Thẩm quyền quyết định đầu tư

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 40 - 42)

4. Kết cấu của đề tài

2.3.1.1. Thẩm quyền quyết định đầu tư

Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cho các Bộ chủ quản, địa phương và các Chủ đầu tư từ việc thẩm định đến phê duyệt dự án. Từ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 cho đến Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đều quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được uỷ quyền hoặc phân cấp quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C cho cơ quan cấp dưới trực tiếp; Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.

Theo Quyết định số 2368/2007/QĐ-UBND ngày 29/10/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc quy định về công tác quản lý đầu tư và xây dựng sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, xã được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách địa phương sau khi thông qua HĐND cùng cấp. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên được phân cấp như sau: Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 05 tỉ đồng; Chủ tịch UBND các huyện và thị xã Sông Công được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 03 tỉ đồng; Chủ tịch UBND cấp xã được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 01 tỉ đồng.

Mới đây, theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc quy định về công tác quản lý dự án đầu tư và xây dựng, quản lý đấu thầu sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm A,B,C trong phạm vi và khả năng cân đối ngân sách địa phương sau khi thông qua HĐND cùng cấp. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên được phân cấp như sau: Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 08 tỉ đồng; Chủ tịch UBND các huyện và thị xã Sông Công được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 05 tỉ đồng; Chủ tịch UBND cấp xã được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư không lớn hơn 02 tỉ đồng.

Nhìn chung việc thực hiện phân cấp về thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và nâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND các địa phương và các Chủ đầu tư đối với dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư cho UBND các cấp cũng tồn tại một số vấn đề sau:

(1) Có những dự án đầu tư có quy mô thấp hơn quy mô đưa ra trong quy hoạch. Trong giai đoạn 2006 - 2010 các tuyến đường huyện được đầu tư với quy mô phổ biến là cấp VI và giao thông nông thôn loại A và loại B trong khi mục tiêu quy hoạch đề ra phải đạt cấp V.

(2) Từ việc được phân cấp quyết định đầu tư, có nghĩa là có thẩm quyền quyết định đầu tư và quyết định các bước tổ chức thực hiện dự án, tuy nhiên một số địa phương và Chủ đầu tư do thiếu cán bộ có chuyên môn về xây dựng giao thông đã thành lập các Ban quản lý dự án không đủ năng lực, trong khi đó lại chỉ thuê Tư vấn giám sát mà không thuê Tư vấn quản lý dự án

dẫn đến việc quản lý không hiệu quả, ở đây chưa dám nói đến thất thoát nhưng việc phải điều chỉnh, bổ sung dự án, gia hạn thực hiện hợp đồng, trình tự thủ tục đầu tư không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện là diễn ra khá phổ biến. Việc kéo dài thời gian đầu tư làm giảm hiệu quả vốn đầu tư trên cả hai mặt. Thứ nhất, dự án chậm đi vào khai thác, không kịp thời phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thứ hai, theo thời gian giá cả thị trường tăng lên, trong khi vốn cho dự án đã được bố trí nằm đọng trong tài khoản của Chủ đầu tư, đồng tiền mất giá dẫn đến khối lượng thực hiện thực tế của dự án phải giảm đi; hoặc nếu vẫn giữ nguyên khối lượng thực hiện thì Nhà nước phải bù thêm một khoản trượt giá gây tốn kém, giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 40 - 42)