Khái niệm xã, phường,thị trấn

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn thành phố vũng tàu, tỉnh bà rịa - vũng tàu (Trang 31)

2. Một số vấn đề chung

2.3.2.Khái niệm xã, phường,thị trấn

- Xã là cấp cơ sở ở nông thôn, có đặc điểm là địa bàn rộng (trung bình trên 5.000ha); dân cư chủ yếu là nông dân, sống theo cộng đồng làng xóm; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (theo nghĩa rộng) đang trong quá trình biến đổi cơ cấu theo hướng CNH – HĐH.

- Phường theo Từ điển tiếng Việt của viện Ngôn ngữ học - Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, năm 1998, “phường” được định nghĩa như sau:

“Là đơn vị hành chính cơ sở ở nội thành, nội thị, tổ chức theo khu vực dân cư ở đường, phố, dưới quận. Diện tích phường không lớn nhưng đông dân cư, sống theo cộng đồng đường phố. Kinh tế chủ yếu là công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ”.

Định nghĩa nêu trên đã chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của phường. Đó là tổ chức của một cộng đồng người được giới hạn bởi những công việc nhất định, cùng sinh sống và tồn tại trong địa giới tự nhiên hoặc do Nhà nước quy định, ở đó có những quy ước, quy định và thiết chế riêng được mọi người trong phường thống nhất và cùng nhau thực hiện.

Về lãnh thổ, phường hiện nay ở nước ta chủ yếu được cấu thành từ các vùng đô thị nhỏ. Phường có vị trí địa lý được giới hạn trong địa giới hành chính của các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là địa bàn đô thị thu nhỏ, có mật độ dân cư cao. Về dân cư, cộng đồng dân cư ở phường có sự gắn bó trực tiếp và chặt chẽ với nhau về các nhu cầu và lợi ích vật chất cũng như tinh thần. Dân cư của phường về cơ bản được tập hợp từ nhiều vùng, miền khác nhau, đa dạng, phức tạp và tập trung với mật độ cao, chủ yếu có lối sống phi nông nghiệp.

Về tổ chức, cấp phường là một đơn vị hành chính xác định. Tổ chức bộ máy hành chính cấp phường bao gồm toàn bộ các cơ quan, tổ chức hành chính được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước tại địa phương.

Với những đặc điểm trên, hoạt động của phường có những điểm phức tạp riêng, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để tăng cường vị trí và vai trò của cấp phường trong hệ thống chính trị nước ta giai đoạn hiện nay.

Hiến pháp 1980 quy định việc phân chia các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

+ Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính tương đương.

+ Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã. + Thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện. + Huyện chia thành xã và thị trấn.

+ Thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã. + Quận chia thành phường.

Như vậy, phường là đơn vị hành chính cơ sở ở nội thành, nội thị được công nhận từ năm 1981, được quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Quyết định số 94/HĐBT năm 1981 của Hội đồng Bộ Trưởng và Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1983.

- Thị trấn cũng là cấp cơ sở, nhưng ở đó thường là nơi tập trung các cơ quan huyện, thị xã. Do đó thị xã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn háo, khoa học của huyện. Là đầu mối giao lưu hàng hóa quan trọng giữa nông thôn và thành thị. Thị trấn vừa mang dáng dấp đô thị nhưng còn xen kẽ các yếu tố của nông thôn cả về kinh tế lẫn dân cư. [14]

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn thành phố vũng tàu, tỉnh bà rịa - vũng tàu (Trang 31)