Thanh toán vốn đầu tư

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 51 - 54)

4. Kết cấu của đề tài

2.3.2.2. Thanh toán vốn đầu tư

Việc tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo các quy định chung của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư xây dựng và được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể qua các thời kỳ tại các Thông tư: số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007, số 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007, số 88/2009/TT-BTC ngày 29/4/2009, số 209/2009/TT-BTC ngày 5/11/2009 và từ ngày 05/8/2011 thực hiện theo Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn Ngân sách nhà nước.

Cơ chế tạm tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư các dự án ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Thay vì siết chặt mức tạm ứng vốn, các điều kiện để được tạm ứng được quy định cụ thể, rõ ràng, mức tạm ứng được coi là cởi mở khi không khống chế mức tối đa mà chỉ quy định mức tối thiểu (Điều 10 Thông tư số 86/2011/TT-BTC). Điều này làm cho các Chủ đầu tư mở rộng quyền chủ động quyết định mức tạm ứng, tạo điều kiện tài chính thuận lợi cho các nhà thầu; đồng thời cũng giảm áp lực điều chỉnh đơn giá thầu do tăng giá nguyên vật liệu đầu vào vì Nhà thầu đã được tạm ứng vốn để mua các loại nguyên vật liệu chủ yếu, tiết kiệm chi phí đầu tư. Việc thu hồi tạm ứng được tiến hành ngay từ việc thanh toán đầu tiên cũng đã khắc phục được tình trạng ngâm vốn của Nhà thầu.

Tiến độ thanh toán vốn đầu tư trong năm nhìn chung còn chậm, không đồng đều, khối lượng xây dựng hoàn thành thanh toán trong quý I và quý II thường đạt rất thấp, quý III khối lượng có lớn hơn và tập trung thanh toán chủ yếu vào quý IV (xấp xỉ 50%-60% giá trị thanh toán cả năm); Ngoài ra còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, làm cho tiến độ thi công bị ảnh

hưởng dẫn đến chậm giải ngân mà việc làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan thường không dễ thực hiện.

Giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành chuyển sang tháng 01 năm sau thanh toán còn lớn, thường chiếm khoảng 7% - 10% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, mặc dù nguồn vốn hạn chế không đáp ứng nhu cầu đầu tư nhưng hàng năm vẫn có một khoản vốn dư không đủ thủ tục thanh toán phải trả lại ngân sách. Những năm gần đây số vốn phải trả lại ngân sách có xu hướng giảm đi, tuy nhiên tỉ lệ giá trị hoàn thành so với vốn thanh toán còn thấp, trung bình đạt 82,3% trong giai đoạn 2007 - 2010, thấp nhất là năm 2009 đạt 57,74%, cao nhất là năm 2008 đạt 99,99%. Điều này xuất phát từ thực tế có một số dự án đã được tạm ứng nhiều nhưng triển khai chậm, khối lượng hoàn thành thấp, cụ thể như sau:

- Năm 2007 trả lại ngân sách 3,761 tỉ đồng, tương đương 4,5% kế hoạch được giao. Giá trị hoàn thành trên vốn thanh toán là 72.474/79.374 triệu đồng, đạt tỉ lệ 90,9%.

- Năm 2008 trả lại ngân sách 15,379 tỉ đồng, tương đương 8,6% kế hoạch được giao. Giá trị hoàn thành trên vốn thanh toán là 163.815/163.831 triệu đồng, đạt tỉ lệ 99,99%.

- Năm 2009 trả lại ngân sách 0,417 tỉ đồng, tương đương 0,4% kế hoạch được giao. Giá trị hoàn thành trên vốn thanh toán là 63.438/109.708 triệu đồng, đạt tỉ lệ 57,74%.

- Năm 2010 thanh toán hết 100%, không trả lại ngân sách. Giá trị hoàn thành trên vốn thanh toán là 96.498/126.391 triệu đồng, đạt tỉ lệ 76,35%.

Năm 2008 có số tiền trả lại ngân sách lớn nhất, cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ tính trên tổng kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên đây lại là năm đạt tỉ lệ khối lượng hoàn thành lớn nhất, gần 100%. Những năm khác mặc dù tỉ lệ

giải ngân cao nhưng tỉ lệ giá trị hoàn thành lại thấp, điều đó có nghĩa là tỉ lệ ứng vốn còn cao, thu hồi còn chậm.

Trong số vốn dư không thanh toán được chủ yếu là do thiếu khối lượng hoàn thành, một phần nhỏ là do áp sai đơn giá, định mức và nguyên nhân khác. Năm 2007, số vốn bị từ chối thanh toán do áp sai đơn giá, định mức là 165 triệu đồng, tương đương 4,4%; do khối lượng chưa hoàn thành là 3.403 triệu đồng, chiếm 90,5%; còn lại do nguyên nhân khác là 193 triệu đồng, tương đương 5,1% trên tổng số vốn không thanh toán được (Số liệu thanh toán, giải ngân từ 2007 - 2010 có Phụ lục chi tiết kèm theo).

Hồ sơ thanh toán của các Chủ đầu tư thường thiếu, sót thủ tục đầu tư, khó khăn cho Kho bạc Nhà nước trong quá trình kiểm soát, thanh toán vốn. Điều đó xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu:

- Chủ đầu tư và Nhà thầu thường chậm hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư, nghiệm thu thanh toán, nhất là các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thiết kế - dự toán, trình duyệt khối lượng phát sinh.

- Cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng chưa hoàn thiện, thường xuyên sửa đổi, bổ sung thay thế; Thủ tục hành chính rườm rà, đôi khi chính các cán bộ quản lý chưa nắm hết các quy định của pháp luật nhất là trong thời gian giao thoa cơ chế chính sách: một số dự án dở dang tiếp tục được quản lý theo cơ chế cũ còn các dự án mới được quản lý theo cơ chế mới.

Tóm lại, cơ chế thanh toán vốn đầu tư tuy đã cải tiến và giảm thiểu các thủ tục hành chính tuy nhiên nhìn chung tiến độ thanh toán, giải ngân vẫn còn chậm. Đây vẫn là khâu mất nhiều thời gian đối với các Chủ đầu tư và Nhà thầu.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Trang 51 - 54)