Huy động vốn cho NSNN để phát triển hạ tầng giao thông

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 81 - 83)

4. Kết cấu của đề tài

3.2.7. Huy động vốn cho NSNN để phát triển hạ tầng giao thông

Nghiên cứu khai thác nguồn lực tài chính từ chính kết cấu hạ tầng giao thông để tháo gỡ vướng mắc về vốn, huy động vốn phát triển hạ tầng giao thông theo các hướng:

- Tiến hành bán quyền thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những công trình kết cấu hạ tầng giao thông có khả năng và điều kiện thu lợi theo hướng cho phép các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh.

- Tiến hành cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng cho các thành phần kinh tế được thuê lại quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

- Chuyển nhượng có thời hạn kết cấu hạ tầng giao thông trong một thời gian nhất định để các tổ chức, cá nhân chủ động đầu tư xây dựng và được quyết định thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông sau có ý kiến thoả thuận của cơ quan có thẩm quyền. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đó khi thực hiện khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Thực hiện khai thác quỹ đất 2 bên đường để tạo nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Sau khi mở đường, giá trị quyền sử dụng đất hai bên đường tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Nhiều người có đất được hưởng lợi từ việc đầu tư của Nhà nước, đất của họ bỗng nhiên có giá hơn trước gấp nhiều lần. Tuy nhiên, Nhà nước chưa điều tiết được giá trị tăng lên của những người còn đất sau thu hồi. Kèm theo đó là chưa tạo được sự công bằng giữa người bị thu hồi đất và người còn đất.

Vì vậy ngoài việc thu hồi, GPMB phần đất dành cho công trình giao thông đường bộ, nên thu hồi, GPMB thêm 50m hai bên đường để đấu giá dự án có sử dụng đất, làm tăng nguồn thu cho ngân sách. Hoặc nếu không thu hồi, sau khi xây dựng, khu đất ra mặt đường thì người có đất phải nộp tiền cho Nhà nước phần giá trị tăng lên, gọi là chênh lệch lợi thế địa tô. Tiền chênh lệch thu được sau khi Nhà nước mở đường, một phần cho những người bị thu hồi đất, một phần bổ sung lại nguồn tiền từ ngân sách đã bỏ ra để làm hạ tầng. Giải pháp này thành phố Đà Nằng đã thực hiện từ nhiều năm nay mang lại kết quả tốt, cần phải quyết tâm nhân rộng ở các tỉnh.

- Giao cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường bộ như các trạm xăng, trạm dừng xe, quảng cáo... Nhà nước chỉ làm công tác quản lý, giám sát các hoạt động đảm bảo kinh doanh đúng luật, cạnh tranh lành mạnh.

Theo đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2012” của Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2011 - 2020, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, ngân sách quốc gia sẽ giảm bớt chi phí khoảng 520.870 tỉ đồng, bằng khoảng 50% tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2011 - 2020. Đây là một nhóm giải pháp có tính khả thi cao mà tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương nghiên cứu áp dụng.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 81 - 83)