Kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 55 - 57)

4. Kết cấu của đề tài

2.3.2.4. Kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn

Công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn đầu tư cho xây dựng giao thông nói riêng và vốn đầu tư xây dựng nói chung ở tỉnh Thái Nguyên vẫn được duy trì thường xuyên hàng năm. Trong thời gian gần đây, yêu cầu về công tác này cũng không còn đòi hỏi căng thẳng như những năm trước. Nguyên nhân là đa số các dự án trước khi quyết toán đều đã được tiến hành kiểm toán độc lập nên các Chủ đầu tư đã kịp thời điều chỉnh những sai sót và bổ sung hồ sơ, thủ tục, chứng từ đầy đủ, phần nào chi không đúng đã bị kiểm toán kiến nghị xuất toán, thu hồi về ngân sách trước khi quyết toán. Các lỗi thông thường trước đây Nhà thầu hay mắc phải như: thi công không đúng

thiết kế dự toán được duyệt, ăn bớt nguyên vật liệu thì nay đã cơ bản không còn mà chủ yếu là các lỗi: thiếu chứng từ, chứng từ không hợp lệ, chất lượng thi công kém...

Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có chuyên môn sâu về giao thông trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chủ yếu là chuyên môn về các ngành Luật, Tài chính, Xây dựng. Lực lượng Thanh tra chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải những năm gần đây chủ yếu tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ công trình và hành lang đường bộ, quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, quản lý vận tải khách công cộng. Từ năm 2007 đến nay Thanh tra Sở Giao thông vận tải chưa tổ chức cuộc thanh tra nào về quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình giao thông. Năm 2011 phòng Quản lý đầu tư xây dựng của Sở Giao thông vận tải mới tổ chức một đợt kiểm tra về quản lý đầu tư, quản lý chất lượng 03 dự án giao thông là đường Đán - Dốc Lim thành phố Thái Nguyên, ĐT267 và cầu Phú Minh ĐT264. Qua kiểm tra cả 03 dự án đều có một số sai sót trong giám sát chất lượng thi công và thiếu sót về thủ tục trong khâu quản lý chất lượng như: nhật ký thi công chưa ghi chép đầy đủ... thi công ẩu, chất lượng một số hạng mục phụ trợ (hố ga, rãnh thoát nước...) không đảm bảo. Do là kiểm tra nội bộ nên việc xử lý cũng mới chỉ dừng ở việc yêu cầu Nhà thầu phá dỡ những hạng mục kém chất lượng để làm lại cho đạt yêu cầu và nhắc nhở Nhà thầu, Tư vấn giám sát bổ sung những thủ tục còn thiếu.

Do thiếu điều kiện về nhân lực, chuyên môn nên lực lượng Thanh tra nhà nước của địa phương và các cơ quan Tài chính, Kế hoạch chủ yếu chỉ thanh tra, kiểm tra trên hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến các dự án mà chưa đi sâu vào thanh tra, kiểm tra đánh giá chủ trương và hiệu quả đầu tư, chất lượng công tác thiết kế, lập dự toán, thẩm định thiết kế dự toán, chất lượng công trình nên kết quả chỉ đạt ở mức độ nhất định. Số lượng dự án,

công trình được kiểm tra, thanh tra so với tổng số còn ít. Công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán chủ yếu tập trung vào xử lý các vấn đề tài chính chứ chưa quan tâm xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm nên hiệu lực còn hạn chế.

Sự phối hợp giữa Thanh tra nhà nước và Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra xây dựng, Thanh tra tài chính) và cơ quan Kiểm toán nhà nước còn thiếu chặt chẽ nên có hiện tượng trùng lặp chồng chéo, hoạt động thanh kiểm tra còn kém hiệu quả và gây phiền hà cho đối tượng chịu thanh tra.

Nhìn chung công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nói chung và công tác thanh tra kiểm tra, kiểm toán vốn đầu tư cho xây dựng giao thông của tỉnh Thái Nguyên nói riêng chưa toàn diện đầy đủ, chủ yếu tập trung vào giai đoạn thực hiện đầu tư và sau khi công trình đã quyết toán xong, chưa chú trọng vào giai đoạn quyết định đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, chưa đi sâu vào thanh tra, kiểm toán đánh giá chủ trương và hiệu quả đầu tư.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 55 - 57)