Phân định trách nhiệm quản lý dự án

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 45 - 47)

4. Kết cấu của đề tài

2.3.1.4.Phân định trách nhiệm quản lý dự án

Công tác tổ chức quản lý dự án của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án trong những năm qua đã có nhiều cải tiến. Chủ đầu tư được trao quyền tự chủ hơn, trách nhiệm cao hơn trước. Ban quản lý dự án được quy định nhiệm vụ quyền hạn cụ thể hơn. Đội ngũ cán bộ quản lý dự án được bồi dưỡng, tập huấn thêm về nghiệp vụ đã phần nào đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, một tình trạng thực tế ở tỉnh Thái Nguyên nói chung là chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, đặc biệt là ở bước lập thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Theo quy định của tỉnh Thái Nguyên, khi trình người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, Chủ đầu tư phải đề xuất hình thức quản lý dự án phù hợp với quy mô, tính chất của dự án. Người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án theo một trong hai hình thức: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự ánhoặcChủ đầu tư thuê tổ chức Tư vấn quản lý dự án.

Trường hợp Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án: Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án để giúp Chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự án. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án do Chủ đầu tư giao. Việc giao nhiệm vụ và uỷ quyền cho Ban quản lý dự án phải được thể hiện trong quyết định thành lập Ban quản lý dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án. Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ do Chủ đầu tư giao và quyền hạn do Chủ đầu tư uỷ quyền. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật theo nhiệm vụ được giao và quyền hạn được uỷ quyền.

Đối với dự án có quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức đầu tư thấp (trước đây là dưới 01 tỷ đồng theo Quyết định số 2368/2007/QĐ-UBND ngày 29/10/2007 và hiện nay là 07 tỉ đồng theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND

ngày 03/02/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên) thì Chủ đầu tư có thể không lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý thực hiện dự án.

Trường hợp Chủ đầu tư thuê Tư vấn quản lý dự án: Chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức Tư vấn quản lý dự án có đủ điều kiện năng lực tổ chức quản lý để giúp Chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của Tư vấn quản lý dự án. Tư vấn quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng ký kết giữa Chủ đầu tư và Tư vấn quản lý dự án. Tư vấn quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ đầu tư về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Trong mọi trường hợp, Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật, kể cả những công việc đã giao cho Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án thực hiện.

Về mặt lý thuyết là như vậy, tuy nhiên thực tế chất lượng quản lý dự án, hiệu quả đầu tư chủ yếu phụ thuộc rất nhiều vào các Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của Tư vấn quản lý dự án chứ không thể làm thay Ban quản lý dự án/Tư vấn quản lý dự án được. Nếu Ban quản lý dự án/Tư vấn quản lý dự án thực sự có đầy đủ năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững chế độ chính sách thì việc triển khai dự án tương đối thuận lợi, đúng thủ tục đầu tư, đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, ít phải điều chỉnh, bổ sung, hạn chế thất thoát, lãng phí và nếu Ban quản lý dự án yếu kém thì

ngược lại. Việc xử lý các Ban quản lý dự án hay phạt vi phạm hợp đồng đối với Tư vấn quản lý dự án không hoàn thành nhiệm vụ cũng đòi hỏi thủ tục rất phức tạp và mất thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ của toàn dự án. Thực tế hiện nay là hầu hết dự án đều có vấn đề, hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất là việc chậm tiến độ nhưng chưa có Ban quản lý dự án hay Tư vấn quản lý dự án nào bị xử lý hoặc phạt vi phạm hợp đồng do không quy được lỗi của bên quản lý dự án.

Tóm lại, năng lực của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án hạn chế sẽ dẫn đến việc triển khai các khâu từ khâu lập dự án đến khi thực hiện các công việc tiếp theo là rất khó khăn và vấn đề này vẫn là một bài toán chưa có lời giải đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện phân cấp quản lý dự án nói riêng và quản lý đầu tư xây dựng nói chung.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 45 - 47)