòng nhiệt tình, hăng hái. Đây chính là đối tượng kế cận có chất lượng cho đội ngũ CB, CC cấp xã trong tương lai của TP. Đồng thời, cần chủ động thực hiện chủ trương tạo nguồn CB, CC xã từ học sinh phổ thông tại địa phương, thanh niên

hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên trưởng thành từ các phong trào ở địa phương. Để góp phần thực hiện tốt những đề xuất trên, cần tập trung vào một số nội dung sau:

* Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của từng xã, phường để xây dựng cơ cấu và tiêu chuẩn CB, CC phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương. Cụ thể như sau:

- Lựa chọn CB, CC đưa vào diện quy hoạch, đây là yếu tố rất quan trọng trong công tác quy hoạch cán bộ. Muốn lựa chọn đúng CB, CC cần rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ CB, CC, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế, tồn tại của từng chức danh CB, CC. Từ đó căn cứ vào yêu cầu chức trách của từng vị trí chức danh chuyên môn mà lựa chọn cho phù hợp, đủ tiêu chuẩn theo quy định và những tiêu chuẩn bổ sung cần cho từng chức danh cụ thể.

Cán bộ ở thời điểm đưa vào quy hoạch không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn của chức danh được quy hoạch song yêu cầu cán bộ trong nguồn quy hoạch phải đảm bảo những tiêu chuẩn cơ bản, cần thiết của chức danh quy hoạch, có triển vọng phát triển và cần được tiếp tục rèn luyện, thử thách trong thực tiễn và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để đủ chuẩn cho chức danh.

- Việc lựa chọn CB, CC đưa vào diện quy hoạch phải tiến hành dân chủ, công khai, phải trực tiếp và thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, đánh giá mức độ trưởng thành của CB, CC, điều này giúp cho CB, CC biết được những điểm mạnh để phát huy và những điểm hạn chế để sửa chữa, khắc phục.

- Đổi mới cách thức, quy trình thực hiện quy hoạch cán bộ, cần khẳng định phải có quy hoạch cán bộ trong từng giai đoạn cụ thể, đưa công tác quy hoạch cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền. Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

* Để công tác quy hoạch, tạo nguồn CB, CC cơ sở đảm bảo chất lượng cần thực hiện các nội dung sau:

- Dựa vào yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở để xác định nhu cầu CB, CC trong tương lai cần bổ sung, thay thế (số lượng, cơ cấu, năng lực, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ…).

- Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ CB, CC để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, từ đó có định hướng cho quy hoạch, tạo nguồn.

- Việc quy hoạch cán bộ phải căn cứ trên tiêu chuẩn chức danh, vào số lượng cũng như chất lượng từng loại chức danh theo Luật CB, CC quy định.

- Công tác quy hoạch phải đảm bảo dân chủ và công khai và gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Hàng năm cần có nhận xét, kết luận cụ thể, toàn diện về cán bộ trong diện quy hoạch; tổng kết đánh giá kết quả, tìm nguyên nhân, bổ sung kịp thời những hạn chế trong thực hiện công tác quy hoạch. Kịp thời bố trí, sử dụng CB, CC trong diện quy hoạch khi họ có xu hướng phát triển tốt. Có thể áp dụng phương pháp phân tích hệ thống vào việc lập quy hoạch cán bộ như sau:

+ Xác định mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch;

+ Khảo sát, đánh giá hiện trạng đội ngũ CB, CC cấp xã dự báo được tình hình biến động về nhân sự có thể xảy ra và có kế hoạch bổ sung kịp thời, dự báo được nhu cầu cán bộ trong tương lai;

+ Phát hiện, lựa chọn, đào tạo nguồn cán bộ để thực hiện quy hoạch; + Lập phương án cán bộ dự nguồn;

+ Triển khai thực hiện quy hoạch.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ thì trong những năm tới đội ngũ CB, CC cấp xã TP Vũng Tàu sẽ có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn thành phố vũng tàu, tỉnh bà rịa - vũng tàu (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w